Site icon MUC News

Trung Quốc dễ bị ‘gậy ông đập lưng ông’ vì chính sách liều lĩnh

Nhà nghiên cứu Stephen Nagy cảnh báo việc Trung Quốc liều lĩnh có thể khiến họ phải trả giá (ảnh chụp màn hình dailytimes.com.pk).

Nhà nghiên cứu Stephen Nagy cảnh báo việc Trung Quốc liều lĩnh có thể khiến họ phải trả giá (ảnh chụp màn hình dailytimes.com.pk).

Một nhà nghiên cứu tại Nhật Bản cho rằng chính sách ngoại giao “liều lĩnh” của Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh đối mặt với tình huống “gậy ông đập lưng ông”.

Ông Stephen Nagy, giảng viên tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo, Nhật Bản, cho rằng Trung Quốc đang làm gia tăng nguy cơ bùng nổ xung đột liên quan đến các điểm nóng như Biển Đông.

Chính sách ngoại giao liều lĩnh của Trung Quốc

Trong bài bình luận trên Nikkei Asia sáng nay (14/8), ông Nagy viết: “Chính sách ngoại giao con tin liều lĩnh của Trung Quốc làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh”.

Ông cho rằng các điểm nóng có thể bùng nổ xung đột giữa Trung Quốc và các nước là: Đài Loan, Biển Đông và việc Trung Quốc xâm lấn vào vùng biển Nhật Bản.

Bình luận của ông Nagy được đưa ra sau khi chính quyền Trung kết án 11 năm tù đối với doanh nhân Canada Michael Spavor. Ông bị tống giam sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Huawei của Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng việc Bắc Kinh trừng phạt ông Spavor là động thái trả đũa của Bắc Kinh đối với lệnh bắt giữ của Canada. Bà Mạnh đang đứng trước nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ để xét xử việc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ.

Một người Canada khác bị Trung Quốc trừng phạt là ông Robert Schellenberg, bị kết án tử hình với tội danh buôn ma túy.

“Bản án 11 năm bất ngờ vào hôm thứ Tư (11/8) dành cho ông Michael Spavor người Canada và việc giữ nguyên bản án tử hình đối với ông Robert Schellenberg đã bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi, trong đó có cả Nhật Bản”, nhà nghiên cứu Nagy viết.

Nguy cơ ‘gậy ông đập lưng ông’

Nhà nghiên cứu Nagy cho rằng chính sách “liều lĩnh” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rốt cuộc sẽ đem lại bất lợi cho Bắc Kinh.

Ông Nagy bình luận: “Thay vì kết bạn và gây ảnh hưởng tích cực đến các quốc gia khác, chính sách ngoại giao của ông Tập đang thúc đẩy ngày càng nhiều quốc gia áp dụng các chính sách không có lợi cho Trung Quốc”.

Nhà nghiên cứu liệt kê động thái từ các nước. Ví dụ, Canada đã dẫn đầu tuyên bố chống lại việc giam giữ tùy tiện trong các mối quan hệ bang giao. Ấn Độ đã trở thành một đối tác tích cực hơn trong Đối thoại An ninh Tứ giác với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia. Giới quan sát cho rằng Bộ Tứ là một liên minh nhằm chống lại thế lực của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Nagy viết: “Đứng bên cạnh những quốc gia đang xây dựng hoặc đã xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng họ, những quốc gia đã đưa ra những tuyên bố rõ ràng về hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông, các chính sách quyết đoán của ông Tập chính là một vấn đề an ninh được tạo ra ở Trung Quốc”.