Giới quan sát cho biết Bắc Kinh tranh thủ cơ hội Nga sa lầy trong cuộc chiến Ukraine và có thể gây sức ép khiến Moscow phải giảm xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam, từ đó mở rộng cơ hội thị trường cho Trung Quốc.
Theo BearNews, một báo cáo mới đây từ Viện ISEAS cho thấy lượng xuất khẩu vũ khí của Nga sang Đông Nam Á gần đây đã sụt giảm nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các nhà xuất khẩu vũ khí Nga gặp khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng. Các nước nhập khẩu vũ khí của Nga, trong đó có Việt Nam, buộc phải tìm kiếm nguồn cung vũ khí từ các nước khác.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang tận dụng cơ hội để mở rộng thị phần xuất khẩu vũ khí sang Đông Nam Á.
“Những vấn đề mà lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nga đang đối mặt sẽ tạo ra cơ hội thị trường ở Đông Nam Á cho các nước khác, bao gồm cả Trung Quốc”, theo báo cáo của Viện ISEAS.
Dữ liệu của SIPRI cho biết xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Đông Nam Á năm 2021 đạt 284 triệu USD, tăng từ mức 53 triệu USD vào năm 2020.
Trung Quốc tìm cách buộc Nga giảm bán vũ khí cho Việt Nam?
Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đang khiến sự phụ thuộc của Moscow vào Bắc Kinh “có thể ngày càng sâu sắc”, theo BenarNews. Tới nay Trung Quốc được coi là một “đồng minh quan trọng” của Nga, dù Bắc Kinh khá dè dặt trong việc công khai ủng hộ cuộc chiến của Tổng thống Putin tại Ukraine. Lý do là Trung Quốc sợ bị trừng phạt bởi các nước phương Tây.
Trong khi đó, Bắc Kinh không quên “đục nước béo cò” trong cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine. Khi sự lệ thuộc của Nga vào Bắc Kinh lớn hơn, Bắc Kinh sẽ muốn có một chút “lại quả”.
“Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ quân sự nhạy cảm nhất của Nga và thậm chí gây áp lực buộc Moscow phải giảm doanh số bán quân sự cho Việt Nam”, theo học giả Ian Storey, tác giả báo cáo của ISEAS.
Các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga không chỉ làm sụt giảm doanh số vũ khí của nước này, mà đó còn tác động không nhỏ đến Việt Nam, vì hơn 80% lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam là có nguồn gốc từ Nga.
Theo BenarNews, Việt Nam đang tạm ngừng chương trình hiện đại hóa quân đội, đồng nghĩa với việc tạm dừng mua vũ khí của Nga. Nhưng trong tương lai, Việt Nam vẫn cần nhập khẩu vũ khí từ Nga để tiếp tục bảo dưỡng và vận hành kho vũ khí đang có hiện nay.
Vì vậy, việc Nga bị trừng phạt sẽ gây khó khăn cho Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Nguồn cung vũ khí của Ukraine cho Việt Nam cũng bị tác động
Hơn nữa, tình hình Ukraine cũng làm gián đoạn nguồn cung cấp vũ khí của Ukraine cho Hà Nội, với tổng trị giá 200 triệu USD trong giai đoạn 2000-2021.
Ukraine là một phần quan trọng đối với các ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Xô và sau đó là Nga, mặc dù Ukraine giờ đã độc lập khỏi Nga.
Trong giai đoạn 2009-2014, cho đến khi Nga sáp nhập Crimea, Ukraine vẫn nằm trong số 10 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, theo SIPRI.
Trong năm 2012, Ukraine đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới. Kyiv đã bán vũ khí thông thường trị giá 1,3 tỷ USD trong năm đó. Chỉ tính riêng công ty sản xuất vũ khí Ukrspecexport của Ukraine đã có hợp đồng với gần 80 quốc gia.
Việt Nam cũng là một trong những khách hàng lớn của Ukraine tại Đông Nam Á.
Trước đó, giới phân tích cho rằng việc nhập khẩu vũ khí của Nga vốn là một lựa chọn hợp lý với Việt Nam, thay vì Mỹ hay Trung Quốc. Nếu Việt Nam nhập vũ khí của Mỹ hoặc Trung Quốc thì đều có thể khiến một trong hai nước tức giận.