Một giáo sư Ấn Độ hôm 11/3 có bài bình luận trên The Asean Post, trong đó ông cho rằng Trung Quốc đang dùng chiêu trò ở Biển Đông để bành trướng lãnh thổ trên dãy Himalaya.
Giáo sư Brahma Chellaney tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi của Học viện Robert Bosch, cho rằng: “Những ngôi làng biên giới mà Trung Quốc mới xây dựng trên dãy Himalaya tương tự như những hòn đảo nhân tạo của nước này ở Biển Đông. Đó là bản đồ địa chính trị mà chế độ của ông Tập Cận Bình đã vẽ ra mà không cần bắn một phát súng nào”.
Đặc biệt, Trung Quốc đang ráo riết xây dựng nhiều ngôi làng mới ở các vùng biên giới tranh chấp với các nước láng giềng như Ấn Độ, Bhutan và Nepal. Ông Chellaney cho rằng điều này là “để mở rộng hoặc củng cố quyền kiểm soát” của Bắc Kinh tại những vùng đất không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Nói về Biển Đông, giáo sư Chellaney bình luận rằng chính quyền Trung Quốc “đã nâng cao chủ nghĩa bành trướng Biển Đông”; thông qua các hình thức gây hấn nhưng cố tình giữ dưới mức xảy ra xung đột vũ trang công khai.
Áp dụng chiêu trò ở Biển Đông đối với dãy Himalaya
Giờ đây, Trung Quốc đang áp dụng thủ đoạn ở Biển Đông đối với vùng biên giới trên dãy núi Himalaya, theo nhận định của ông Chellaney. Tờ South China Morning Post có trụ sở tại Hồng Kông, trích dẫn một tài liệu của chính phủ Trung Quốc, gần đây đưa tin: Trung Quốc có ý định xây dựng 624 ngôi làng ở biên giới ở các khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya.
Giáo sư Ấn Độ viết: “Với danh nghĩa ‘xóa đói giảm nghèo’, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tàn nhẫn trừ bỏ những người du mục Tây Tạng; buộc họ phải định cư trong những ngôi làng biên giới mới tạo dựng ở những khu vực cô lập trên cao. UBND xã cũng đã cử các đảng viên là người gốc Hán đến các làng này để làm giám thị thường trú.”
Giáo sư Chellaney nhận định: “Tạo ra một tranh chấp mà trước đây chưa từng tồn tại thường là bước đầu tiên của Trung Quốc để khẳng định yêu sách lãnh thổ, sau đó họ sẽ cố gắng chiếm đoạt khu vực mà họ thèm muốn. Chế độ của ông Tập thường sử dụng dân quân đi tiên phong trong chiến lược như vậy.”
“Vì vậy, cũng giống như việc Trung Quốc sử dụng các đội tàu đánh cá dân sự được lực lượng tuần duyên hậu thuẫn cho các cuộc bành trướng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; họ đã cử những người chăn nuôi gia súc, gia cầm đi trước quân đội chính quy, tới các khu vực biên giới hoang vắng trên dãy Himalaya; để tranh chấp và sau đó khẳng định quyền kiểm soát”, ông Chellaney viết.
“Cách tiếp cận như vậy đã giúp họ gặm nhấm các vùng lãnh thổ ở Himalaya, từng miếng, từng miếng một.”
Chiêu trò “gây hấn không cần đạn” của Trung Quốc
Giáo sư Chellaney gọi cách Trung Quốc “đưa dân lên trước quân đội” để bành trướng lãnh thổ là chiêu trò “gây hấn không cần đạn”.
Điều này gây khó khăn đối với cả một cường quốc quân sự như Ấn Độ, theo ông Chellaney.
Giáo sư viết: “Hành động gây hấn không đạn của Trung Quốc – dựa trên việc sử dụng dân thường được quân đội hậu thuẫn để tạo ra hiện trạng mới trên thực địa – khiến cho công tác phòng thủ trở nên đầy thách thức, bởi vì phải đối phó mà không được xảy ra chiến đấu công khai”.
Ấn Độ đã đáp trả bằng các đợt triển khai quân sự rầm rộ để đối đầu với quân đội Trung Quốc.
Nhưng ông thừa nhận, chiêu trò “dùng dân để bành trướng” của Trung Quốc đang “có hiệu quả” và đặt ra những thách thức đáng quan ngại với các nước láng giềng.