Site icon MUC News

Trung Quốc trong Hội đồng Nhân quyền: Ma cà rồng Dracula phụ trách ngân hàng máu?

Ông Jiang Duan, đại diện của Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva (ảnh: UN Watch).

Ông Jiang Duan, đại diện của Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva (ảnh: UN Watch).

Với chiếc ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chính quyền Trung Quốc bị ví như Dracula – ma cà rồng hút máu người – có quyền kiểm soát ngân hàng máu.

Khi các chính trị gia trên khắp thế giới lên tiếng lo ngại vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, thì vào ngày 1/1/2021, quốc gia này đã bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm tiếp theo tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC).

Kẻ chà đạp nhân quyền lại giám sát nhân quyền?

Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 28/12, ông George Christensen, Nghị sĩ Đảng Quốc gia Tự do Australia, đề cập đến những tội ác phản nhân loại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

“Chúng tôi đang nói về việc (Trung Quốc) liên tiếp tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trong khi họ là kẻ tước đoạt mạng sống và quyền tự do của các học viên Pháp Luân Công; những người theo đạo Thiên chúa, bao gồm cả người Công giáo; các Phật tử Tây Tạng; người Duy Ngô Nhĩ; các nhà hoạt động dân chủ; và chính các nhà hoạt động nhân quyền”, ông Christensen nói.

Nghị sỹ Úc cho rằng việc chính quyền Trung Quốc được đảm nhiệm chức vụ về nhân quyền tựa như giao cho “Ma cà rồng Dracula phụ trách ngân hàng máu”.

“Bây giờ họ lại sắp được thưởng một chiếc ghế, một chiếc ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Thật không thể tin nổi”, ông Christensen nói thêm.

Nghị sĩ Bắc Queensland nói rằng đó chính là một cái tát vào mặt nhân quyền. Điều đó chứng tỏ rằng Liên Hợp Quốc là “một tổ chức hoàn toàn thất bại”, theo ông Christensen.

Ông nói: “Việc cho phép chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc ngồi vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc chẳng khác nào cho Dracula phụ trách ngân hàng máu”.

Nghị sỹ Christensen bình luận: “Đảng Cộng sản Trung Quốc cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, sau đó có được một ghế trong Hội đồng Nhân quyền, quả là không thể tin nổi”.

Người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Hongkong, người miền Nam Mông Cổ, người Đài Loan và người Trung Quốc, các nhà hoạt động dân chủ cùng tham gia kêu gọi các chính phủ đứng lên chống lại sự đàn áp tự do, dân chủ và nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước trụ sở Liên Hợp Quốc ở Thành phố New York, Mỹ vào ngày 1 tháng 10 năm 2020. ( ảnh: Samira Bouaou / The Epoch Times).

Nghịch lý trong Hội đồng Nhân quyền

Ông Rolando Gómez, người phát ngôn của Hội đồng Nhân quyền, biện minh cho việc Hội đồng kết nạp đa dạng các thành viên; bao gồm cả những chính phủ vi phạm nhân quyền như Trung Quốc.

Ông Gómez nói: “Hãy tưởng tượng một cơ quan nhân quyền trên phạm vi toàn cầu lại chỉ có trách nhiệm giải trình, đại diện cho một số ít quốc gia. Nó không thể lên tiếng một cách đáng tin cậy và hiệu quả để chống lại hoặc ảnh hưởng đến những tình huống nhân quyền ở nhiều nơi trên thế giới.”

Ông Gómez nói với The Epoch Times hôm 29/12: “Mặc dù không có quốc gia nào có hồ sơ nhân quyền hoàn hảo, nhưng không một quốc gia nào có thể thoát khỏi sự giám sát đó bất kể họ có phải là thành viên của Hội đồng Nhân quyền hay không.” 

“Nếu một quốc gia nghĩ rằng họ có thể che giấu một cách hiệu quả các vi phạm nhân quyền mà họ có thể đã vi phạm, hoặc thoát khỏi những lời chỉ trích bằng cách ngồi vào Hội đồng Nhân quyền, thì họ đã nhầm lẫn rất lớn”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc, ông Gómez cho biết: Vấn đề này đã được các tổ chức phi chính phủ nêu ra tại các cuộc họp Hội đồng Nhân quyền trước đây; nhưng ông cho rằng vấn đề này phải do Trung Quốc giải quyết.

Như vậy, phát biểu của ông Gómez đã thể hiện nghịch lý trong Hội đồng Nhân quyền: Cho Trung Quốc vào Hội đồng để có tính đa dạng; nhưng đối với vi phạm nhân quyền của Trung Quốc thì phải do Trung Quốc giải quyết!

Năm 2019, một tòa án độc lập ở Luân Đôn, Anh Quốc đã ra phán quyết kết luận rằng các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chính của hoạt động mổ cướp nội tạng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ.

Ngày càng nhiều quốc gia, trong số đó có  Hoa Kỳ, Áo, Bỉ, Canada, Cộng hòa Séc,  Đài Loan và  Ý đã khởi xướng, áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi buôn bán nội tạng.

Tuyên bố chung của 921 nhà lập pháp

Bắc Kinh đã bắt đầu nhiệm kỳ kế tiếp tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 1/1/2021; sau khi 921 nhà lập pháp từ 35 quốc gia đưa ra tuyên bố chung vào Ngày Nhân quyền Quốc tế (10/12) để lên án cuộc bức hại của chính quyền Trung Quốc đối với Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công (hay còn gọi Pháp Luân Đại Pháp) là một môn tu luyện hoàn chỉnh cho cả tâm tính lẫn cơ thể. Các học viên Pháp Luân Công hành xử theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong cuộc sống hằng ngày và luyện tập 5 bài công pháp nhẹ nhàng, trong đó có một bài thiền định.

Các học viên Pháp Luân Công ngồi thiền (ảnh: Minghui.org).

Trái ngược với các quốc gia trên thế giới, chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999. Giới lãnh đạo ĐCSTQ đương thời lo ngại khi thấy lượng lớn dân số tập Pháp Luân Công – khoảng 70 triệu đến 100 triệu người (lần lượt theo ước tính của nhà nước và các học viên vào thời điểm đó). Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp dã man đối với học viên Pháp Luân Công từ tháng 7 năm 1999. Hàng triệu người kể từ đó đã bị tống vào nhà tù, trại cưỡng bức lao động, khu tâm thần và các cơ sở khác.

Theo The Epoch Times, ông Levi Browde – giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã hoan nghênh tuyên bố chung của 921 nhà lập pháp trên thế giới vào Ngày Nhân quyền. Ông gọi đây là “nỗ lực chưa từng có” để “ngăn chặn những bất công của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công”.

Ông Browde cho biết trong thông cáo báo chí: “Họ cùng nhau gửi đi một thông điệp rõ ràng về tình đoàn kết đến những người đang chịu thống khổ ở Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ chiến dịch của chính quyền Trung Quốc nhằm xóa bỏ đức tin ôn hòa của hàng chục triệu người ở Trung Quốc và trên toàn thế giới”.