Theo Nikkei Asia hôm 27/5, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu áp đảo để “đóng băng” một hiệp định đầu tư với Trung Quốc. Đây là một thỏa thuận mà Bắc Kinh coi là một chiến thắng chiến lược lớn vào 6 tháng trước.
Cuối năm 2020, Trung Quốc và EU đã hoàn thành việc ký kết Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI); sau một năm căng thẳng nữa giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thời điểm đó, quan hệ của EU với Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Trump vẫn còn rất khó khăn. Bắc Kinh tính toán kỹ lưỡng nhằm thúc đẩy một liên minh xuyên Đại Tây Dương và điều này tưởng chừng như đã thành công.
Châu Âu tạm hoãn Hiệp định toàn diện về đầu tư với Trung Quốc
Tuy nhiên, những đám mây đen hiện đang bao trùm tương lai của hiệp định đầu tư. Ngày 20/5, Nghị viện châu Âu quyết định tạm hoãn hiệp định.
Điều này gây ra làn sóng chấn động khắp Trung Quốc. Do sự thay đổi này diễn ra trước sự kiện quan trọng nhất của ông Tập Cận Bình. Đó là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày 1/7.
Như vậy, không chỉ mối quan hệ của Bắc Kinh với Washington trở nên tồi tệ; mà giờ đây quan hệ với EU đang bị mắc kẹt.
Bắc Kinh đã cố gắng hết sức để cứu vãn thỏa thuận. Ngày 17/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Mario Draghi của Ý: “Cả hai bên nên làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng thỏa thuận Trung Quốc-EU về đầu tư sẽ sớm được ký kết và có hiệu lực”.
Nỗ lực của ông Lý Khắc Cường đã không thành công. Căng thẳng giữa EU và Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền chưa thể giải quyết dễ dàng.
Tháng 3, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc; do Bắc Kinh bị cáo buộc đối xử tàn bạo với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Đây là các biện pháp trừng phạt đầu tiên của châu Âu đối với Trung Quốc kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Trung Quốc hứng đòn từ quốc gia châu Âu Litva
17 + 1 là cơ chế hợp tác giữa 17 nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc. Đây là một khuôn khổ quan trọng để Trung Quốc phát huy ảnh hưởng của mình trong khu vực với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Một số thành viên 17 + 1 là thành viên EU. Vì vậy mục tiêu của Bắc Kinh là dựa vào nhóm 17 + 1 để định hướng các chính sách của EU theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Cộng hòa Litva (tên tiếng Anh: Lithuania) đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch này của Bắc Kinh. Tuy nhiên, hồi tháng 3 Litva cho biết họ sẽ mở văn phòng đại diện thương mại tại Đài Loan. Ngày 20/5, Quốc hội Litva đã thông qua một nghị quyết công nhận việc Trung Quốc đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ là “tội ác diệt chủng”.
Ngày 22/5, Trung Quốc hứng chịu thêm một đòn giáng từ Litva. Quốc gia nhỏ bé này cho biết họ rời khỏi khuôn khổ hợp tác 17 + 1.
Theo Nikkei Asia, Litva đã cảm nhận được nguy hiểm từ Trung Quốc và bắt đầu hành động để thoát khỏi ảnh hưởng của đất nước tỷ dân này. Động thái này của Litva có thể ảnh hưởng đến Estonia, Latvia (hai quốc gia khác thuộc vùng Baltic) và các thành viên 17 + 1 khác.
Bắc Kinh đe dọa Litva không nên hành động
Vào tháng 3, Trung Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 10 cá nhân châu Âu, trong đó có một thành viên quốc hội Litva; để trả đũa các lệnh trừng phạt trước đó của EU đối với Bắc Kinh.
Nhưng các lệnh trừng phạt cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macao đã phản tác dụng.
Hiệp định đầu tư với EU bị “đóng băng” và điều đó sẽ không dễ bị đảo ngược.
Trung Quốc đã đáp trả bằng những lời lẽ gay gắt. Tờ Thời báo Hoàn Cầu viết trong một bài xã luận rằng; Litva “không đủ tư cách” để tấn công Bắc Kinh và “đây không phải là cách mà một nước nhỏ nên hành động”.
Ông Tập Cận Bình dường như không có nhiều quân bài để chơi
Theo Reuters, tháng 4 Úc đã hủy bỏ hai thỏa thuận hợp tác sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà bang Victoria đã ký với Trung Quốc. Lý do là vì các thỏa thuận này đặt ra các mối đe dọa về an ninh quốc gia.
Theo Nikkei Asia, một sự phân chia mới chưa từng thấy dường như đang xuất hiện. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Vương quốc Anh, các thành viên G-7 khác, EU, Ấn Độ, Úc và các nước khác… hiện đang vây quanh và quan sát Bắc Kinh từ xa. Mọi con mắt đổ dồn vào Trung Quốc, các cuộc đối thoại trực tiếp có ý nghĩa với nước này vẫn bị đình trệ.
Phản ứng duy nhất của Bắc Kinh dường như là tăng gấp đôi chính sách”ngoại giao chiến lang”, theo Nikkei.
Tờ báo Nhật cho rằng ông Tập đang chơi những con bài của mình để tiếp tục là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, cách phản ứng nói trên của các nước phương Tây có thể trở thành một hiện trạng bình thường kiểu mới mà ông Tập phải đối mặt, theo Nikkei.