Site icon MUC News

Trung Quốc phong tỏa 21 triệu người ở Thành Đô: ‘Tin đồn’ trở thành sự thật

Trung Quốc phong tỏa Thành Đô từ ngày 1/9/2022, thời điểm nhạy cảm khi kỳ họp của giới quan chức sắp diễn ra (ảnh: Wikimedia Commons).

Trung Quốc phong tỏa Thành Đô từ ngày 1/9/2022, thời điểm nhạy cảm khi kỳ họp của giới quan chức sắp diễn ra (ảnh: Wikimedia Commons).

Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa 21 triệu người ở Thành Đô, một thành phố lớn ở miền nam của đất nước. Đây là động thái lớn nhất nhằm ngăn chặn Covid-19 kể từ khi Thượng Hải bị đóng cửa.

Epoch Times đưa tin, giới chức Thành Đô tuyên bố tất cả cư dân thành phố phải ở nhà bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày 1 tháng 9. Các gia đình được phép cử một người ra ngoài mua hàng hóa mỗi ngày; yêu cầu là người đó phải có có kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ. Chính quyền không nêu thời hạn phong tỏa kéo dài đến khi nào.

Thành Đô cũng đã hoãn khai giảng năm học mới. Các nhà chức trách đã ra lệnh cho tất cả mọi người đi xét nghiệm, bắt đầu từ ngày 1/9.

Tất cả các cửa hàng đều bị đóng cửa, ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu như siêu thị và hiệu thuốc.

Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm theo đuổi mục tiêu “zero Covid”, bất chấp tổn hại về kinh tế và xã hội (ảnh: Wikimedia Commons).

Theo quy định mới nhất, các phương tiện giao thông công cộng vẫn tiếp tục hoạt động. Nhưng người dân không được phép rời khỏi thành phố mà không có sự cho phép đặc biệt.

Khoảng 70% các chuyến bay đã bị đình chỉ đến và đi từ Thành Đô, một trung tâm kinh tế và một trung tâm trung chuyển chính ở Tứ Xuyên.

Trung Quốc tăng cường phong tỏa vào thời điểm ‘nhạy cảm’

Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, là thành phố lớn nhất bị đóng cửa kể từ khi trung tâm tài chính Thượng Hải bị khóa cứng suốt 2 tháng vào đầu năm nay.

Các biện pháp nghiêm ngặt đang xuất hiện tại các địa phương trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị bước vào một kỳ họp để bầu ra ban lãnh đạo mới. Đây được coi là “thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị” tại Trung Quốc. Trong kỳ họp này, lãnh đạo Tập Cận Bình hy vọng sẽ tiếp tục giữ ghế thêm một nhiệm kỳ thứ 3.

Tập Cận Bình nguy cơ gánh chịu hậu quả vì zero-Covid (ảnh chụp màn hình FT).

Hàng triệu người ở các thành phố khác của Trung Quốc, từ thành phố Thâm Quyến ở phía nam đến Đại Liên ở phía đông bắc, đã bị phong tỏa trong tuần này. Chính quyền Tập Cận Bình đang tiếp tục theo đuổi chính sách “zero COVID” thông qua giám sát kỹ thuật số, xét nghiệm liên tục, kiểm dịch nghiêm ngặt và phong tỏa, bất chấp những tổn thất về kinh tế và xã hội.

Mệt mỏi vì các biện pháp chống dịch hà khắc, nhiều công ty đã quyết định di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Hôm 1/9, Volvo Cars thông báo sẽ tạm thời đóng cửa nhà máy ở Thành Đô, theo Reuters.

Lệnh phong tỏa Thành Đô diễn ra vào hôm 1/9, sau khi Thành Đô ghi nhận thêm 157 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên tới hơn 900 trường hợp kể từ ngày 12/8. Tuy nhiên, người dân và các chuyên gia nghi ngờ con số này, vì giới chức Trung Quốc có lịch sử hạ thấp và che đậy thông tin về các ổ dịch trên cả nước.

‘Tin đồn’ trở thành sự thật

Trên nền tảng tiểu blog Weibo, nhiều người đã chế nhạo nhà chức trách vì đã bắt giữ một người dùng mạng xã hội lên tiếng cảnh báo trước về việc thành phố sẽ bị phong tỏa.

Vào ngày 29 tháng 8, một cư dân mạng Trung Quốc, với cái tên “Rừng nhiệt đới”, cho biết chính quyền đang lên kế hoạch phong tỏa toàn thành phố Thành Đô. Thông điệp này nhanh chóng lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội, khiến nhiều người đổ xô đi mua sắm đồ dùng tích trữ.

Vào ngày 30 tháng 8, cảnh sát Thành Đô thông báo đã bắt giữ người “loan tin đồn” về việc phong tỏa. Cảnh sát nói rằng người đàn ông 37 tuổi này bị giam giữ trong 15 ngày và bị phạt 1.000 nhân dân tệ vì “gây rắc rối”.

Tuy nhiên, chính “tin đồn” mà người đàn ông thông báo đã trở thành sự thật.

“Khi [các nhà chức trách] nói rằng đó là một tin đồn, thì đó ắt là sự thật”, một người dùng Weibo bình luận.

Có thể bạn quan tâm: