Chính quyền Trung Quốc đang chi tiền cho các cuộc nghiên cứu gây tranh cãi về việc sử dụng lợn biến đổi gen để làm nguồn cấy ghép nội tạng cho người.
Ý tưởng “cấy ghép nội tạng lợn vào cơ thể con người” thu hút nhiều chỉ trích về khía cạnh đạo đức. Nhưng Trung Quốc tập trung vào nghiên cứu này để giành mục tiêu trở thành nước đầu tiên cấy được nội tạng lợn cho người. The Epoch Times cho biết, việc nhân bản lợn từ lâu đã trở thành “quy mô công nghiệp” ở Trung Quốc.
Theo báo chí Trung Quốc, vào năm 2020, chỉ riêng các công ty khởi nghiệp liên quan đến chỉnh sửa gen ở Trung Quốc đã nhận được khoảng 2 tỷ nhân dân tệ (310 triệu USD) tiền tài trợ.
Nghiên cứu về việc cấy ghép nội tạng lợn cho người
Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố một bài báo đặc biệt vào ngày 22/9/2020; trong đó nói rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo ra một bước đột phá mới trong công nghệ cấy ghép dị loại đối với lợn đã được chỉnh sửa gen. Cấy ghép dị loại mà bài báo đề cập là một kĩ thuật y tế nhằm đưa nội tạng động vật cấy ghép cho người.
Bà Yang Luhan là người sáng lập Qihan Biotech ở Hàn Châu, Trung Quốc, đồng thời là nhà đồng sáng lập kiêm nhà khoa học chính của công ty chỉnh sửa gen Cambridge eGenesis ở Boston (Mỹ).
Tân Hoa Xã đưa tin, bà Yang đã thực hiện được một ca cấy ghép dị loại có tiềm năng lâm sàng, giải quyết thành công hai thách thức lớn về an toàn trong việc ghép nội tạng lợn cho người. Đó là việc loại bỏ retrovirus nội sinh của lợn khỏi lợn và tăng cường khả năng tương thích miễn dịch xenograft.
Retrovirus là một loại virus RNA có tác dụng chèn một bản sao bộ gen của nó vào ADN của tế bào vật chủ mà nó xâm nhập, từ đó thay đổi bộ gen của tế bào đó. Nghĩa là, về lý thuyết, nhà khoa học Trung Quốc cho rằng việc loại retrovirus của lợn khỏi lợn sẽ ngăn chặn việc sao chép gen của lợn sang cho người.
Nghiên cứu của bà Yang cũng được xuất bản trên tạp chí Nature Biomedical Engineering vào ngày 21/9/2020. Các đồng tác giả của bài báo này bao gồm Qihan Biotech, Đại học Harvard, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, eGenesis ở Boston và Đại học Nông nghiệp Vân Nam ở Trung Quốc.
Bài báo mô tả cách thức sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 để chèn gen và chuyển đổi một nhóm gen lợn cho chúng có khả năng tương thích và đông máu tương tự như gen người.
Những tranh cãi về cấy ghép dị loài
Việc cấy ghép các bộ phận cơ thể giữa con người và động vật một chủ đề gây tranh cãi. Những ý kiến chỉ trích cho rằng quá trình thử nghiệm của các nghiên cứu này có thể dẫn đến việc phá hoại bộ gen của loài người, từ đó phát sinh các loại bệnh tật hay biến dị phức tạp đối với cơ thể người.
Các nhà khoa học ủng hộ ý tưởng này thì lập luận rằng nó sẽ mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân được cấy ghép nội tạng với chi phí rẻ tiền.
Do những tranh cãi khó giải quyết, các cuộc nghiên cứu về việc cấy ghép nội tạng lợn cho người đã được chuyển tới Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc là nơi có các quy định đạo đức và luật pháp tụt hậu đáng kể so với sự phát triển công nghệ. Vì vậy, quốc gia này đã tạo cơ hội cho các nghiên cứu bị chỉ trích về giác độ nhân tính.
Ví dụ: Nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui đã tạo ra hai đứa trẻ sơ sinh được chỉnh sửa gen để miễn dịch với bệnh AIDS. Khi ông He công bố hai đứa trẻ này vào năm 2018, ông ta đã bị cộng đồng phẫu thuật Trung Quốc và quốc tế lên án gay gắt. Lý do là việc tự ý chỉnh sửa gen có thể gây ra những hậu quả khó lường; nó có thể di truyền cho thế hệ sau và ảnh hưởng có hại đến các gen khác của loài người.
Trung Quốc thành lập ‘nhà máy’ sản xuất lợn biến đổi gen ở Tứ Xuyên
Trong khi Qihan Biotech chỉ mới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng, Clonorgan Biotechnology ở tỉnh Tứ Xuyên đã thành lập địa điểm thử nghiệm lợn biến đổi gen đầu tiên của Trung Quốc vào tháng 6 năm 2020.
Khu đất này có tổng diện tích khoảng 6,67 ha. Giai đoạn 1 có diện tích khoảng 0,7 ha đã hoàn thành, bao gồm các khu chức năng khác nhau như phòng sinh sản, phòng thí nghiệm, …
“Đây là cơ sở xét nghiệm tiêu chuẩn cao đối với lợn phục vụ mục đích y tế, cũng như nhà máy sản xuất nội tạng”, theo cho một báo cáo của Nhật báo Tứ Xuyên được công bố vào ngày 15/9/2020.
Hiện cơ sở này có hơn 200 con lợn với hơn 10 loại biến đổi gen.
Ghép thận dị loại: Chỉ sống được kỷ lục 32 ngày
Ông Pan Dengke, người sáng lập công ty Công nghệ sinh học Clonorgan, nói rằng nhà máy này có thể cung cấp nhiều nội tạng lợn giá rẻ hơn nội tạng người.
Vào năm 2019, nhóm của ông Pan đã cấy ghép thận của lợn biến đổi gen vào những con khỉ. Những con khỉ này sống được 32 ngày trong khi sử dụng thuốc ức chế miễn dịch lâm sàng ở người.
Ông Pan nói rằng nhóm của ông đã lập kỷ lục toàn cầu về thời gian sống sót lâu nhất đối với một ca ghép thận dị loại trong cùng điều kiện.
Nội tạng lợn có thể thành nội tạng người?
Theo ông Pan, lợn được chọn làm nguồn cấy ghép thay cho nội tạng người vì nội tạng của lợn có kích thước và chức năng tương tự như người, nhưng lợn có chu kỳ sinh sản ngắn và tỷ lệ sinh sản cao. Hơn nữa, việc giết lợn để lấy nội tạng ít bị chỉ trích về vấn đề đạo đức hơn các động vật khác.
Tuy nhiên ông Pan đã phớt lờ sự thật rằng văn hóa truyền thống Trung Quốc nói lên rất nhiều điều về tâm linh của con người.
Giới khoa học Trung Quốc cho rằng việc họ loại bỏ được retrovirus là giải quyết được thách thức trong việc đưa nội tạng lợn vào cơ thể người. Nhưng từ góc độ văn hóa truyền thống, quan điểm này khá hạn hẹp. Một trái tim cấy ghép có thể mang đến nhiều thứ hơn, chứ không chỉ đơn giản là một con virus nào đó, The Epoch Times bình luận.