Trung Quốc đã tiến hành “các cuộc tấn công bằng tên lửa chính xác” hôm 4/8 tại vùng biển ngoài khơi Đài Loan như một phần cuộc trả đũa chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Giới truyền thông đưa tin, đây là cuộc tập trận bắn tên lửa thật lớn nhất mà Trung Quốc từng thực hiện. Theo National Review, các tên lửa đã rơi xuống phía Bắc, Nam và Đông của Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc diễn tập như vậy kể từ năm 1996.
Vào chiều 4/8, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc xác nhận rằng họ đã thử nghiệm nhiều tên lửa ở ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan.
Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc tuyên bố: “Tất cả các tên lửa đều trúng mục tiêu chính xác”. Không có thêm chi tiết nào được đưa ra.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết 5 quả tên lửa mà Trung Quốc bắn ra đã rơi xuống Vùng Đặc quyền Kinh tế của Nhật Bản ở ngoài khơi Hateruma, một hòn đảo nằm ở phía nam các đảo chính của Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã lên tiếng phản đối các cuộc thử nghiệm tấn công tên lửa của Trung Quốc. Ông gọi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản và sự an toàn của người dân Nhật Bản.”
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng suy đoán rằng 4 trong số các quả tên lửa đã bay qua Đài Bắc, băng qua đất liền của Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan không phủ nhận tuyên bố này. Họ nói rằng đường bay của các tên lửa nằm “bên ngoài bầu khí quyển và không gây hại cho khu vực rộng lớn trên mặt đất mà nó bay qua.”
Trung Quốc tổ chức hàng loạt cuộc tập trận nhằm trả đũa chuyến thăm Đài Loan trong tuần này của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi; đồng thời quảng cáo mối đe dọa của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan.
Ngoài việc cô lập Đài Loan về mặt ngoại giao, Trung Quốc từ lâu đã đe dọa trả đũa quân sự đối với các động thái của hòn đảo nhằm củng cố nền độc lập trên thực tế với sự hỗ trợ của các đồng minh quan trọng bao gồm Mỹ.
Đài Loan “bình tĩnh và không bốc đồng”
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã theo dõi vụ bắn tên lửa loạt Đông Phong của Trung Quốc bắt đầu vào khoảng 1:56 chiều 4/8. Đài Loan cho biết họ đã sử dụng nhiều hệ thống giám sát cảnh báo sớm khác nhau để theo dõi các vụ phóng tên lửa. Sau đó, Đài Bắc cho biết họ đếm được 11 tên lửa Đông Phong ở các vùng biển ở phía bắc, đông và nam.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng cho biết họ đã theo dõi các tên lửa tầm xa và đạn dược ở các đảo xa xôi như Matsu, Wuqiu và Dongyin.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã chỉ trích cuộc tập trận trong một bài phát biểu trên video công khai. Bà Thái nói rằng Trung Quốc “đã phá hủy hiện trạng và vi phạm chủ quyền của chúng tôi” với “những hành động vô trách nhiệm”. Bà kêu gọi Trung Quốc “hợp lý và kiềm chế”.
Nữ tổng thống tuyên bố: “Chúng tôi bình tĩnh và không bốc đồng, chúng tôi hợp lý và không khiêu khích. Nhưng chúng tôi cũng sẽ kiên quyết và không lùi bước.”
Bà Thái cho biết Đài Loan đang liên lạc với các đồng minh để đảm bảo rằng tình hình không leo thang hơn nữca.
Cuộc tập trận của Trung Quốc quanh Đài Loan “hoàn thiện hơn trước”
Ông Ma Chen-kun, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Đài Loan, cho biết cuộc tập trận nhằm thể hiện khả năng triển khai vũ khí chính xác của quân đội Trung Quốc, cắt đứt mối liên hệ của Đài Loan với bên ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổ bộ của quân đội Trung Quốc.
Ông Ma cho rằng, các cuộc tập trận của Trung Quốc gần đây là “hoàn thiện hơn” so với các cuộc tập trận trước đó.
“Nếu Quân đội Giải phóng Nhân dân thực sự xâm lược Đài Loan trong một cuộc xâm lược toàn diện, thì những hành động cụ thể mà họ sẽ thực hiện, tất cả đều nằm trong cuộc tập trận cụ thể này”, ông Ma nói.
“Vấn đề chính là họ sẽ cắt đứt các liên kết của Đài Loan với thế giới bên ngoài, từ vùng biển của họ, họ sẽ trấn áp hỏa lực phòng thủ bờ biển,” ông nói.
Trong khi đó, tâm trạng ở Đài Loan rất bình lặng
Tại Keelung, một thành phố ở bờ biển phía bắc của Đài Loan nằm gần hai trong số các khu vực diễn tập mà Trung Quốc công bố, những người bơi lội vẫn đi bơi vào buổi sáng.
Lu Chuan-hsiong, 63 tuổi, một người đi bơi, cho biết ông không lo lắng. “Bởi vì người Đài Loan và người Trung Quốc, chúng ta đều là một gia đình. Có rất nhiều người đại lục ở đây”, ông Lu nói.
“Mọi người nên muốn tiền chứ không phải đạn”, ông nói.
Theo AP, các ngư dân có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cuộc tập trận của Trung Quốc vì 6 khu vực là các vùng biển xung quanh Đài Loan. Một phần của khu vực tập trận còn đi vào lãnh hải của hòn đảo.
Nhưng, hầu hết ngư dân sẽ tiếp tục đánh bắt, vì đây là mùa mực.
“Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi, nhưng nếu họ muốn làm điều này, chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi chỉ có thể tránh khu vực đó”, Chou Ting-tai, chủ một tàu đánh cá, cho biết.
Mỹ hy vọng Trung Quốc không gia tăng hung hãn
Mặc dù Mỹ chưa tuyên bố sẽ can thiệp, nhưng nước này có các căn cứ và tài sản triển khai trong khu vực Biển Đông, bao gồm cả các nhóm tác chiến tàu sân bay.
Hôm 4/8, Hải quân Hoa Kỳ cho biết hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của họ đang hoạt động ở Biển Đông như một phần của “các hoạt động theo lịch trình bình thường”.
Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu trước cuộc tập trận hôm thứ Năm nói: “Tôi rất hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ không tạo ra một cuộc khủng hoảng hoặc kiếm cớ để gia tăng các hoạt động quân sự hung hãn của mình. Các quốc gia trên thế giới chúng ta tin rằng leo thang không phục vụ cho riêng ai và có thể gây ra những hậu quả khôn lường không phục vụ lợi ích của ai”.
Luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ coi các mối đe dọa đối với Đài Loan, bao gồm cả việc phong tỏa, là những vấn đề “quan tâm nghiêm trọng”.
Các chuyên gia cho biết, trong khi Trung Quốc không đưa ra lời nào về số lượng binh lính và khí tài quân sự tham gia, các cuộc tập trận hiện nay có thể là lớn nhất từng diễn ra gần Đài Loan về mặt địa lý.
Cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh Đài Loan có sự tham gia của các binh sĩ hải quân, không quân, lực lượng tên lửa, lực lượng hỗ trợ chiến lược và lực lượng hỗ trợ hậu cần.
Có thể bạn quan tâm: