Site icon MUC News

Tuyên truyền của Trung Quốc xâm nhập vào nước Mỹ như thế nào?

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nói muốn nhân dân thế giới có chung vận mệnh với nhân dân Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình video SCMP ghi lại cảnh ông Tập phát biểu tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 1/7/2021 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nói muốn nhân dân thế giới có chung vận mệnh với nhân dân Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình video SCMP ghi lại cảnh ông Tập phát biểu tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 1/7/2021 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ.

Tiến sĩ người Mỹ Antonio Graceffo gần đây đã công bố trên The Epoch Times loạt bài về bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở trong nước và nước ngoài.

https://mucnews.com/wp-content/uploads/2021/09/Tuyen-truyen-cua-trung-quoc-tham-nhap-my.mp3
Nghe Audio bài viết “Tuyên truyền của Trung Quốc xâm nhập vào nước Mỹ như thế nào?”

Trong phần 1, tiến sĩ Graceffo cho biết ĐCSTQ đã phối hợp các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ trong chiến dịch tuyên truyền toàn cầu của mình.

Trong phần 2, ông đã chỉ ra rằng “Chiến dịch tuyên truyền quốc tế của Bắc Kinh được hỗ trợ bởi các công dân và công ty Hoa Kỳ lệ thuộc vào tài chính của Trung Quốc”.

Giới truyền thông Mỹ trợ giúp tuyên truyền của ĐCSTQ

Đặc biệt, giới truyền thông chủ lưu của Mỹ “đồng lõa” vào hoạt động tuyên truyền của ĐCSTQ, theo tiến sĩ Graceffo.

“Một ví dụ tinh tế về sự đồng lõa của truyền thông Hoa Kỳ vào hoạt động tuyên truyền của ĐCSTQ là việc họ thường gọi Tập Cận Bình là ‘president’ (tổng thống) của Trung Quốc, thay vì dùng từ Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Tiến sĩ Graceffo cho biết: “Theo định nghĩa, tổng thống là do dân bầu ra. Còn ông Tập không những không do dân bầu; mà ông ta còn thay đổi hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để cho phép ông ta nắm giữ quyền lực suốt đời.”

Bắc Kinh chi tiền mạnh tay cho giới truyền thông Mỹ

Tiến sĩ Graceffo cho biết ĐCSTQ sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ để quảng cáo cho tuyên truyền của mình trên các phương tiện đại chúng ở Mỹ.

Một trong những cơ quan ngôn luận lớn nhất của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, đã được phép thuê một bảng quảng cáo cực lớn ở Quảng trường Thời đại của New York, vào năm 2011. Giá cho rất đắt. Người bỏ tiền ra thuê là ĐCSTQ. Có giai đoạn bảng quảng cáo này đã đăng video ủng hộ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ví dụ khác, chỉ trong thời gian vài tháng, tờ Nhân dân Nhật báo (China Daily – Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ) đã trả hàng triệu đô la cho các tờ báo, tạp chí của Hoa Kỳ và các phương tiện truyền thông khác; để họ cho đăng các phụ trang có nội dung do Bắc Kinh cung cấp.

Trong khoảng thời gian 4 năm, các khoản thanh toán ước tính tổng cộng là 19 triệu đô la. Trong đó, The Wall Street Journal nhận được 6 triệu đô la; The Washington Post nhận được 4,6 triệu đô la.

“Điều này nhấn mạnh thực tế rằng chiến dịch tuyên truyền quốc tế của ĐCSTQ được hỗ trợ bởi các công dân và công ty Hoa Kỳ phụ thuộc vào tài chính của Trung Quốc”, tiến sĩ Graceffo cho biết.

Các bài tuyên truyền ngụy trang là “bài báo”

Các phụ trang do Trung Quốc trả tiền tỏ ra là các bài báo thời sự; nhưng thực chất là tô vẽ cho luận điệu của Bắc Kinh về các sự kiện thế giới. Ví dụ, các bài báo tán thành lợi ích của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) ở châu Phi; người dân châu Phi hoan nghênh tình hữu nghị và viện trợ của Trung Quốc…

Nhưng các bài báo này không hề đề cập đến các khía cạnh tiêu cực của Vành đai Con đường; chẳng hạn như bẫy nợ, tham nhũng, mất chủ quyền và các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy người dân địa phương ra khỏi một số ngành nghề nhất định.

Còn có các bài báo làm hạ uy tín của Tổng thống Donald Trump; chỉ trích chính sách thuế của ông Trump đối với Trung Quốc. Chẳng hạn, chính sách đánh thuế của ông Trump làm giá gỗ xẻ tăng cao. Nhưng các bài báo không hề đề cập đến thực tế là ông Trump đánh thuế Trung Quốc là để giải cứu công ăn việc làm trong ngành gỗ xẻ của Mỹ; đồng thời buộc Trung Quốc phải trả giá về về hàng chục năm áp thuế cao đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ.

Tương tự, giới truyền thông chủ lưu Mỹ đang tuyên truyền cho luận điệu của ĐCSTQ về Covid-19.

“Các phương tiện truyền thông thiên tả của Hoa Kỳ đôi khi đã đề cao quan điểm của Bắc Kinh; đồng thời làm mất uy tín của các phương tiện truyền thông bảo thủ, chỉ đơn giản là vì họ công bố một quan điểm đối lập”, tiến sĩ Graceffo viết.

“Một ví dụ là phương tiện truyền thông thiên tả ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc rằng nguồn gốc của Covid-19 không phải là từ Viện virus học Vũ Hán; đồng thời chỉ trích các phương tiện truyền thông bảo thủ đã công bố bằng chứng ngược lại”.

“Trong khi đó các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ ở Mỹ đã cố gắng đẩy trách nhiệm về nguồn gốc của Covid-19 cho các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ”.

Viện Khổng Tử và mạng xã hội

Bên cạnh giới truyền thông, các công cụ khác mà ĐCSTQ dùng để tuyên truyền ở Mỹ là thông qua các mạng xã hội, trường học.

Ông Graceffo cho biết: Hơn 200.000 tài khoản mạng xã hội Twitter bị phát hiện là đang làm việc trực tiếp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Những tài khoản này đào sâu vào “cái chết của George Floyd hoặc những tuyên bố của Hoa Kỳ về phân biệt chủng tộc có hệ thống”.

Những chiến dịch tuyên truyền liên tục của Bắc Kinh ở Mỹ “làm xói mòn lòng tin và các chính sách của Hoa Kỳ, đồng thời lợi dụng quyền tự do ngôn luận và làn sóng tự phê bình hiện tại của người Mỹ”, ông Graceffo cho biết.

Bên cạnh đó, ĐCSTQ truyền bá tư tưởng của mình thông qua các Viện Khổng Tử. Những tổ chức này được đặt trong các trường Đại học Mỹ. Đó là chưa kể các “lớp Khổng Tử” ở các cấp học thấp hơn.

Thông qua các Viện/lớp Khổng Tử, Bắc Kinh yêu cầu các sinh viên không được thảo luận về các chủ đề nhạy cảm như nhân quyền, Tây Tạng, vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn hay Đài Loan.

Tiến sĩ Antonio Graceffo, quốc tịch Mỹ đã có hơn 20 năm làm việc tại Châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc. Ông Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Ông từng viết một số cuốn sách về Trung Quốc; như “Bên ngoài Vành đai và con đường: Hoạt động mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc”.