Tổ chức Economist Intelligence Uni công bố Chỉ số dân chủ 2021, Ukraine xếp hạng là đất nước có nền dân chủ lai tạp. Trong khi Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố chỉ số tham nhũng ở nước này xếp hạng 122/180. Tổng thống Ukraine đang đứng trước hàng loạt cáo buộc.
Chỉ số dân chủ của Ukraine
Khi nói về nền dân chủ thì đơn vị đo lường của nó được gọi là Chỉ số dân chủ. Chỉ số này dựa trên 60 chỉ số, được nhóm thành năm loại: quy trình bầu cử và đa nguyên, quyền tự do dân sự, hoạt động của chính phủ, sự tham gia chính trị và văn hóa chính trị. Các quốc gia được đánh giá theo thang điểm từ 0 đến 10 và chỉ số tổng thể là điểm trung bình của năm tổng điểm danh mục.
Mỗi quốc gia được nhóm thành bốn loại chế độ, dựa trên điểm số trung bình của họ: chế độ dân chủ hoàn toàn, chế độ dân chủ thiếu sót, chế độ lai tạp và chế độ chuyên chế.
Căn cứ vào đó, Economist Intelligence Unit gần đây đã công bố Chỉ số Dân chủ năm 2021. Top 5 nước có chỉ số dân chủ cao nhất lần lượt là Na Uy, New Zealand, Phần Lan, Thụy Điển, Iceland.
Hoa Kỳ được đánh giá là 7,85 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất đối với Mỹ kể từ khi chỉ số dân chủ được tạo ra vào năm 2006. Như vậy, Hoa Kỳ bị xếp vào danh sách chế độ dân chủ thiếu sót. Còn Ukraine thì bị xếp vào đánh giá chế độ lai tạp, tức là bị xếp vào nhóm thứ 3.
Trong chương trình của nhà bình luận Tuker Calson đăng tải trên Washingtonpost ngày 24/2, ông cho biết: Ukraine không phải là một nền dân chủ. … Theo thuật ngữ của người Mỹ, họ gọi Ukraine là một chế độ chuyên chế.
Khi các lực lượng quân sự của Nga tiến vào Ukraine, các quốc gia phương Tây đang thực hiện các bước để “bảo vệ nền dân chủ” khỏi một chế độ độc tài. Giới quan sát đặt câu hỏi Hoa Kỳ, Đức và các cường quốc phương Tây khác đang cố gắng bảo vệ điều gì? Theo các nhà phân tích hàng đầu về nền dân chủ toàn cầu, chính phủ Ukraine không được coi là một nền dân chủ lành mạnh.
Tất nhiên, đó không phải là sự biện minh cho việc từ bỏ trách nhiệm bảo vệ một quốc gia có chủ quyền.
Nạn tham nhũng nghiêm trọng ở Ukraine
Tổ chức Minh bạch Quốc tế hàng năm xếp hạng 180 quốc gia dựa trên mức độ tham nhũng thì Ukraine lại có số điểm 32/100. Ukraine ở vị trí thứ 122/180 về chỉ số tham nhũng; điều đó cho thấy nạn tham nhũng trong lĩnh vực công tại Ukraine diễn ra ở mức nghiêm trọng.
Khi giới tài phiệt Ukraine và các chính trị gia tham nhũng tràn lan cùng với sự thiếu minh bạch trầm trọng và những hạn chế về quyền tự do dân sự; tất cả điều này đã khiến cho khát vọng dân chủ hoá của người dân Ukraine bất thành.
Thực tế, Ukraine và Nga giống nhau ở chỗ đều không phải là những quốc gia chuyển đổi thành công từ chuyên chế sang dân chủ, không giống như ba quốc gia nhỏ trung Âu là Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary và Baltics. Như nhiều nước cộng hoà khác thuộc Liên Xô cũ, cái gọi là dân chủ hóa Ukraine đã bị thao túng bởi giới tinh hoa của Đảng Cộng sản cũ, những người đã biến Ukraine thành một quốc gia khói lửa. Các quan chức lâu nay tham ô tham nhũng, có tiền thì di cư ra nước ngoài.
Tổng thống Ukraine với những cáo buộc
Tổng thống Ukraine hiện tại tên là Volodymyr Zelensky, từng là một diễn viên hài. Vì ông vào vai một tổng thống khá thành công, nên người dân Ukraine đã bầu ông trở thành tổng thống thực sự. Câu chuyện này có thể được coi là độc nhất vô nhị trên thế giới. Tổng thống từ vai diễn trên sân khấu, sau đó đi thẳng vào văn phòng của tổng thống và ngồi vào ghế tổng thống. Từ quá trình tranh cử của ông, chúng ta có thể hiểu đại khái tình hình chính trị ở Ukraine.
Con đường trở thành tổng thống của ông cực kỳ đơn giản. Ông vào vai một giáo viên lịch sử trung học ngay thẳng trong bộ phim “Người hầu của nhân dân”. Vị giáo viên cấp 2 này đã chỉ trích sự thối nát của bộ máy nhà nước Ukraine trong lớp học. Sau đó, một số học sinh thích quan điểm của ông đã ghi một đoạn video của ông, đăng tải trên Internet; thế là ông đột nhiên trở thành một người nổi tiếng trên Internet. Sau đó, giáo viên lịch sử cấp hai này thực sự được mọi người bầu ra để tranh cử tổng thống. Bởi thời điểm đó, người dân Ukraine khao khát diệt trừ tham nhũng, và hướng tới dân chủ tự do. Cho nên sự xuất hiện của Volodymyr Zelensky điểm trúng then chốt trong ước vọng của người dân Ukraine. Nên ông ấy đã được ưu mến và kỳ vọng sẽ làm sạch môi trường chính trị ở Ukraine, đủ công minh liêm chính để diệt trừ tham nhũng và chống lại những tay tài phiệt đang gông cùm họ.
Tuy nhiên, ông Zelensky có đủ liêm chính như kỳ vọng hay không vẫn là một dấu hỏi. Tên của Tổng thống Zelensky có trong danh sách hồ sơ Pandora Papers của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế.
Theo phát hiện của Hiệp hội được công bố trên The Guardian, Tổng thống Zelensky sở hữu cổ phần của một công ty thuộc Quần đảo Virgin của Anh. Một tháng trước khi đắc cử tổng thống, Zelensky đã chuyển nhượng cổ phần của mình cho Serhiy Shefir, một người bạn và là đối tác kinh doanh.
Các hồ sơ cho thấy ông Zelensky tham gia vào một mạng lưới rộng lớn của các công ty nước ngoài, đồng sở hữu với những người bạn lâu năm và các đối tác kinh doanh truyền hình của ông. Sau khi giành được quyền lực, ông Zelenskiy đã đưa những đồng minh thân cận này vào chính phủ. Hầu hết các vị trí chủ chốt đều là thân tín của ông Zelensky.
Trước khi trở thành tổng thống, ông Zelensky đã kê khai một số tài sản riêng của mình. Nhưng tài liệu của Pandora cho thấy các tài sản ở nước ngoài thì ông Zelenskiy dường như không tiết lộ, ví dụ: 25% cổ phần trong Davegra, một công ty cổ phần của Síp. Vào ngày 13 tháng 3 năm 2019, hai tuần trước vòng bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử ở Ukraine, ông Zelensky đã trao một phần tư cổ phần của mình tại Maltex cho Serhiy Shefir. Đặc biệt, theo hồ sơ Pandora – ngày 24 tháng 4 năm 2019, một lý do để thành lập Maltex là “tích lũy hiệu quả lợi nhuận kinh doanh gồm cả thuế”; Nhưng họ lại tuyên bố, là “bảo vệ pháp lý”. Trên thực tế họ chủ yếu thiết lập các “kế hoạch tài chính” ở nước ngoài này để bảo vệ công ty khỏi “chính quyền và kẻ cướp”.
Trong một bài viết của mình cho Hội đồng Đại Tây Dương, ông Zelensky cho biết mục tiêu cuối cùng của ông với tư cách là tổng thống là phá hủy “trật tự đầu sỏ truyền thống” và thay thế nó bằng một “hệ thống công bằng hơn”. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng ông Zelensky đã thất bại trong việc cải cách nhà nước và chấp nhận những cách thức chẳng khác gì với những người tiền nhiệm.
Về vấn đề chính trị, Tổng thống Zelensky coi tất cả các lực lượng đòi ly khai là kẻ thù, những người có quan điểm chính trị khác với chính quyền của ông, đều là đối tượng cần phải tiêu diệt. Một số nhà phê bình cho rằng đây là lý do cho những bất ổn kéo dài ở Ukraine.
Dù đối mặt với nhiều cáo buộc, ông Zelensky đang thể hiện là một nhà lãnh đạo cứng cỏi chống lại cuộc tấn công xâm lược của Nga. Ông đã từ chối lời đề nghị sơ tán khỏi Ukraine để ở lại bảo vệ đất nước.
Hôm 28/2, Tổng thống Zelensky đã đệ đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu trong khi tiếp tục chiến sự với Nga. Với chỉ số dân chủ thấp và tham nhũng cao, tình hình căng thẳng với Nga có thể gây khó khăn hơn nữa cho Ukraine trong việc gia nhập cộng đồng các nước phương Tây.