Site icon MUC News

Tàu vỏ thép “mắc cạn”, ngư dân lâm cảnh nợ nần

tàu vỏ thép

Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân hư hỏng nhiều vị trí sau một thời gian ngắn ra khơi (ảnh chụp màn hình báo Dân Trí).

Ông Hân- một chủ tàu ở Quảng Ngãi vay vốn 13 tỷ đồng đóng tàu theo Nghị định 67; Hơn 3 năm sau ông rao bán tàu giá 2 tỷ nhưng vẫn chưa có người mua. 

Ngày 19/3, đại diện Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết khoảng 80% tàu cá đóng mới từ vốn vay theo nghị định 67 đánh bắt không hiệu quả. Hiện có 7 tàu (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) đã bị khởi kiện, đấu giá để thi hành án.

Cơ quan này xác nhận tỉnh Quảng Ngãi có tổng cộng 62 tàu cá được đóng theo nguồn vốn vay Nghị định số 67, bao gồm 11 tàu vỏ thép và 51 tàu vỏ gỗ. Tổng giá trị của 62 tàu cá hơn 387 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn thực hiện đóng tàu chủ yếu vay từ các ngân hàng với lãi suất 7%/năm, kỳ hạn vay là 11 năm.

Tuy nhiên qua một thời gian khai thác các tàu lần lượt thua lỗ, nhiều tàu đành phải nằm bờ vì chủ tàu không còn khả năng ra khơi.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Theo TTXVN, điển hình là tàu cá vỏ thép QNg 909.99 của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) hạ thủy năm 2016 hoạt động được một thời gian ngắn, đến tháng 3/2018 ông Hân cho tàu neo bờ vì đánh bắt không hiệu quả, máy móc liên tục hư hỏng…

Hiện tại, tàu cá QNg 909.99 được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đấu giá không thành công khi hết thời hạn mà không có người đăng ký tham gia đấu giá 

Ông Hân chủ tàu cá chia sẻ với tờ Tuổi Trẻ, việc vay vốn đóng mới tàu vỏ thép là một sai lầm. Bởi từ khi hạ thủy tàu chỉ khai thác tạm gọi là có hiệu quả được một năm.

Những năm sau đó, tàu gặp nhiều trục trặc, máy móc hư hỏng, nhất là bộ phận thủy lực, nhiều lúc tự sửa để ra khơi mong “gỡ gạc” nhưng càng ra khơi càng lỗ.

“Tháng 3/2018, tàu phải nằm bờ vì tôi không còn khả năng để mua ngư cụ, sửa chữa tàu để ra khơi. Số tiền hơn 13 tỷ vay đóng tàu, gia đình cũng không biết làm sao trả. Giờ ngân hàng họ kiện ra tòa, quá khổ” – ông Hân nói.

Ảnh chụp màn hình báo Người Lao Động.

Còn phía nhà chức trách lại lí giải rằng: là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, việc giá nhiên liệu “leo thang”, giá thủy sản lao dốc khiến các chủ tàu buộc phải cho tàu dừng hoạt động.

Xoay quanh vấn đề Nghị định 67 của Chính phủ khuyến khích ngư dân đóng tàu cá vỏ thép ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội nghề cá TP. Đà Nẵng đánh giá.

Nghị định 67 ra đời có ý đồ rất tốt là tạo cho ngư dân có điều kiện đóng tàu vỏ thép và những loại tàu có công suất lớn… vươn khơi. Tuy nhiên, Nghị định tốt, nhưng chủ trương đóng tàu cá vỏ thép đưa ra khá vội vàng vì chưa được tham khảo ý kiến ngư dân, lại có những áp đặt nhất định của cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí có sự áp đặt mang ý đồ riêng để phát triển một ngành, một bộ phận của nhà nước… mà chưa thực sự nghĩ đến ngư dân. 

Trước đó một số tờ báo VietNamNet, VnExpress cũng đăng tải hàng loạt bài viết về tình trạng ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam rơi vào cảnh “nợ nần đầm đìa” khi vay vốn đóng tàu vỏ thép.