Dư luận đang đồn đoán về nguyên nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm 31/7 bất ngờ bổ nhiệm ông Vương Hậu Bân (Wang Houbin), nguyên phó tư lệnh Hải quân, vào vị trí lãnh đạo Lực lượng Tên lửa Chiến lược, gồm cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Tờ RFI dẫn tin từ AFP cho biết, ông Vương Hậu Bân làm chỉ huy Lực lượng Tên lửa thay thế ông Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao). Ông Lý vắng mặt bất thường trước công chúng trong nhiều tuần qua trong khi Tân Hoa Xã không đưa ra lời giải thích nào về sự thay đổi nhân sự này.
Tờ báo Pháp còn dẫn tin từ South China Morning Post cho biết thêm, cách đây vài ngày có tin rằng ông Lý Ngọc Siêu cùng với các cấp phó hiện tại và trước đây của ông đang bị bộ phận chống tham nhũng, thuộc Quân ủy Trung ương, điều tra.
Bản tin trên tờ Apollo News Network dẫn lời Yao Cheng, cựu Trung tá Bộ Tư lệnh Hải quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói với VOA rằng ông Tập Cận Bình đang trấn áp nạn tham nhũng trong quân đội; ông đã bắt giữ có chọn lọc hai hoặc ba trăm người và làm mất lòng tất cả các binh sĩ. Cuộc cải cách quân sự của ông Tập nhằm củng cố quyền lực chứ không phải xét từ góc độ hiệu quả chiến đấu, nên một bộ phận “tướng nín thở” sẽ không chịu nghe mệnh lệnh của ông.
Yao Cheng nói, chỉ huy mới của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Vương Hậu Bân và ông từng là đồng đội và có mối quan hệ tốt. Ông Yao khẳng định rằng ông Vương – người có năng lực lãnh đạo ở mức dưới trung bình, không thể kiểm soát được lực lượng tên lửa vốn là một nhánh quân sự công nghệ cao, liên quan đến không gian, vệ tinh. Công nghệ tên lửa vốn là thứ mà ông Vương không thể kiểm soát ngay lập tức (vì thiếu hiểu biết).
Yao Cheng nói: Vương Hậu Bân sẽ nắm được suy nghĩ của người lãnh đạo. Nhưng điểm yếu của ông ấy là bản thân vốn là một sĩ quan tham mưu. Ông ấy chưa bao giờ chỉ huy binh sĩ. Ông ấy luôn ở trong chính phủ và không có nghiệp vụ căn bản. Về cơ bản, ông ấy đi lên nhờ ngoan ngoãn…
Ông ấy vào Lực lượng Tên lửa Chiến lược, quân đội ở đó sẽ không chịu tiếp nhận ông ấy, lừa dối và coi thường ông ấy. Nhưng rồi ông ấy vẫn sẽ bảo vệ chiếc mũ của mình. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của ĐCSTQ, nơi mà họ sử dụng nô tài thay vì lựa chọn nhân tài.”