Site icon MUC News

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’ mở rộng đến các quan chức địa phương?

Một chuyến bay đưa công dân từ Châu Âu về nước, tháng 7/2020 (ảnh: Bộ Ngoại giao).

Bộ Công an yêu cầu Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Nam… báo cáo cụ thể danh sách quan chức, cán bộ có thẩm quyền quyết định, tổ chức “chuyến bay giải cứu”.

Khởi đầu các vụ điều tra và bắt giữ người liên quan đến đại án “chuyến bay giải cứu” từ ngày 27/1/2022, đến nay có 23 người đã bị bắt. Họ là những nghi can thuộc 2 nhóm đối tượng: Quan chức cấp cao của Văn phòng Chính phủ và các Bộ; lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành.

Do vậy, yêu cầu mới đây của Bộ Công an với Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Nam… về việc cung cấp hồ sơ vụ ‘chuyến bay giải cứu’ có thể nhắm đến đối tượng vi phạm là các quan chức địa phương.

Trợ lý Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Quang Linh (trái) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng -ảnh bocongan.gov.vn.

Cụ thể, trong yêu cầu gửi các tỉnh thành nêu trên, phía công an phân ra 3 đối tượng cần cung cấp hồ sơ:

Với việc lựa chọn khách sạn, resort là địa điểm cách ly, Bộ Công an yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ các đơn vị đã nộp để xin là địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam hồi hương trên các chuyến bay tự trả phí. Thống kê các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tham mưu, đề xuất giải quyết hồ sơ của khách sạn, resort xin là địa điểm cách ly.

Về chủ trương xin cách ly, Bộ Công an yêu cầu các tỉnh cung cấp toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp đăng ký; nêu rõ lý do doanh nghiệp nào được cấp và không được cấp chủ trương cách ly. Hồ sơ doanh nghiệp nộp xin chủ trương đưa chuyên gia, công nhân về nước để cách ly tại địa phương cũng bị yêu cầu thống kê.

Với hai trường hợp trên, cơ quan điều tra đề nghị cung cấp tài liệu cụ thể, thể hiện quá trình giải quyết, từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định lựa chọn địa điểm cách ly, chủ trương cách ly. Danh sách cá nhân tham gia quá trình xét duyệt hồ sơ như cán bộ đề xuất, ký trình, ký ban hành và người tham gia giải quyết từng hồ sơ của doanh nghiệp.

Đối với việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly, Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ của doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay sau khi đã được tổ 5 Bộ cấp phép thực hiện. Việc giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly tại khách sạn, những đơn vị tham gia, cung cấp danh sách đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly và kết quả kèm theo.

Trong các nội dung trên, đáng chú ý khi Bộ Công an yêu cầu có trong tay “Danh sách cá nhân tham gia quá trình xét duyệt hồ sơ như cán bộ đề xuất, ký trình, ký ban hành và người tham gia giải quyết từng hồ sơ của doanh nghiệp”.

Một vụ án tràn danh sách là quan chức “Nhận hối lộ”

Theo Bộ Công an, có gần 2.000 “chuyến bay giải cứu” người Việt từ nước ngoài về trong các đợt Covid-19. Có chuyến bay sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vài tỷ đồng. Như vậy, người dân bị bóc lột hàng nghìn tỷ đồng vào tay các quan chức, nhóm lợi ích câu kết qua một vỏ bọc mang ý nghĩa nhân đạo là “giải cứu”.

Trong số 23 nghi can bị bắt, truy tố, chiếm tràn danh sách là các quan chức bị cáo buộc “Nhận hối lộ”, với 14 người. Trong đó, có các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao như Tô Anh Dũng, Thứ trưởng; Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Lãnh sự và các cán bộ đại sứ quán khác.

Phía Văn phòng Chính phủ có Nguyễn Quang Linh – trợ lý Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh. Ngoài ra, có các cán bộ của Bộ Y tế, Giao thông Vận tải

Có 4 lãnh đạo của 4 công ty lữ hành bị cáo buộc tội “Đưa hối lộ”.

Có thể, nếu Bộ Công an làm chặt, tới đây sẽ có các cán bộ địa phương vướng vòng lao lý cùng các tội danh như ông Dũng, bà Lan.