Tối 11/12, anh P.H.P. (30 tuổi, ngụ Phú Giáo, Bình Dương) ngã ra đường, bốn người trông thấy nhưng không cứu, sau đó anh bị xe khách cán chết. Từ câu chuyện này, chợt nhớ về một chuyện có tình huống tương tự, nhưng khác ở cái kết.
Qua thông tin của công an huyện Phú Giáo và trích xuất camera, báo Người Lao Động cho biết: Vụ việc xảy ra lúc 21 giờ 12 phút đêm 11/12 trên đường ĐT 741 đoạn qua ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Khi đó anh P. đi gần tới đèn tín hiệu giao thông đoạn ngã ba cây khô thuộc ấp Vĩnh Tiến thì tự ngã ra giữa đường.
Ngay sau lúc anh anh P. bị ngã (sau đó cố gắng cử động), có bốn người đi xe gắn máy phía sau đều trông thấy, cho xe đi chậm lại, nhìn sơ qua anh P. nhưng sau đó tiếp tục điều khiển phương tiện lưu thông. Không lâu sau đó, một chiếc xe khách lao tới đã vô tình cán phải, khiến anh P. tử vong.
Câu chuyện thương tâm trên khiến nhiều người đưa ra các bình luận, góc nhìn khác nhau. Nhiều người lên án sự vô tâm – vô cảm của bốn người đi đường nói trên; nhưng không ít người cho rằng, sự phức tạp của xã hội hiện nay, lòng người gian trá khiến người đi đường cảnh giác mà không dừng lại. Cũng có ý kiến nói người đi đường “không phải vô cảm mà họ sợ”, bởi chính quyền không phải mời mà triệu tập, triệu tập liên tục; “chưa tính đến người nhà của nạn nhân chưa rõ trắng đen như thế nào thì đánh chém rồi”.
Từ câu chuyện này, nhớ đến một câu chuyện có thật mà người đời xưa để lại:
Vào những năm đầu Thành Hoá thời nhà Minh Trung Quốc (niên hiệu Thành Hóa từ năm 1464 đến năm 1487), ở sở Cao Bưu Vệ có một vị họ Trương làm chức Bách Hộ (tên một chức quan) quản việc vận chuyển đường thủy. Một hôm vị này ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ, đi xử lý một số chuyện công vụ.
Thuyền của Trương Bách Hộ khi đang đi trên hồ thì bỗng gặp phải một trận gió lớn khiến nó bị lật. Sau khi thoát được lên bờ, ông Trương liền đi bộ dọc theo bờ hồ. Từ xa, ông nhìn thấy một chiếc thuyền khác đang bị lật qua lật lại trên mặt nước, có người đang kêu cứu. Nhưng vì sương mù dày đặc nên ông không nhìn ra được người đó là ai. Trương Bách Hộ thương cảm cho người đó nên bèn gọi ngư dân ở chiếc thuyền đánh cá nhỏ đang đậu gần đó đến cứu. Nhưng người ngư dân này đã từ chối.
Trương Bách Hộ liền lấy ra mười lượng bạc trắng đưa cho người này, khi đó người này mới chịu cứu người đang gặp nạn kia. Sau khi cứu người đó lên bờ, vị quan họ Trương mới nhận ra đây chính là con trai của mình. Nguyên do người con trai vì neo thuyền đợi cha, gặp phải trận gió lớn khiến thuyền bị lật, đã bị nhấn chìm trong nước nửa ngày trời. Khi được cứu lên, người con trai đã đang trong tình trạng hấp hối, chỉ chậm trễ thêm chút nữa chắc có lẽ sẽ bị chôn trong bụng cá mất rồi.
Lời người bình chú trên Chánh Kiến rằng: “Trương Bách Hộ cứu người trong lúc nguy nan, thật trùng hợp đó lại chính là con trai của mình. Giúp đỡ người khác cũng chính là giúp chính mình, xem ra điều này thật sự là điều chân thực không hư giả.
Con người trong xã hội hiện đại, thường cho rằng, ở vị trí nào thì nên nói những lời đó. Bản thân mình có học lực, có bản sự tự giải quyết hết thảy khó khăn của chính mình, không cần đến sự giúp đỡ của người khác, mà đối với những người đáng thương, không có khả năng, đi khắp nơi cầu xin người khác thì họ lại không hề có tâm thương tiếc. Họ nói rằng: vì sao tôi phải đi giúp đỡ người khác? Kỳ thực, giúp người khác, cũng đồng nghĩa gieo xuống hạt giống thiện lành, truyền đi sợi dây lương thiện, bản thân mình sẽ được thụ ích”.