Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh này đang lên kế hoạch trục vớt tàu chở 1.500 tấn tro bay nhiệt điện Vĩnh Tân bị chìm trên biển Mũi Né.

Liên quan đến vụ chìm tàu Bạch Đằng trên biển Mũi Né, (Phan Thiết, Bình Thuận), Báo Giao thông dẫn lời một lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải tỉnh Bình Thuận cho biết, sáng ngày 16/3 chủ tàu cùng đơn vị trục vớt và các đơn vị liên quan đã khảo sát hiện trường khu vực tàu chìm để lên phương án trục vớt đưa tàu vào bờ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, hiện toàn bộ số tro xỉ đang nằm trong thùng chuyên dụng và đã khóa kín tuyệt đối. Riêng số dầu DO trên tàu thực tế còn khoảng 2.000 lít (khi làm thủ tục rời cảng Vĩnh Tân, thuyền trưởng khai báo lượng dầu là 8.000 lít). Thời điểm này thì số tro xỉ và dầu được kiểm soát an toàn.

Tàu Bạch Đằng bị chìm ở vịnh Mũi Né cách đất liền 0,5 hải lý (ảnh chụp màn hình trên Báo Giao Thông).

Theo Báo Người Lao Động trong chiều cùng ngày, đại diện chủ tàu vận tải Bạch Đằng cho biết, đã khảo sát hiện trường, dự kiến trong 17/3, đơn vị sẽ trình phương án trục vớt tàu với các giải pháp không để xảy ra sự cố ảnh hưởng môi trường biển.

Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Lượng tro xỉ đã được bỏ trong các khoang tàu và đóng kín trong thùng. Tuy nhiên, hiện có nhiều thùng bị thấm nước, cần có phương án hút nước cho nhẹ tàu để tàu nổi lên mới có thể đưa vào bờ”. Về việc có nhiều luồng thông tin nghi vấn sự cố tàu chìm là do cố ý nhấn chìm, theo ông Tân, phải chờ kết quả xác minh.

Trước đó, ngày 14/3, tàu vận tải Bạch Đằng SG-8981 gồm 7 thuyền viên chở 1.500 tấn tro bay xuất phát từ cảng quốc tế Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận) đi cảng Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) khi đến khu vực biển Mũi Né cách bờ khoảng 0,5 hải lý, tàu bất ngờ bị chìm.

Sau khi nhận được thông tin, Đồn Biên phòng Mũi Né sử dụng ca-nô cùng tàu cá ngư dân tổ chức cứu nạn, đưa 7 thuyền viên vào bờ an toàn.

Tro bay nhiệt điện là gì?

Tro bay (fly ash) trong nhiệt điện là bụi (vi hạt) thải thoát ra từ quá trình đốt than đá. Các vi hạt tro bay gây ra dị ứng và tắc nghẽn ở các đường dẫn khí của phổi ở những người hít phải chúng, dẫn đến các bệnh hen suyễn và viêm phế quản mãn tính.

Theo thông tin trên trang Vietnambiz, cứ 4 tấn than được đốt lại sản sinh ra 1 tấn tro bay. Các nghiên cứu ước tính một tấn tro bay có thể bay trong trên phạm vi 150.000km2. Tro bay có thể bay với tốc độ 40-50km nếu thuận chiều gió. Sau lắng xuống, nó sẽ gây thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước và không khí trầm trọng cũng như các bệnh ở cây trồng, động vật và cả con người.

Nếu có trang trại bò sữa nằm trong phạm vi ảnh hưởng này của tro bay, sữa bò của trang trại đó cũng sẽ bị nhiễm những chất độc hại từ tro bay.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phơi nhiễm các vi hạt sẽ làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh tim, bệnh đường hô hấp và ung thư phổi. Một nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ cho thấy rằng xỉ tro (thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than) được chôn dưới lòng đất, đã gây ô nhiễm nguồn nước.

Các chất ô nhiễm độc hại trong xỉ than bao gồm thạch tín và chì. Thạch tín sẽ gây ra các bệnh về da, ung thư phổi và ung thư bàng quang và cũng có thể gây tổn thương cho hệ thần kinh ở những người bị phơi nhiễm thạch tín. Hệ thủy sinh của địa phương nằm gần khu vực chôn xỉ than cũng sẽ bị phá hủy.