Chuỗi tai nạn thảm khốc do cháy quán Karaoke ở Việt Nam được nối dài bằng vụ hỏa hoạn tại Bình Dương mới đây.
- Hoa Kỳ gia hạn điều tra thép tấm không gỉ từ Việt Nam
- Cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang bị truy tố
- Dân Trung Quốc lên mạng ‘kêu đói’ vì phong tỏa ở Tân Cương
Tóm tắt nội dung
33 người chết trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương
Tối ngày 7/9, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương xác nhận tổng cộng 33 người tử vong trong vụ hoả hoạn hôm 6/9 xảy ra tại quán karaoke An Phú, TP. Thuận An.
Theo báo cáo, đám cháy bùng phát ở tầng 2 của quán, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy có thể do chập điện.
Trong những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận nhiều vụ cháy quán karaoke thảm khốc với hậu quả nhiều người chết.
Hồi tháng đầu tháng 8/2022, một vụ cháy ở Hà Nội làm 3 cảnh sát phòng cháy chữa cháy thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ. Một vụ cháy quán karaoke khác, cũng ở Hà Nội, hồi tháng 11/2016, làm 13 người trong quán tử vong. Bên cạnh đó, trong hai năm 2013 và 2014, có ít nhất 3 vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội và Lạng Sơn làm tổng cộng 15 người mất mạng.
Hạn hán ở Trung Quốc tác động đến mùa lũ sông Mê Kông
Theo số liệu từ Dự án giám sát hoạt động các đập thủy điện sông Mê Kông, trong tuần trước, nhiệt độ ở thượng nguồn sông Mê Kông tại Trung Quốc rất cao, làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán. Trong khi đó, các đập thủy điện tăng cường tích nước làm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy mùa lũ sông Mê Kông.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái học ĐBSCL cho biết: Trước đây mùa nước nổi ĐBSCL thường bắt đầu vào tháng 7. Những năm gần đây, do các đập thủy điện tích nước làm cho mùa lũ bị muộn hơn khoảng 4 tuần có nghĩa vào khoảng tháng 8. Trong tương lai, mùa lũ sẽ luôn bị muộn như thế; ngoại trừ những năm lũ lớn khi hồ đầy từ đầu mùa. Dự báo đỉnh lũ năm nay sẽ rơi vào khoảng giữa hoặc cuối tháng 10.
Biển Đông: Cảnh báo sự sụt giảm đáng kể về nguồn cá
Một báo cáo mới của các nhà khoa học thuộc Trung Quốc và bốn nước ASEAN đưa ra cảnh báo về tình trạng sụt giảm đáng kể của nguồn cá ở Biển Đông, đặc biệt là đối với cá ngừ vằn, một loài cá di cư.
Theo báo cáo, “mặc dù mức độ đánh bắt cá ngừ vằn có thể vẫn ở mức ổn định trong nhiều phần của Biển Đông”, nhưng nguy cơ đánh bắt quá lớn đối với các ngừ vằn đang trưởng thành rất lớn.”
“Trên khắp Biển Đông, việc sử dụng các phương tiện đánh bắt để bắt cá ngừ vằn ngày một nhiều. Nếu không được quản lý, điều này có thể dẫn đến có quá nhiều cá đang lớn bị đánh bắt trước khi chúng có thể sinh sản, và điều này có thể dẫn đến việc suy giảm nhanh chóng về số lượng cá.” – Báo cáo viết.
Trước đó, các nghiên cứu của một số nhà khoa học đã từng chỉ ra rằng nguồn cá ở Biển Đông đã bị suy giảm từ 70 đến 95% kể từ những năm 1950 trở lại đây.
Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, và Philippines đều là những nước hiện đang có tranh chấp với nhau về chủ quyền ở Biển Đông. Lệnh đánh bắt cá hàng năm kéo dài từ tháng năm đến tháng tám do Trung Quốc đơn phương áp dụng ở vùng biển này đã gặp phải những phản đối từ các nước bị ảnh hưởng trong khu vực.
Đề nghị xem xét kỷ luật nguyên Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Hôm 8/9, thông cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác nhận, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ Giáo dục đã để xảy ra nhiều sai phạm trong biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, 2021, nghiêm trọng “đến mức phải xem xét kỷ luật”.
Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm này thuộc về các ông: Phùng Xuân Nhạ, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ; cục, vụ thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo.
Ông Phùng Xuân Nhạ sinh năm 1963, tại tỉnh Hưng Yên. Trước khi đảm nhiệm chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo, ông giữ cương vị Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021. Trong thời ông làm Bộ trưởng, ngành giáo dục Việt Nam xảy ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như vụ bê bối thi cử 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Hàng loạt tỉnh miền Bắc, miền Trung ngập lụt
Mưa lớn ba ngày nay khiến hàng nghìn hộ dân ở các tỉnh thành Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội bị ngập; một người chết, hai người mất tích.
Tại Hà Nội: Do mưa lớn kéo dài, nước sông Bùi dâng, tràn vào thôn Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội), nhiều người dân đã trắng đêm chạy lũ.
Tại Ninh Bình: Từ sáng 8/9, mưa lớn liên tục trút xuống nhiều địa phương tại Ninh Bình. Nước lũ sông Bôi dâng cao gây ngập lụt gần 500 nhà dân, nhiều khu dân cư đã bị chia cắt, hàng trăm ha lúa và hoa màu của người dân bị ngập sâu trong nước.
Còn tại Nghệ An, Thanh Hoá mưa lớn làm nhiều tuyến đường ngập cả mét, giao thông qua lại gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều xe đã bị chết máy giữa dòng nước.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hôm nay 10/9 miền Bắc giảm mưa, miền Trung tiếp tục. Lũ một số sông suối ở miền Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An có thể lên. Đỉnh lũ các sông suối nhỏ ở Ninh Bình, Hà Nam lên báo động 2; các sông nhỏ ở tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa và Nghệ An lên báo động 1 (cao và nguy hiểm nhất là báo động 3).