Vụ việc này diễn ra vào năm 2008 và được đăng tải trên các phương tiện truyền thông gần đây, trong đó có một bài báo của Yahoo News ngày 19/9/2020.

Một trong hai người nhận nhiệm vụ chính là ông Stephen Stanek, một thợ lặn xử lý bom mìn của Hải quân Mỹ, đã nghỉ hưu, rất giàu kinh nghiệm.

4 điệp viên CIA đuối nước ở Biển Đông khi chuẩn bị gắn thiết bị theo dõi tàu Trung Quốc
Ông Stephen Stanek và Michael Perich (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/ Học viện Hàng hải Mỹ).

Người thứ hai là Michael Perich, một nam thanh niên mới tốt nghiệp Học viện Hàng hải Mỹ. Là một cầu thủ bóng đá tại Học viện, Perich vừa được đào tạo làm thợ lặn và chỉ mới bắt đầu sự nghiệp của anh trong vai trò là một sĩ quan bán quân sự của CIA.

Hai người đàn ông khác hỗ trợ họ gồm có Jamie McCormick và Daniel Meeks.

Kế hoạch cài cắm

Bốn người đã lái một con tàu thuộc sở hữu bí mật của CIA, rời khỏi Malaysia đến Philippines. Kế hoạch ngụy trang của họ là một khách hàng ở Nhật Bản thuê họ đưa con tàu từ Malaysia đến Nhật Bản. Họ còn có giấy tờ để làm bằng chứng trong trường hợp bị thẩm vấn.

Mục tiêu thật sự của họ là một vùng đất nhỏ ở phía bắc của Luzon, hòn đảo lớn nhất của Philippines. CIA tin rằng quân đội Trung Quốc đang chiếm đóng hòn đảo này và lên kế hoạch cài đặt thiết bị theo dõi.

4 điệp viên CIA đuối nước ở Biển Đông khi chuẩn bị gắn thiết bị theo dõi tàu Trung Quốc
Vị trí đảo Luzon (ảnh chụp màn hình Yahoo News).

Ông Stanek và Perich đã lên kế hoạch lặn tới đảo bằng thiết bị lặn thương mại, như vậy, trong trường hợp họ bị Trung Quốc hay bên nào khác bắt giữ, họ có thể chối bỏ mối liên hệ với chính phủ Mỹ.

Hai thợ lặn sẽ đặt một “cái kén” được ngụy trang thành một hòn đá, trong đó có gắn thiết bị theo dõi các tín hiệu điện tử của tàu hải quân Trung Quốc.

Sau khi cài xong, họ sẽ quay trở lại tàu của mình, cả nhóm sẽ đến Nhật Bản để nghỉ ngơi vài tuần, sau đó quay trở lại và lấy thiết bị.

Bão Higos không đổi hướng

Vào ngày 28/9/2008, nhóm của ông Stanek triển khai kế hoạch. Khi đó, trên Biển Đông xảy ra bão Higos có khả năng đi qua khu vực mà ông làm nhiệm vụ, nhưng dự báo thời tiết cho rằng cơn bão sẽ thay đổi quỹ đạo và không tiếp cận khu vực này.

Tuy nhiên, cơn bão đã không thay đổi quỹ đạo. CIA cho biết con tàu của họ đã đi thẳng vào tâm bão và biến mất, không để lại một dấu vết.

4 điệp viên CIA đuối nước ở Biển Đông khi chuẩn bị gắn thiết bị theo dõi tàu Trung Quốc
Hình ảnh bão Higos ngày 29/9/2008 (ảnh chụp màn hình Yahoo News).

Nội bộ CIA chỉ trích người đứng đầu đơn vị đặc nhiệm SAD của CIA, khi đó là ông Bob Kandra.

Một cựu nhân viên hoạt động CIA giải thích: “Có rất nhiều áp lực khiến họ phải làm nhiệm vụ đó. Lẽ ra họ không cần phải chết… Bob quả là một nhà lãnh đạo tồi. Rất nhiều sĩ quan đổ lỗi cho Kandra về những điều tồi tệ đã xảy ra ở Thái Bình Dương”.

Không rõ CIA có triển khai một kế hoạch nào khác để cài cắm thiết bị theo dõi tàu Trung Quốc hay không. Chính quyền Trung Quốc gia tăng xây dựng đảo, quân sự hóa và kiểm soát Biển Đông trong nhiều năm qua, đặc biệt trong thời gian nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Ông Obama đã không cho phép hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông từ năm 2012-2015.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cố gắng chống lại sự kiểm soát của Trung Quốc. Hồi tháng 7, Washington đã chính thức bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh ở Biển Đông, kéo theo các động thái tương tự từ các quốc gia đồng minh như Úc, Anh, Pháp, Đức.