Bạn đã từng nghe về Du Lâm, một căn cứ chứa tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc mang đầu đạn hạt nhân ở nơi chỉ cách Việt Nam vài trăm km; hay căn cứ Không quân Volkel – địa điểm từng bị Google Maps không cho hiển thị suốt thời gian dài.

Thực tế chúng là những căn cứ quân sự trên thế giới luôn muốn đóng kín cánh cửa bí mật với thế giới bên ngoài. Dưới đây là 7 khu căn cứ bí ẩn như thế.

1. Khu phức hợp ở núi Cheyenne

Khu phức hợp núi Cheyenne được xây dựng gần căn cứ không quân Peterson ở thành phố Colorado Springs thuộc bang Colorado, Mỹ từ năm 1967 hồi Chiến tranh Lạnh, với mục đích ban đầu là để bảo vệ Mỹ và các đồng minh trước máy bay ném bom của Liên Xô. Tuy nhiên, căn cứ này cũng được thiết kế đủ để chống chịu được một cuộc tấn công hạt nhân 30 Megaton (tương đương sức công phá của 30 triệu tấn thuốc nổ TNT).

Căn cứ này thực tế là một hệ thống hầm ngầm tọa lạc sâu tới gần 1,6km bên trong núi và ẩn giấu dưới 610 mét đá granit cứng chắc. Nó được bảo vệ bằng hai cánh cửa nặng 25 tấn, cách ly tổ hợp bên trong hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ngoại trừ những lần diễn tập, hai cánh cửa này chỉ được mở khóa một lần duy nhất trước đây, vào ngày xảy ra thảm họa khủng bố 11/9/2011.

Đáng nói là 15 tòa nhà bên trong khu liên hợp được xây dựng trên 1.300 chiếc lò xo khổng lồ, cho phép chúng nảy xóc an toàn khi có động đất hoặc tấn công hạt nhân. Nó cũng được trang bị khả năng tự cung, tự cấp trong thời gian dài với một nhà máy phát điện, một nhà máy nước và hệ thống sưởi ấm và làm mát riêng.

Hàng ngày, có khoảng 350 người làm việc trong bunker kiên cố và 170 người trực đêm. 

Kể từ năm 2006, khu phức hợp núi Cheyenne được Mỹ và Canada dùng để theo dõi các vật thể bay trong không gian cũng như giám sát chặt từ xa chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo của những nước bị Washington coi là thù địch như Triều Tiên hay Iran. Nó cũng là một phần không thể thiếu trong kế hoạch ứng phó với viễn cảnh ngày tận thế của Chính phủ Mỹ.

Trong trường hợp có mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ, chẳng hạn như một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra, tổng thống và các quan chức của ông cũng như đội ngũ các lãnh đạo chính trị, quân sự và dân sự sẽ ngay lập tức được sơ tán đến căn cứ này và 3 cơ sở an toàn, bí mật khác là Trung tâm điều hành khẩn cấp của tổng thống thuộc Nhà Trắng, Trung tâm điều hành khẩn cấp núi Weather và khu phức hợp núi Raven Rock để điều hành đất nước từ sâu dưới lòng đất.

2. Đảo san hô Garrison Kwajalein của Quân đội Hoa Kỳ

Trong Thế chiến thứ hai, Mỹ đã thực hiện đổ bộ lên đảo Kwajalein và không bao giờ rời đi. Khi ấy, có những lính Nhật đồn trú ở đó đã bị bắt hoặc bị giết. Một căn cứ quân sự bí mật được thành lập ở đây khi cuộc xung đột sắp kết thúc, nó đóng vai trò là nơi dàn dựng cho Chiến dịch Downfall – kế hoạch mà người Mỹ dự định xâm lược Nhật Bản nhưng rồi lại hủy bỏ.

Thay vì từ bỏ hòn đảo khi chiến tranh kết thúc, người Mỹ ở lại và thành lập nó như một trong những trung tâm chỉ huy thử nghiệm hạt nhân của họ ở quần đảo Marshall. Kết quả là phần lớn người dân địa phương bị đẩy ra ngoài và những người còn lại phải làm việc trong các trại lao động.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991, phần lớn các cuộc thử nghiệm hạt nhân đã bị hủy bỏ và quy mô của Lực lượng đồn trú của Quân đội Hoa Kỳ bị thu hẹp đáng kể. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã rời đi hoàn toàn vì vẫn còn sự hiện diện quân sự trên đảo. Trên thực tế, người Mỹ đã cho thuê nó đến năm 2066.

Hiện tại, đảo san hô Kwajalein là nơi đặt radar Hàng rào Không gian, được sử dụng để theo dõi các mảnh vỡ không gian và vệ tinh. Đây cũng là một trong năm trạm mặt đất được sử dụng để điều khiển công nghệ GPS

3.Căn cứ hải quân Du Lâm

Căn cứ hải quân Du Lâm, do Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc điều hành, có lẽ là địa điểm bí ẩn nhất trong danh sách này. Căn cứ này còn có tên gọi khác căn cứ tàu ngầm đảo Hải Nam. Nó nằm ở bờ đông của đảo Hải Nam, nói thuộc hạm đội Nam Hải, có các cửa vào cho tàu ngầm với chiều rộng hơn 23 m. Các tàu ngầm nguyên tử ở đây được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn 7200 km và có thể cải tiến tầm bắn lên đến 12.800 km. Căn cứ tàu ngầm này là một mối lo an ninh cho các nước ASEAN cũng như Ấn Độ. 

Chi tiết về căn cứ này đã được nhiều cơ quan báo cáo đều khá sơ lược. Trong đó, tháng 2/2008, các hình ảnh vệ tinh thu được tháng 2 năm 2008 bởi Jane’s Intelligence Review và Federation of American Scientists (FAS) lần đầu cho thấy một cửa hang rộng vào một căn cứ ngầm và một chiếc tàu ngầm lớp Jin tại căn cứ này.

Ảnh vệ tinh cho thấy tàu ngầm tiến vào hang động bí ẩn trên đảo Hải Nam. Ảnh: Phòng thí nghiệm hành tinh (news.com.au).

Theo những gì được biết, căn cứ này có sức chứa 20 tàu ngầm phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Với năng lực của căn cứ này thì Trung Quốc có thể kiểm soát tuyến eo biển Malacca và Biển Đông và phong tỏa các hoạt động thương mại ở trên tuyến này trong trường hợp có khủng hoảng xảy ra cũng như hạn chế can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đối với vấn đề Đài Loan.

Mặc dù đã có từ lâu, căn cứ tàu ngầm Du Lâm trên đảo Hải Nam chỉ đến cuối thập niên 2000 qua tin tình báo và vệ tinh do thám người ta mới biết Trung Quốc đã xây dựng thêm những sơ sở dưới mặt đất đào sâu vào trong lòng núi, dùng cho các tàu ngầm nguyên tử. Theo Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, từ năm 2010, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc có 5 tàu ngầm nguyên tử chiến lược hạng 094, mỗi chiếc mang 12 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa “Ngưu Lang” JL-2 có tầm bắn xa 8.000 km.

Đội chiến hạm của Trung Quốc thuộc Hạm đội Nam Hải (ảnh: SCMP).

Điều đáng lo ngại cho Việt Nam là căn cứ này nằm gần thành phố Tam Á, Hải Nam, nơi chỉ cách Đà Nẵng, Việt Nam khoảng 150 hải lý, tức là khoảng 300km. Điều này dấy lên lo ngại về việc Việt Nam chịu ảnh hưởng từ các cuộc tấn công nguyên tử của Trung Quốc nếu chiến tranh xảy ra. Hiện các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc gồm hai loại chính: tàu ngầm chiến lược tấn công bằng hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân nhắm vào mục tiêu xa trên đất liền và tàu ngầm chiến thuật cho hải chiến chống hạm đội cũng như tàu ngầm đối phương, nhưng ở vùng biển gần không cần phải dùng đến những loại này. Trong tổng số gần 60 tàu ngầm các loại của Trung Quốc, có 7 tàu ngầm nguyên tử chiến thuật gồm 5 chiếc hạng 091 và 2 chiếc hạng 093, hạng “Hán” và hạng “Thương” đặt tên theo các triều đại cổ xưa trong lịch sử Trung Hoa.

4. Porton Down

Porton Down là cơ sở nghiên cứu chiến tranh hóa học lâu đời nhất thế giới vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay. Nó cũng cực kỳ gây tranh cãi.

Căn cứ Porton Down, đặt tại một vùng quê yên tĩnh có phần thơ mộng ở Wiltshire của nước Anh. Nó được thành lập cách đây hơn 100 năm nhằm phản ứng lại những cuộc tấn công bằng khí độc chlorine của quân đội Đức năm 1915 trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Những người làm việc ở đây được giao nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp khả thi cũng như cải tiến mặt nạ phòng độc.

Dù vậy, các hoạt động thí nghiệm chống độc hóa học trên cơ thể người ở đây bị dư luận cực lực lên án. Trong nhiều thế kỷ, những binh lính và quân nhân Anh không ý thức được mức độ nguy hiểm nên tự nguyện tham gia hàng loạt những cuộc thí nghiệm tại Porton Down với hy vọng kiếm thêm tiền. Họ không ngờ bị thử nghiệm với khí độc sarin, bệnh than (anthrax) và thậm chí Cái chết Đen (bệnh dịch hạch).

Mặc dù bị chính quyền biến thành “vật thí nghiệm”, song 21.000 quân nhân Anh trong 50 năm, từ năm 1939 đến 1989 chỉ được trả một số tiền ít ỏi, một ngày nghỉ phép hay thậm chí chỉ một vé tháng đi xe buýt miễn phí! Cuối cùng đến năm 2008, chính quyền Anh mới chính thức xin lỗi các nạn nhân và trả tiền bồi thường cho 670 người.

Nhà sử học Ulf Schmidt – chuyên gia hàng đầu về lịch sử hiện đại tại Đại học Kent (Anh) – tiết lộ sự thật ghê tởm về những cuộc thí nghiệm ở Porton Down cùng với những hậu quả đối với nạn nhân trong cuốn sách xuất bản năm 2015: “Khoa học bí mật: Một thế kỷ chiến tranh khí độc và Những cuộc thí nghiệm nơi con người”. Tuy nhiên, cũng có những người như tiến sĩ Michael Mosley nhận định rằng: Nước Anh sẽ bị tổn thương hơn rất nhiều nếu thiếu Porton Down.

5.Cơ sở hỗ trợ hải quân Diego Garcia

Cơ sở Hỗ trợ Hải quân Diego Garcia là căn cứ quân sự chung bí mật giữa Anh và Mỹ nằm ở Ấn Độ Dương. Địa điểm này được xây dựng vào năm 1971 sau khi người dân bản địa (người Chagossian) bị buộc phải di dời. Ban đầu nơi đây là nơi đóng quân của 20 tàu hậu cần nước sâu, nhưng cuối cùng, một sân bay hải quân đã được mở và hoạt động từ năm 1981-1987.

Mặc dù Cơ sở Hỗ trợ Hải quân Diego Garcia nằm ở một địa điểm xa lạ, cách Ấn Độ 1.000 dặm, nhưng trong nhiều trường hợp, nó đóng vai trò rất quan trọng. Khi Chiến tranh Iraq bắt đầu, nó đã cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Hoa Kỳ. Cho đến khi người Mỹ có thể thiết lập căn cứ của riêng mình trên đất của đối phương, họ vẫn dựa vào hòn đảo này làm nơi cho máy bay hạ cánh và cất cánh.

Trong những năm gần đây, khu vực này đã trở thành một địa điểm quan trọng để theo dõi các vệ tinh và vật thể trong không gian sâu bằng cách sử dụng Giám sát không gian sâu điện quang trên mặt đất.

6. Pine Gap 

Trong số 7 cái tên nên trong chương trình này, có thể  Pine Gap là cái tên bạn thấy quen thuộc hơn cả. Hẳn bạn còn nhớ đến vào tháng 7/2021, Netflix Việt Nam đã phải gỡ sáu tập phim “Pine Gap” – series phim đề tài gián điệp – sau khi cơ quan chức năng phát hiện phim này có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp.

Bộ phim Pine Gap đình đám năm đó là một series phim đề tài gián điệp do Australia sản xuất, chiếu trên Netflix từ năm 2018. Phim xoay quanh Pine Gap – một căn cứ phòng thủ tuyệt mật do Mỹ và Australia liên kết, nằm ở miền Trung Australia, đóng vai trò quan trọng trong các sứ mệnh toàn cầu của Mỹ.

Trên thực tế, căn cứ quân sự bí mật này nằm ở vùng hẻo lánh của Australia , xứng đáng là một thắng cảnh đáng chiêm ngưỡng với những quả cầu lớn màu trắng. Nó được điều hành bởi các lực lượng Úc và Mỹ – bao gồm Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Văn phòng Trinh sát Quốc gia.

Cơ sở vật chất tại căn cứ bao gồm một tổ hợp máy tính khổng lồ với 38 mái vòm bảo vệ đĩa vô tuyến và hoạt động với hơn 800 nhân viên.

Căn cứ tình báo Pine Gap nhìn từ xa

Dù nằm ở vị trí xa xôi nhưng Pine Gap lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động trinh sát, tình báo quốc tế. Đây là trung tâm điều khiển của nhiều vệ tinh do thám bay qua Nga, Trung Đông và Trung Quốc. Trên thực tế, địa điểm này được chọn đặc biệt vì nó quá xa để các tàu gián điệp có thể chặn được những tín hiệu này.

Pine Gap được khai trương vào năm 1970 và ban đầu được thiết kế để tập trung vào việc phát hiện các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Hiện tại, nó đã chuyển sang hỗ trợ quân đội Hoa Kỳ bằng cách phát hiện các cuộc không kích, cũng như thu thập thông tin tình báo và dữ liệu.

Theo một báo cáo mật của NSA tháng 4-2013 (được điệp viên Edward Snowden tiết lộ), Pine Gap đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cả hoạt động tình báo lẫn các chiến dịch quân sự. Một trong những chức năng then chốt của căn cứ là thu thập thông tin tình báo định vị toàn cầu, có thể dùng để hỗ trợ hoạt động tấn công quân sự bằng máy bay. Ngoài ra, một trong những hoạt động của Pine Gap hiện nay là thu thập thông tin định vị địa lý điện thoại di động trên phạm vi toàn cầu, từ khu vực Thái Bình Dương sang tận mép rìa châu Phi. Không chỉ xác định vị trí địa lý, Pine Gap còn có thể trích xuất số điện thoại, trích nội dung thông tin liên lạc, giao tiếp của người dùng điện thoại, từ đó giúp cho quân đội Mỹ có khả năng xác định vị trí thực tế của các đối tượng mục tiêu quan tâm.

7. Căn cứ không quân Volkel

Trong bản danh sách các địa điểm trên thế giới không hiển thị trên Google Maps, bao gồm cả mục cuối cùng trong danh sách các căn cứ quân sự bí mật mà chúng ta tìm hiểu: Căn cứ Không quân Volkel. Không rõ chính xác lý do tại sao nó không thể được tìm thấy, đặc biệt là khi những người sống trong khu vực có thể dễ dàng xác định được nó. Giả thuyết phổ biến nhất là nước này đã cất giữ vũ khí cho Không quân Mỹ kể từ Chiến tranh Lạnh. Điều này chưa được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hà Lan bình luận, nhưng các tài liệu bị rò rỉ cho thấy Hà Lan có những loại vũ khí này.

Hình ảnh hiếm hoi về căn cứ không quân Volkel được công bố ra ngoài.

Căn cứ Không quân Volkel thực sự được quân Đức chiếm đóng tạo ra vào năm 1940, ban đầu được sử dụng làm căn cứ nghi binh cho các cuộc ném bom của quân Đồng minh, và sau đó là căn cứ hoạt động đầy đủ của Luftwaffe. Sau các cuộc tấn công của quân Đồng minh vào sân bay trong khuôn khổ Chiến dịch Market Garden, quân Đức không thể sử dụng nó nữa. Tuy nhiên, Lực lượng Không quân Hoàng gia (RAF) đã làm việc ở trong một thời gian ngắn sau khi họ giành được quyền kiểm soát khu vực.

Vào năm 2019, một báo cáo được Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Nghị viện NATO công bố nhưng sau đó đã bị gỡ đã vô tình xác nhận một bí mật được tiết lộ từ lâu: vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được lưu trữ ở Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong đó, bản báo cáo tiết lộ, Căn cứ không quân Volkel (Hà Lan) lưu trữ tới 20 quả bom hạt nhân của Mỹ.