Hình ảnh một công xưởng dệt may tại Trung Quốc (ảnh: Lindsay Maizland/ commons.wikimedia) |
Theo truyền thông Mỹ, lệnh cấm có thể được Cục Hải quan và biên phòng Mỹ ban hành sớm nhất vào ngày 8/9 (giờ Mỹ). Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh nhiều báo cáo về việc sử dụng lao động cưỡng bức đối với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương được công bố.
Phạm vi áp dụng của lệnh cấm mới hiện vẫn chưa rõ, như việc sản phẩm bông sợi của Tân Cương được nhập từ các quốc gia khác có chịu lệnh cấm hay không. Với việc Tân Cương là vùng sản xuất bông lớn của Trung Quốc và thế giới, nhiều hãng may mặc lớn thường tìm nguồn cung cấp bông và các sản phẩm dệt may khác tại khu vực này.
Giá trị hàng dệt may của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trong năm ngoái đạt 40-50 tỷ đô la. Bông, sợi và vải từ Tân Cương cũng được chuyển qua các nước khác như Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Bangladesh và Sri Lanka để may quần áo.
Việc cấm sử dụng sản phẩm làm từ bông của Tân Cương nhập khẩu vào Mỹ đánh dấu thêm một động thái leo thang của Mỹ trong việc phản đối lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền khác ở Trung Quốc. Trước đó, ngày 20/7, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 11 công ty Trung Quốc vào danh sách bị trừng phạt vì liên quan các vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Hồi tháng ba, các nhà lập pháp Hoa kỳ đã đề xuất một đạo luật mới nhằm ngăn chặn hàng hóa được sản xuất bởi lao động cưỡng bức tại Tân Cương nhập vào thị trường Mỹ.
Trong những năm gần đây, quan hệ Mỹ – Trung đã xấu đi đáng kể với hàng loạt vấn đề, bao gồm việc Bắc Kinh xử lý giai đoạn đầu đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Vũ Hán, Hồng Kông và vi phạm nhân quyền tại Tân Cương. Trước báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và cưỡng bức triệt sản, chính quyền TT Trump đang cân nhắc xem việc đàn áp tàn bạo của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ là “tội ác diệt chủng” hay không.