Trên chính trường Mỹ, sự bất bình mà nữ nghị sĩ đảng cộng hòa Marjorie Taylor Greene với chủ tịch Hạ viện Mike Johnson ngày càng mạnh mẽ. Ít giờ trước, trên mạng xã hội X, bà đã viết:
“Mike Johnson cho rằng mình đã bị Joe Biden phản bội. Joe Biden cũng chính là người muốn tống đối thủ chính trị hàng đầu của mình vào tù suốt đời. Johnson nghĩ mình sẽ nhận được gì? Không, chính Mike Johnson đã phản bội người dân Mỹ khi bám lấy quyền lực với Nancy Pelosi và những phiếu bầu còn lại của Đảng Dân chủ”.
Thực ra thì từ tháng 3/2024, bà Greene đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ để tố cáo đương kim chủ tịch Hạ viện Mike Johnson rằng ông là kẻ “phản bội người dân, phản bội cử tri Cộng hòa” vì ông này đã dựa vào phe Dân chủ để thông qua dự luật chi tiêu 1.200 tỷ USD, giúp chính phủ Hoa Kỳ thoát nguy cơ đóng cửa. Những ngày tiếp theo, nữ thượng nghị sĩ nổi tiếng thẳng thắn này đã khiến Mike Johnson một phen chao đảo khi bà dồn hết nỗ lực để loại bỏ ông ra khỏi chiếc ghế chủ tịch Hạ viện; tương tự như cách mà nghị sĩ cực hữu Matt Gaetz của đảng Cộng hòa trước đây đã lật đổ Chủ tịch Hạ viện Mỹ tiền nhiệm là Kevin McCarthy.
Cho dù trong động thái hiếm hoi của lưỡng đảng, vào tối thứ tư này, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã dễ dàng đánh bại nỗ lực của Dân biểu Marjorie Taylor Greene để cứu ông Mike Johnson ở lại ghế Hạ viện. Nhưng những nỗ lực của bà Greene xét ra cũng không thừa. Ít nhất thì người phụ nữ này, bằng sự can trường trong một hoàn cảnh đơn độc, đã làm nóng lên một câu chuyện rằng: Trong một thời đại chính trị rối ren, thì những cái cúi đầu thỏa hiệp hay quay lưng phản bội từ các chính trị gia rồi sẽ trở nên rất phổ biến.
Rất nhiều người hiểu rõ về vấn đề đó, nhưng những toan tính chính trị của bản thân không cho phép họ nói thẳng ra như bà Greene. Ngay với cựu tổng thống Donald Trump, dù bày tỏ công khai rằng ông hoàn toàn yêu mến Marjorie Taylor Greene, coi trọng sự tinh thần chiến đấu và sự thẳng thắn của bà; nhưng chính ông Trump cũng đang tìm cách chế ngự bà Greene. Theo Newsweek, cựu Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích bà Greene vì có khả năng việc khuấy động “sự hỗn loạn” và theo đuổi nỗ lực lật đổ Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson có thể gây nguy hiểm cho cơ hội bầu cử của ông.
Ông Trump nói: “Chúng ta đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò của cuộc tổng tuyển cử, trên toàn quốc và cả ở các Bang xung đột … Nếu chúng ta thể hiện sự DISUNITY (chia rẽ), vốn sẽ được miêu tả là CHAOS, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi thứ!”
Thế đó, thật khó cho bà Greene, khi ông Trump – một người mà bà hết lòng tôn trọng và ủng hộ, đã nói như vậy. Nhưng biết là khó, thì thà có vẫn hơn không. Hãy tưởng tượng nếu nữ nghị sĩ cá tính này không khuấy động đến câu chuyện về việc các chính trị gia Hoa Kỳ ‘cúi đầu’ và “phản bội’ lại cử tri, chính đảng và người dân của họ; thì nhiều người sẽ quên mất rằng, sự việc tồi tệ hơn đang diễn ra trong quan hệ với ngoại bang, khi mà các chính trị gia Hoa Kỳ đang cúi đầu một các đầy mất mặt với Trung Quốc.
Câu chuyện được nói đến ở đây là việc Ngoại trưởng Mỹ ông Blinken bị Trung Quốc đã bị coi thường thế nào trong chuyến thăm hôm 24/4 vừa rồi. Theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Trung Quốc đã không trải thảm đỏ đón ông Blinken đến Thượng Hải hôm 24/04. Chỉ có một quan chức cấp thấp có mặt để chào đón ông Blinken khi ông bước xuống phi cơ. Nói như ông Charles Burton – nhà cựu ngoại giao Canada từng làm việc tại Bắc Kinh, thì đây là hành động nhỏ nhen có chủ ý của ông Tập để thể hiện rõ rằng các chuẩn mực ngoại giao thông thường sẽ không còn được Trung Quốc tôn trọng nữa.
Bất chấp việc bị Bắc Kinh đối xử đầy sỉ nhục, trong các cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Blinken vẫn tha thiết đề nghị Trung Quốc hợp tác. Và dù cho sau khi kết thúc những phiên họp không có kết quả ở Bắc Kinh — nơi mà ông Blinken đã gặp ông Tập và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, thì người đại diện cho Bộ Ngoại giao của Biden đã nói theo cách của người được ban ơn đầy ve vuốt rằng: “Tôi vui mừng thông báo rằng trước đó trong ngày hôm nay, chúng tôi đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán Mỹ-Trung đầu tiên về trí tuệ nhân tạo sẽ được tổ chức trong những tuần tới”.
Có thể nói, ngay từ khi ông Blinken đến Bắc Kinh, thái độ của Ngoại trưởng Mỹ được nhận xét như là “cầu xin sự thương xót của ông Tập Cận Bình”. Điều này càng đẩy ông Tập lên thế thượng phong một cách đầy cao ngạo. Từ lúc ông Blinken đặt chân đến Thượng Hải cho đến lúc ông rời đi, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tìm mọi cách để làm bẽ mặt Ngoại trưởng. Có một chi tiết được viện sĩ Gordon G. Chang của Viện Gatestone lưu ý rằng, khi gặp ông Blinken hôm 26/04, ông Tập đã cố ý để cho máy quay ghi lại thái độ coi thường vị khách của mình. Vài giây trước khi Ngoại trưởng bước qua nửa căn phòng để bắt tay, ông Tập hỏi một phụ tá: “Khi nào ông ấy sẽ rời đi?”
Trong quan hệ ngoại giao, đó thực sự là một sự sỉ nhục khó nuốt trôi; nhưng với chính phủ ông Biden, họ đã cảm thấy bình thường với điều đó. Không phải là chính phủ của ông Biden nhẫn giỏi mà là họ đã bị Bắc Kinh làm cho quen thuộc với điều này.
Đó quả thực là nỗi đau với nước Mỹ ngày nay, một hậu quả mà họ đã tự mình lựa chọn. Bởi chính phương Tây đã mở cửa, đã cung cấp vốn, công nghệ và hàng loạt chính sách mở cửa vô độ để Trung Quốc từ nghèo khó vươn lên thành nền kinh tế thứ hai thế giới và thực hiện tham vọng thống trị. Giờ đây, gậy ông đập lưng ông, Mỹ và cả Phương Tây đang phải trả giá cho sự sai lầm vì sự tin tưởng ngông cuồng trong quá khứ và thái độ hèn yếu như hiện giờ.
Nhưng, ngay cả những đối thủ của phương Tây hiện nay cũng không nên lấy đó làm sự vui mừng. Câu chuyện về sự cảnh giác có lẽ chẳng lúc nào thừa với những quốc gia đang đi lại với Bắc Kinh. Ai dám chắc rằng, đang trong quan hệ mật thiết với lời hứa “vận mệnh chung’, nhưng một khi nhận thấy đối tác hết giá trị để lợi dụng, Bắc Kinh sẽ không quay sang hành động theo những gì họ đã ngầm toan tính?