“Làm dâu” – Hai chữ nghe tưởng đơn giản, nhưng ẩn sau đó là biết bao cung bậc cảm xúc: Yêu thương, kỳ vọng, tổn thương và đôi khi là sự buông bỏ.
- Kỷ niệm với cha
- Người phụ nữ xin mẹ đẻ bán đất lấy tiền chữa bệnh ung thư cho mẹ chồng
- Địa chính sau sáp nhập: Không bắt buộc làm lại sổ đỏ
Tôi từng nghĩ chỉ cần mình yêu chồng, thương gia đình chồng hết lòng thì sẽ được yêu thương trở lại. Nhưng chính từ kỳ vọng ấy, tôi đã rơi vào một cuộc chiến thầm lặng với người phụ nữ tôi vẫn gọi là “mẹ”.
Tóm tắt nội dung
Những ngày đầu làm dâu: Tôi mong và… thất vọng
Ngày cưới, tôi nhận được nhiều lời chúc phúc, đặc biệt câu: “Gái có công, chồng chẳng phụ.” Tôi tin, chỉ cần sống tử tế, đối xử hết lòng, tôi sẽ được cả nhà chồng yêu quý, mẹ chồng sẽ coi tôi như con gái. Nhưng đời thực không phải câu chuyện cổ tích.
Khi tôi mang thai, rồi sinh con đầu lòng, không có bàn tay mẹ chồng ở bên. Không ai nấu canh nóng cho tôi, không ai ru cháu giúp tôi nửa đêm. Mẹ chồng chỉ ghé qua đôi lần, hỏi han vài câu xã giao. Trong khi đó, tôi nhìn thấy bạn bè được mẹ chồng chăm sóc tận tình, lòng tôi ghen tị. Tôi so sánh. Rồi tôi bắt đầu oán trách.
Tôi sống trong cảm giác thiệt thòi. Dù mẹ chồng chưa bao giờ nặng lời, tôi vẫn tự khép bà vào khuôn mẫu mà tôi nghĩ bà “phải” trở thành – một người mẹ thứ hai của tôi. Khi bà không như tôi kỳ vọng, tôi lạnh nhạt, thờ ơ.
Làm dâu – Không phải chỉ là người chịu đựng
Một lần tình cờ, tôi đọc được vài dòng chia sẻ của người bạn về cuốn sách cổ dạy đạo làm dâu. Tôi tò mò – không phải để học đạo lý, mà để hiểu điều gì khiến bạn tôi thay đổi đến thế. Tôi tìm đọc “Nữ Đức” – một cuốn sách xưa viết cho nữ giới. Không hào nhoáng, không lý thuyết suông, chỉ là những lời dạy đầy chân thành về cách làm vợ, làm dâu.
Ngay từ những trang đầu, tôi chững lại bởi một câu:
“Người nữ nên giữ lễ nghi, thuận tòng, khiêm cung, dốc lòng làm tròn đạo vợ, đạo con, thì nhà cửa mới yên, tộc họ mới thịnh.”
Tôi tiếp tục tìm đọc “Liệt Nữ truyện” – nơi kể lại những tấm gương phụ nữ tiết hạnh, hiếu thảo. Ở đó, có những nàng dâu chăm sóc mẹ chồng ốm yếu hàng chục năm, có những người vợ thủy chung dù sống trong khốn khó. Tôi bỗng thấy mình thật nhỏ bé và ích kỷ.
Tôi đã từng trách mẹ chồng không yêu thương tôi, nhưng tôi chưa từng hỏi xem bà đã từng sống ra sao, trải qua những gì. Tôi chỉ nhìn vào sự thiếu thốn của mình, mà quên mất bà cũng từng là một người làm dâu, từng làm mẹ, từng vất vả trong cuộc sống.
Làm dâu không phải để được yêu, mà để học cách yêu
Tôi nhận ra: chính tôi đã sai, khi lấy kỳ vọng để đo lòng người. Tôi mong mẹ chồng cư xử như mẹ ruột, trong khi chưa từng cố gắng hiểu bà là ai, đến từ đâu, mang theo những thương tích nào.

Từ khi thay đổi tư duy, tôi cũng thay đổi hành vi. Tôi bắt đầu nấu món bà thích, hỏi han sức khỏe bà mỗi lần ghé chơi – không phải để “lấy điểm”, mà là vì tôi thật lòng muốn đối xử tốt. Tôi không đợi bà thay đổi để đáp lại, mà tự nhủ: “Mình cứ làm phần mình cho tròn đạo làm dâu.”
Điều kỳ diệu là, khi tôi buông bỏ kỳ vọng, mẹ chồng lại dần mở lòng. Bà bắt đầu để ý tới cháu hơn, hỏi tôi có ăn được không, có mệt không. Lần đầu tiên tôi thấy bà ngồi chơi với cháu lâu đến vậy. Có lần, bà kể về những tháng năm nuôi chồng tôi lớn khôn – tôi ngồi lắng nghe, không phán xét.
Làm dâu – Học cách buông bỏ để trưởng thành
Tôi hiểu rằng, làm dâu không chỉ là gắn bó với một người đàn ông; mà là bước vào cả một gia đình; với lịch sử, văn hóa, cách sống và những tổn thương riêng. Làm dâu không phải là chuỗi ngày nhẫn nhịn hay hy sinh; mà là hành trình trưởng thành từ bên trong.
Làm dâu, đôi khi không phải là “được yêu” hay “được đối xử công bằng”, mà là học cách yêu mà không đòi hỏi; học cách đối diện với người khác bằng sự tử tế, thay vì sự phán xét.
Trở thành người phụ nữ biết “thuận theo Đạo”
Những cuốn sách cổ, tưởng là lỗi thời; lại trở thành kim chỉ nam giúp tôi sống bình an trong xã hội hiện đại. Tôi không còn đòi hỏi công bằng, không so sánh với bạn bè. Tôi chỉ biết ơn – vì mẹ chồng; dù không hoàn hảo, đã giúp tôi soi thấy cái “tôi” đầy mong cầu của mình.
Tôi học cách sống thuận theo lẽ tự nhiên; buông bỏ kỳ vọng, giữ vững lòng thiện, không trách móc, không đòi hỏi. Tôi làm dâu không phải để “được thương”; mà để hiểu rằng tình thương đôi khi bắt đầu từ chính mình.
Làm dâu – Là hành trình chuyển hóa
Tôi không còn oán trách mẹ chồng. Tôi biết ơn bà – không phải vì bà đã làm gì cho tôi, mà vì bà đã giúp tôi thấy rõ bản thân mình; để tôi học cách buông bỏ và yêu thương không điều kiện.
Giờ đây, khi ai đó hỏi tôi về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, tôi chỉ mỉm cười. Làm dâu không khó; nếu ta biết nhìn mọi việc bằng trái tim mềm mại và một tâm hồn biết học hỏi. Bởi đôi khi, sự thay đổi không bắt đầu từ người khác, mà là từ chính mình.