Tôi đã có nhiều năm công tác trong ngành pháp luật. Từng ngày, từng tháng, tôi chứng kiến sự thay đổi đáng lo ngại trong diện mạo của người phạm tội – đặc biệt là những tội danh liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản. Sự khác biệt không chỉ nằm ở mức độ tinh vi của thủ đoạn, mà còn ở xuất phát điểm của kẻ gây án: Khi phạm nhân không còn nghèo
- Tội phạm tuổi vị thành niên – Khi gia đình và xã hội buông tay
- Phát hiện cơ sở sản xuất mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại Thanh Hóa
- Quầy thuốc, căng tin bệnh viện tiềm ẩn nguy cơ hàng giả: Ai chịu trách nhiệm?
Tóm tắt nội dung
Ký ức về một thời phạm tội vì nghèo
Khoảng 10–15 năm về trước, những vụ án chiếm đoạt tài sản mà tôi từng tham gia điều tra hay xét xử chủ yếu đến từ những người dân nghèo, sống lay lắt bên lề thành phố hay vùng nông thôn heo hút. Vụ án thường rất đơn giản: trộm xe đạp, ăn cắp vài con gà, hoặc lẻn vào nhà lấy cái nồi, cái quạt máy. Tài sản chiếm đoạt đôi khi chưa đến vài trăm nghìn đồng – nhưng luật quy định rõ: từ 500.000 đồng trở lên là đã đủ căn cứ khởi tố hình sự.
Khi đó, mỗi lần đứng trước một bị cáo lam lũ, tôi đều mang tâm trạng trĩu nặng. Một bà mẹ đơn thân đi ăn trộm chỉ để mua sữa cho con. Một người cha mới mất việc dắt trộm chiếc xe đạp cũ để có tiền lo cho vợ nhập viện. Họ phạm tội vì bị dồn đến chân tường.
Có một thứ buồn lặng lẽ trong những vụ án ấy – vì ngoài lằn ranh pháp lý, tôi nhìn thấy ở họ một nỗi tuyệt vọng hiện hình.
Sự đổi thay của nền kinh tế và gương mặt mới của tội phạm

Rồi đất nước mở cửa, kinh tế thị trường lan rộng, đời sống chung dần được cải thiện. Những khu phố buôn bán sầm uất, nhà lầu mọc lên như nấm sau mưa, các doanh nghiệp nở rộ, và cùng với đó – tội phạm cũng biến hình.
Những năm gần đây, số lượng các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị hàng chục tỷ, trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ đồng tăng nhanh đến mức báo động. Điều đáng nói là: thủ phạm không còn là những người nghèo khổ, thất học hay túng quẫn. Họ là doanh nhân, quan chức, người có học vị, có địa vị trong xã hội.
Tôi từng xử một vụ án lừa đảo qua hoạt động kêu gọi đầu tư đa cấp, thủ phạm là người có bằng thạc sĩ, sống trong khu biệt thự cao cấp, lái xe tiền tỷ. Một vụ khác là cán bộ cấp sở lợi dụng chức vụ để rút ruột ngân sách nhà nước qua các gói thầu. Có bị cáo từng là hiệu trưởng trường trung học, là bác sĩ có tiếng, là người từng xuất hiện trên truyền hình như tấm gương sáng về nghị lực.
Tội phạm thời hiện đại không còn lén lút như trước, mà trở nên lạnh lùng, toan tính. Họ lập kế hoạch bài bản, tạo vỏ bọc hoàn hảo, biết cách tận dụng kẽ hở pháp luật. Tài sản bị chiếm đoạt không còn là một chiếc xe đạp cũ, mà là tiền tỷ trong tài khoản ngân hàng, là những dự án ma cướp trắng tay của hàng trăm người.
Khi phạm tội không phải vì nghèo, mà vì lòng tham
Đó chính là điều khiến tôi day dứt. Khi phạm nhân không còn nghèo – thì động cơ phạm tội không còn là miếng cơm manh áo, mà là lòng tham vô độ. Và khi lòng tham không có điểm dừng, tội ác trở nên tàn nhẫn hơn, lạnh lẽo hơn, khó tha thứ hơn.
Tôi từng thấy một doanh nhân cười mãn nguyện khi bị bắt – vì dù tài sản bị kê biên, anh ta vẫn kịp chuyển phần lớn tiền chiếm đoạt ra nước ngoài. Tôi từng nghe một bị cáo nói trước tòa: “Tôi biết sẽ có ngày bị bắt, nhưng vẫn làm, vì nếu trót lọt, tôi có thể sống sung sướng cả đời.”
Ngoài kia, còn biết bao nhiêu người lao động nghèo vẫn oằn mình mưu sinh. Biết bao em nhỏ vùng cao chưa đủ cơm ăn áo mặc. Biết bao người bệnh nằm co ro ngoài hành lang bệnh viện vì không có tiền đóng viện phí. Trong khi đó, có người lại chiếm đoạt hàng trăm tỷ để tậu siêu xe, mua biệt thự, tổ chức tiệc xa hoa ở resort biển.
Họ đâu biết rằng mỗi đồng tiền bất chính ấy là nước mắt của biết bao người lương thiện.

Tội phạm không án mạng – nhưng hậu quả khôn lường
Có một sự thật đáng buồn: không phải tội phạm nào cũng dùng dao, dùng súng. Nhiều kẻ dùng ngòi bút; tài khoản ngân hàng, chiếc điện thoại – để chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn người. Đó là những “tội phạm không án mạng” – nhưng hệ lụy họ để lại là vô cùng lớn.
Một vụ án lừa đảo đầu tư có thể khiến hàng trăm gia đình mất sạch tài sản; ly tán vì nợ nần. Một cán bộ tham ô có thể khiến cả một chương trình xóa đói giảm nghèo bị đình trệ. Một bác sĩ kê khống thuốc có thể khiến bệnh nhân nghèo mất đi cơ hội chữa bệnh đúng lúc.
Pháp luật sẽ trừng trị. Nhưng điều cần nhìn lại sâu xa hơn; là chúng ta đã làm gì để ngăn con người khỏi rơi vào vòng xoáy ấy?
Khi một xã hội đề cao vật chất hơn đạo đức, thì tội phạm là điều tất yếu.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà không ít người đánh giá thành công qua tiền bạc. Sự tử tế không còn là chuẩn mực, mà trở thành… điều hiếm hoi. Học sinh được cha mẹ dạy rằng “con phải giỏi hơn bạn; kiếm được nhiều tiền hơn người ta”, nhưng lại không được dạy rằng “hãy sống trung thực; tử tế, và có trách nhiệm”.
Chúng ta đã thấy những YouTuber bất chấp nội dung nhảm nhí để kiếm lượt xem. Những người khoe khoang sự giàu có, sống ảo để thu hút hợp đồng quảng cáo. Và từ những hình ảnh đó; lớp trẻ dễ ngộ nhận rằng thành công là sự nổi tiếng – không cần biết đến hậu quả.
Khi phạm nhân không còn nghèo, thì điều cần cứu là nhân cách con người
Để ngăn chặn sự trượt dài này, cần nhiều hơn những bản án. Chúng ta cần một sự hồi sinh của các giá trị đạo đức truyền thống: thương người như thể thương thân; sống trung thực, biết xấu hổ khi làm điều sai.
Giáo dục cần đặt lại trọng tâm vào việc dạy người. Gia đình phải là nơi gieo mầm tử tế. Xã hội phải tôn vinh những con người sống có nhân cách – chứ không phải những ai nhiều tiền bất chấp nguồn gốc.
Và mỗi người chúng ta, hãy tự hỏi: Ta đã sống như thế nào? Ta có đang im lặng trước cái sai? Ta có đang vô tình cổ súy cho lối sống thực dụng?
Tôi từng thấy nhiều phạm nhân bật khóc trong phòng xét xử. Nhưng giọt nước mắt ấy không thể gột rửa được tội lỗi. Không thể trả lại những tháng năm bị đánh mất. Không thể xóa đi nỗi đau của những người đã tin họ.
Khi phạm nhân không còn nghèo, thì điều cần cứu không chỉ là túi tiền; mà là nhân cách con người.
Và nếu chúng ta không bắt đầu từ hôm nay – rất có thể, ngày mai; chính những người thân yêu của chúng ta sẽ là người gục ngã trong vòng xoáy ấy.