Được triển khai đầy bất ngờ, kết thúc đầy kịch tính, và có thể đã mở ra một trật tự mới ở Trung Đông. Dưới đây là 10 điểm đặc biệt khiến cuộc chiến này trở thành một sự kiện chưa từng có.

1. Tấn công đúng vào ngày thứ 61 sau “giới hạn 60 ngày” mà TT Trump đặt ra

Tổng thống Trump từng tuyên bố Iran có 60 ngày để quay lại bàn đàm phán hạt nhân, nhưng hầu hết dư luận xem đó là lời nói mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, đúng ngày thứ 61, vào 13/6, Israel – với sự hậu thuẫn của Mỹ – bất ngờ phát động chiến dịch không kích quy mô lớn vào các cơ sở hạt nhân Iran. Thông điệp của Mỹ trở nên rõ ràng: lằn ranh đỏ đã được vạch và sẽ được thực thi.

2. Israel đã chuẩn bị từ hàng chục năm trước

Thủ tướng Benjamin Netanyahu là người kiên định nhất trong chính trường Israel về lập trường không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Chiến dịch tấn công được xây dựng dựa trên nền tảng tình báo, vũ khí, chiến lược đã chuẩn bị suốt hàng chục năm. Đây không phải một phản ứng tức thời, mà là sự kích hoạt một kịch bản chiến lược đã sẵn sàng từ lâu.

3. Mạng lưới tình báo Israel xâm nhập sâu vào nội bộ Iran

Một trong những yếu tố thành công then chốt là Mossad đã tuyển mộ hàng ngàn đặc vụ ngay trong lòng Iran, thậm chí tổ chức sản xuất UAV trong nội địa Iran mà không bị phát hiện. Chính các lực lượng này đã phá hoại hệ thống phòng không, ám sát tướng lĩnh cấp cao, và dọn sạch không phận cho phi đội Israel hoạt động tự do.

4. Iran nhanh chóng suy yếu, lực lượng quân sự gần như bất lực

Bất chấp những tuyên truyền rầm rộ từ trước, Iran đã không thể hiện được sức mạnh quân sự nào đáng kể. Lực lượng phòng không bị phá hủy ngay từ đầu, chỉ còn khả năng bắn vài đợt tên lửa bừa bãi, sau đó cũng nhanh chóng suy yếu do bị Israel liên tục phá hủy các bệ phóng.

5. Liên minh “bộ tứ” và các nước ủng hộ Iran im lặng đáng ngờ

Nga, Trung Quốc, Triều Tiên – những quốc gia thường tuyên bố sát cánh cùng Iran trong mặt trận “chống Mỹ” – không có động thái hỗ trợ thực chất nào. Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và nhiều nước Hồi giáo khác cũng chỉ lên tiếng ở mức ngoại giao yếu ớt. Điều này cho thấy liên minh “chống Mỹ” chỉ mạnh về khẩu hiệu trong thời bình, nhưng không có thực lực khi lâm chiến.

6. Iran đẩy mạnh chiến tranh truyền thông bằng tin giả và AI

Không thể phản kháng hiệu quả về quân sự, Iran chuyển sang mặt trận truyền thông: phát tán video giả (tạo bằng AI) về việc bắn rơi F-35 Israel. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng nhanh chóng vạch trần nội dung bịa đặt. Đây là minh chứng cho thấy sự sa sút cả về năng lực thực tế lẫn tinh thần của Tehran.

7. “Búa Đêm” – chiến dịch không kích có quy mô lớn chưa từng có

Chiến dịch có tên mã “Búa Đêm”, phối hợp giữa Mỹ và Israel, đã phá hủy ba cơ sở hạt nhân chiến lược của Iran, trong đó có Natanz và Fordow – được xem là “trái tim” của chương trình hạt nhân Iran. 125 máy bay được huy động, trong đó có tiêm kích F-35 và oanh tạc cơ B-2 Spirit mang theo 14 quả bom GBU-57, có khả năng xuyên phá sâu hàng chục mét bê tông cốt thép. Tổng thống Trump trực tiếp chỉ đạo từ Nhà Trắng, cho thấy mức độ nghiêm túc và tính toán chiến lược của chiến dịch này.

8. Trump “cảm ơn” Iran sau đòn trả đũa – rồi xoay sang kêu gọi hòa bình

Dù cảnh báo Iran không được đáp trả, nhưng khi Tehran phóng vài quả tên lửa có báo trước (thông qua Qatar), Tổng thống Trump bất ngờ đăng tải nội dung “cảm ơn” Iran vì đã không gây thiệt hại. Ông thậm chí nói rằng: “Có lẽ họ đã trút hết giận rồi. Giờ là lúc nghĩ đến hòa bình.”
Đây là một cách chuyển trạng thái cực kỳ mềm dẻo, vừa giữ thể diện cho đối phương, vừa mở đường cho hòa giải, tránh sa lầy vào xung đột kéo dài – đúng với phương châm “đánh giới hạn, không sa lầy” của TT Trump.

9. TT Trump giận dữ, yêu cầu Israel ngừng chiến ngay lập tức

Dù đã có thỏa thuận ngừng bắn, Israel vẫn tiếp tục điều chiến đấu cơ chuẩn bị không kích thêm vào lãnh thổ Iran. Tổng thống Trump, ngay trước báo giới, thể hiện thái độ giận dữ đến mức văng tục, thể hiện quyết tâm buộc hai bên phải ngừng chiến.
Ngay sau đó, ông gọi điện trực tiếp cho Thủ tướng Netanyahu, yêu cầu phi đội Israel quay đầu ngay giữa đường bay, chính thức kết thúc cuộc chiến một cách kịch tính và có kiểm soát.

10. Truyền thông Mỹ thiên tả tập trung hạ thấp hiệu quả chiến dịch

Dù “Búa Đêm” là một trong những chiến dịch quân sự chính xác và hiệu quả nhất kể từ sau chiến tranh vùng Vịnh, nhiều hãng truyền thông lớn và các lực lượng chính trị chống Trump cố gắng hạ thấp ý nghĩa chiến thắng này.
Họ né tránh bàn về tác động thực tế: các cơ sở hạt nhân xây dựng hàng chục năm bị phá hủy, khoa học hạt nhân bị tổn thất lớn, Iran bị cô lập sâu hơn. Trong bối cảnh ấy, chương trình hạt nhân Iran có thể sẽ mất nhiều năm, hoặc không bao giờ phục hồi được.

Kết luận: Trung Đông bước sang thời kỳ mới

Cuộc chiến 12 ngày là đòn đánh kép: chấm dứt thế lực gây rối lớn nhất ở Trung Đông – Iran, và dọn sạch mặt trận phụ để Mỹ tập trung vào Trung Quốc, nhất là khu vực Đông Bắc Á.
Sau chiến dịch này, các lực lượng ủy nhiệm như Hamas, Hezbollah, Houthi… suy sụp tinh thần, còn Iran thì bị đẩy vào thế bị động toàn diện. Phần lớn các quốc gia Trung Đông – kể cả Syria – ngả hẳn về phía Mỹ, trong khi “phe chống Mỹ” chỉ còn lại khẩu hiệu và tin giả.