Các thành viên của hải quân Indonesia đứng trên cầu tàu khi tàu đổ bộ đổ bộ USS Tortuga (LSD 46) của Mỹ cập cảng tại bến tàu thương mại Tanjung Perak ở Surabaya, Indonesia (ảnh: Hải quân Mỹ). |
Ông Aan Kurnia, giám đốc cơ quan an ninh hàng hải Indonesia, Bakamla, nói với Reuters, rằng con tàu Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 dặm của Indonesia, ở ngoài khơi quần đảo Natuna, vào ngày 12/9 và rời đi vào ngày 14/9 sau khi đưa ra những thách thức qua sóng phát thanh về quyền tài phán.
Ông Aan cho biết, luật quốc tế cho phép quyền đi qua vùng EEZ của nước khác, nhưng ông nói rằng con tàu đã ở đó quá lâu.
“Vì chiếc tàu này trôi nổi, sau đó đi vòng quanh nên chúng tôi nghi ngờ, chúng tôi tiếp cận nó và được biết đó là tàu hải cảnh Trung Quốc”, ông Aan nói.
Vị quan chức Indonesia cho biết hải quân và lực lượng tuần duyên nước này sẽ tăng cường hoạt động ở khu vực mà tàu Trung Quốc xuất hiện.
Indonesia là một trong số các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cùng với Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei, Đài Loan.
Trung Quốc đặt yêu sách đường lưỡi bò đối với phần lớn Biển Đông, dù tòa án quốc tế ở La Hay đã bác bỏ cơ sở pháp lý cho yêu sách này vào năm 2016.
Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin) phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng con tàu đang thực hiện “nhiệm vụ tuần tra bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”.
Reuters cho biết, lực lượng hải cảnh Trung Quốc thường hoạt động bên cạnh các tàu đánh cá mà các chuyên gia mô tả là lực lượng dân quân do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn.