3610-rau-muoyyng-thayng-9
Rau muống cuối mùa (ảnh: Pinterest).

Câu thành ngữ này tôi nghe được các bà, các chị ở quê nói với nhau từ lúc tôi còn trẻ. Tại sao lại là rau muống tháng Chín? Tại sao lại là nàng dâu với mẹ chồng chứ không phải là con gái với mẹ đẻ?

Chuyện ở đời mẹ đẻ và con gái thương yêu nhau là bình thường trong mỗi gia đình, không có gì để nói, còn mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu bao đời nay, trong hoàn cảnh nào vẫn luôn là mối quan hệ phức tạp và nhạy cảm.

Trước đây tôi lý giải câu thành ngữ là rau muống tháng 9 (đương nhiên là tính theo Nông Lịch, mà ngày nay mọi người cứ quen gọi là Âm lịch) là rau muống cuối mùa. Vào thời điểm này trong năm các loại rau mùa hè đều đã vào cuối vụ, rau mùa đông lại mới bắt đầu trồng, nên lượng rau xanh được thu hái cũng ít hơn, giá rau xanh vì thế cũng nhích lên một chút.

Tháng Chín bắt đầu khô hanh, các loại hoa trái cũng bắt đầu vào mùa “Thu liễm” (mùa thu thâu rút lại) dần chín ngọt trên cành, các loại rau chậm phát triển song hương vị lại đậm đà hơn. Lúc đó tôi còn trẻ, ăn rau muống vào mùa thu thấy đậm đà lắm nên cho rằng câu thành ngữ là có ý nói con dâu hiếu thảo nhường miếng ngon cho mẹ chồng.

Mấy bữa rồi mua rau muống về ăn, luộc thật kỹ mà vẫn thấy dai, ăn lại thấy nhạt nhẽo không ra sao cả. Đúng là mỗi năm mỗi tuổi, mỗi cảm nhận lại khác nhau… Câu thành ngữ trên lại trở về trong suy nghĩ làm tôi nhớ đến mẹ chồng của mình.

Mẹ rời xa cõi tạm này cũng đã đến 10 năm rồi. Lúc còn sống mẹ hay thích ăn canh xương ninh với các loại khoai. Xương sườn hoặc móng giò lợn là sở thích của mẹ. Xương phải ninh chín vừa để miếng móng giò còn dai dai sừn sựt, miếng sườn thì thích miếng sườn non đầu sụn…

Có bữa mẹ nhấm nhấm mãi miếng sụn sườn mà không ăn được. Mẹ bảo “Răng lợi đã kém rồi mà mẹ vẫn chỉ thích miếng xương sụn…” Nhớ về mẹ tôi chợt thấy câu thành ngữ kể trên chưa hẳn là khen rằng con dâu hiếu thảo, có khi còn có ý chê rằng thấy mẹ không còn ăn được nữa mới nhường mẹ..

Trước khi lấy chồng, tôi luôn tâm niệm rằng không có gì đáng sợ về mối quan hệ với mẹ chồng, mẹ chồng cũng là một con người, mình cứ chân thành thì có gì là khó đâu. Nhưng thật sự khi bước vào mối quan hệ đó mới thấy thật là khó, đó là sự e dè, khách khí với nhau… tự nhiên tạo thành một khoảng cách.

3822-con-dayu-mey-choyyng
Mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu hoà hợp giúp gia đình hạnh phúc (ảnh minh hoạ: Pixabay).

Mẹ đã thành người thiên cổ, bây giờ nghĩ lại tôi mới nhận thấy mình thật có lỗi với mẹ. Những năm tháng ở bên mẹ tôi đã khép kín lòng mình, mẹ nói điều gì, làm việc gì không hợp với quan điểm của mình, tôi cũng không thẳng thắn trò chuyện với mẹ, mà cứ để trong lòng, rồi tự thấy bất công, tự thấy ấm ức… dần dần tạo thành sự “cách lòng”.

Ở đời có những điều trùng hợp tưởng như ngẫu nhiên mà thực ra không ngẫu nhiên chút nào. Với cá nhân tôi thì thế này: Chồng tôi và tôi cùng sinh một ngày một tháng, ngày tháng mất của mẹ chồng tôi tính theo Nông lịch là trùng với ngày tháng sinh của con trai tôi tính theo Dương lịch.

Năm bà mất, tính theo Dương lịch, ngày hôm đó lại trùng khớp vào ngày sinh nhật của tôi. Đến nay hơn chục năm trôi qua, giỗ mẹ năm nay lại lặp lại sự trùng hợp đó. Suy ngẫm về các mối lương duyên ở đời, mới thấy không có việc gì là ngẫu nhiên. Sự việc đó chẳng phải ẩn ý nhắc tôi nên trân quý mối lương duyên với những người thân bên mình hay sao?

Bây giờ thì cả chồng và mẹ chồng của tôi đều đã đi xa lắm rồi. Bản thân tôi cũng may mắn đủ duyên phận để bước vào tu Phật. Qua việc học tập các Pháp lý của Phật Pháp tôi đã hiểu rằng ẩn đằng sau mỗi mối quan hệ trong cuộc đời mỗi người đều có nhân duyên của nó. Và để có thể hóa giải những ác duyên từ bao đời chỉ có thể dùng tất cả thiện tâm mà đối đãi.

Nhớ về tất cả những việc tôi đã làm với mẹ chồng và chồng, tôi thấy mình có nhiều thiếu sót lắm. Và để sửa những lỗi lầm đó, ngày hôm nay tôi chỉ có một con đường, đó là tu tâm, sửa tính để mỗi ngày một trong sáng, thuần tịnh hơn. Tôi hiểu rằng, nếu tôi làm được như vậy thì ở nơi khuất núi kia, những người thân của mình sẽ luôn luôn mỉm cười thanh thản.