Cụ bà Trần Thị Vàng còn gọi là bà Tư, 80 tuổi, ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) 7 năm qua cùng con gái mua vải về cắt, may chăn, quần áo; rồi giao cho các hội từ thiện để gửi tặng người nghèo, người lang thang cơ nhỡ.
Vietnamnet đưa tin, ban đầu bà Tư tận dụng các mảnh vải vụn rồi nối lại thành chăn để tặng cho người cần. Sau này sợ bà vất vả nên con gái mua vải mới cho bà may.
Tóm tắt nội dung
Tận dụng vải vụn may chăn đem tặng người nghèo
Ngày còn nhỏ, gia đình bà Tư thuộc diện nghèo. Cha mẹ cho bà đi học may để có cái nghề dắt lưng.
7 năm trước, bà nghĩ ra tận dụng số vải vụn của những thợ may bỏ lại để may thành chăn tặng người nghèo.
Mỗi khi được cánh thợ may cho vải vụn, bà lại tỉ mỉ phân loại rồi ráp, nối từng mảnh lại với nhau thành những tấm chăn lớn. May xong, bà gấp gọn gàng, đóng bao chờ dịp gửi cho các đoàn từ thiện.
Kể về lần tặng chăn đầu tiên, bà Tư nói “Lần đầu tiên, tôi gửi tặng chăn là khi ra thăm ngôi chùa ở tỉnh Đồng Nai. Chùa nuôi rất nhiều trẻ lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn. Tôi ngỏ lời với sư trụ trì là muốn tặng chùa 50 cái chăn tự may. Nghe vậy, sư trụ trì vui lắm. Sư thầy rất hoan nghênh”.
Từ đó, bà Tư có thêm động lực để tiếp tục nhận vải vụn về phân loại rồi miệt mài may. Người con gái thứ 6 của bà thấy mẹ ráp, nối vải vụn vừa mất thời gian vừa mệt; chị tình nguyện bỏ tiền mua vải mới về cho mẹ may.
Con gái và cháu nội cùng bà làm việc thiện nguyện
Bà Tư kể mỗi lần con gái mua cả cây vải dài 50 m. May chăn bằng vải mới thì nhanh và đẹp hơn dùng vải vụn. Cho nên, mỗi ngày bà có thể may được trên 10 cái chăn. Tuy nhiên, bà phải nhờ con gái căng, đi, cắt vải vì nó dài quá. Sau đó con gái bà cũng mua máy may để lúc rảnh rỗi ngồi may cùng bà. Hai mẹ con mấy năm nay vẫn cùng nhau may như thế.
Chỉ tính riêng năm 2020, bà đã trao tặng cho các hội, nhóm từ thiện trên 1.000 cái chăn từ nhiều loại vải do con gái mua về. Ngoài ra, bà còn nhờ người cháu nội trực tiếp đem đi tặng người nghèo mỗi đêm.
Bà dặn cháu vào chiều tối, sau khi đi làm về thì lấy xe, chở chăn đi tặng người nghèo; hễ thấy ai ngồi ngoài đường hay đi lang thang thì lấy chăn tặng người ta. Cứ như vậy, chiều nào đi làm về cháu cũng chở chăn đi tặng.
Dịp Tết vừa rồi cháu cũng chở được 50 cái chăn bà may để đem tặng người nghèo. Lại còn mua thêm 50 cái bánh bao để tặng mỗi người 1 cái chăn kèm theo 1 cái bánh bao.
May cả quần áo cho trẻ em nghèo
Tuy dùng vải mới để may chăn thì nhanh hơn, bà Tư vẫn giữ thói quen nhận vải vụn, vải lỗi từ thợ may, công ty may mặc. Đối với những loại vải vụn không thể dùng để may thành chăn, bà sẽ may thành những bộ quần áo trẻ em.
Bà nói: “Các miếng vải vụn, vải lỗi quá mỏng không phù hợp cho việc may chăn, tôi đem may thành quần áo trẻ em. May cái này lâu hơn, tôi phải nhờ con dâu cắt vải. Con gái thứ 9 thấy thế cũng đòi đem về nhà vắt sổ để tôi may cho nhanh. Nhưng tôi nghĩ đem về nhà, con bận công việc, làm lâu nên tôi cứ để đây, tự tay làm”.
Bà Tư rất thích may quần áo trẻ em; vì bà biết rằng nhiều cháu bé ở vùng sâu vùng xa còn chưa đầy đủ quần áo. Vừa qua, khi có đoàn từ thiện đến xã Hòa Tân (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) tặng quà cho các gia đình khó khăn, ngoài gửi chăn, bà Tư còn gửi thêm những bộ quần áo cho cho tụi nhỏ.
Tấm lòng ấm áp gửi đến những người nghèo
Cứ thế, mỗi ngày bà Tư ngồi trong căn chòi lá đạp máy may. Bà có chiếc võng mắc sẵn phía sau bàn may để mỗi lúc mỏi quá thì nằm nghỉ.
Bà nói “càng may tôi càng thấy khỏe”. Quả đúng như vậy, tuy bà năm nay đã 80 tuổi nhưng mắt vẫn tốt. Bà may chăn, quần áo hay sử dụng điện thoại đều không phải dùng kính lão.
Nói về công việc thiện nguyện của mình, bà Tư chia sẻ: “Bây giờ, tôi chỉ ước mong có đủ sức khỏe để tiếp tục công việc. Tôi luôn muốn may và gửi được nhiều chăn, quần áo hơn cho người nghèo, khó khăn. Bởi người ta đắp chăn, lòng tôi cũng ấm”.
Ảnh chụp màn hình video
Xem thêm: