Campuchia có nguy cơ “bị vạ lây” khi ủng hộ Trung Quốc và làm trái với quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các vấn đề tranh chấp như Biển Đông.
SCMP nhận định Campuchia đang mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến các căn cứ quân sự trọng yếu ở Biển Đông.
Tình huống này xuất hiện khi Campuchia có các động thái ủng hộ Trung Quốc thực thi yêu sách phi pháp tại Biển Đông. Tháng 9 vừa qua, Campuchia đã phá hủy một tòa nhà quân sự của Mỹ ở căn cứ hải quân Ream ở Campuchia.
Giới quan sát bình luận rằng động thái này là nhằm “dọn đường” cho quân đội Trung Quốc tiếp quản căn cứ ở cửa ngõ Biển Đông.
Tóm tắt nội dung
Campuchia – đồng minh hay “thuộc địa” của Trung Quốc?
Tờ báo Hồng Kông SCMP trích dẫn các nhà bình luận cho rằng Trung Quốc có xu hướng thiết lập các liên minh quân sự với các chế độ bị hoài nghi về thẩm quyền cai trị, trong đó có chế độ của Thủ tướng Hun Sen ở Campuchia. Ông Hun Sen cầm quyền ở Campuchia hơn 30 năm qua và khả năng sẽ chuyển giao quyền lực cho con trai.
Nhà nghiên cứu Rayan Bhagwagar của Trường Quan hệ Quốc tế Jindal, cho biết, Trung Quốc cố gắng xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với giới lãnh đạo ở các nước “đặt ưu tiên cho việc kéo dài nhiệm kỳ của họ lên trên lợi ích của người dân”. Ông nêu ví dụ như Pakistan, Maldives và Campuchia. Nhà nghiên cứu gọi các nước này là “các thành trì” của Trung Quốc.
Ông Rayan nói: “Thật công bằng khi nói rằng Campuchia là một quốc gia dễ bị tổn thương về mặt chính trị. Nhà lãnh đạo độc tài của họ – ông Hun Sen – đã cho Trung Quốc thuê một vùng đất rộng lớn của Campuchia, thực chất là bị Trung Quốc biến thành thuộc địa, thông qua việc thành lập một loạt các thực thể kinh doanh của Trung Quốc”.
Hợp đồng 99 năm của Trung Quốc và Campuchia
Vùng đất rộng lớn mà ông Rayan nói rằng bị Bắc Kinh “biến thành thuộc địa” là dự án của Tập đoàn phát triển Union của Trung Quốc. Công ty này được cấp hợp đồng thuê đất 99 năm, từ năm 2008 để xây dựng khu du lịch Dara Sakor ở Campuchia.
Dự án Dara Sakor nằm ở vị trí chiến lược, từ đó các tàu Trung Quốc có thể nhanh chóng tiếp cận Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang dùng vũ lực để thúc đẩy yêu sách phi pháp. Dự án này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường do ông Tập Cận Bình khởi xướng.
Khi hoàn thành, dự án sẽ là một khu nghỉ mát ven biển rộng 36.000 ha với các sân gôn, sòng bạc, nhà ở sang trọng, sân bay và cảng đủ lớn cho tàu du lịch, chiếm khoảng 20% đường bờ biển của Campuchia.
Mỹ cáo buộc công ty này chiếm đoạt đất đai của Campuchia một cách sai trái, phá hủy Vườn quốc gia Botum Sakor. Washington cũng cho rằng vùng đất này đang bị biến thành bình phong để Trung Quốc “thúc đẩy tham vọng phát triển sức mạnh toàn cầu”.
Mỹ bắt đầu ra tay với Trung Quốc ở Campuchia, liên quan đến Biển Đông
Các động thái của Trung Quốc ở Campuchia đã thu hút sự chú ý của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hôm 15/9, Washington đã ra lệnh trừng phạt công ty Union của Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt được áp dụng theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, cho phép Tổng thống Mỹ xử phạt, phong tỏa và thu giữ tài sản của những kẻ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Theo SCMP, lệnh trừng phạt này của Mỹ là có mục đích quân sự. Nhà nghiên cứu Rayan cho rằng đó là “một chiến lược để chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Tháng 7/2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.
Campuchia có nguy cơ “bị vạ lây” vì theo Trung Quốc
Các nhà quan sát cho biết chính quyền Hun Sen ngày càng kết thân với Trung Quốc và xa rời Mỹ sau khi bị Washington chỉ trích về hồ sơ nhân quyền.
Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã quở trách “một số quốc gia” ngày càng can thiệp vào chủ quyền của các nước nhỏ. Giới quan sát cho rằng phát biểu này là nhắm vào động thái trừng phạt của Mỹ đối với công ty Union của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các động thái ủng hộ Bắc Kinh của chính quyền Hun Sen có khả năng khiến Campuchia “bị vạ lây” vì lọt vào khu vực tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nếu ông Trump tái đắc cử và có thêm 4 năm để “trị” Trung Quốc, ông sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách trừng phạt Bắc Kinh về hàng loạt vấn đề. Không chỉ về thương mại hay Biển Đông, những tháng gần đây Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt vì tội gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19.