Nửa đời làm từ thiện, cụ ông vẫn băn khoăn làm sao để sau khi mình qua đời, vẫn có thể để lại điều gì đó để giúp người, giúp đời.
- Thiện lương là sự lựa chọn: Buông bỏ đi, mọi chuyện rồi sẽ qua
- Cụ bà bán nước giúp học sinh qua đường an toàn
Tóm tắt nội dung
Dãy nhà trọ chỉ dành cho những người khó khăn
Đã hơn 45 năm, căn nhà trọ 120m2 nằm trên đường Trần Kế Xương (phường 7, quận Phú Nhuận) của ông Hồ Đề (82 tuổi) đã là nơi che mưa, che nắng cho hàng trăm người nghèo, sinh viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ với PV Trí thức trẻ, ông Đề cho biết mấy chục năm trước, ông đến thăm người nhà tại Bệnh viện Ung bướu thì tình cờ gặp một người người phụ nữ tá túc ngoài hành lang chờ xạ trị vì không có tiền thuê nhà trọ. Thương cảm số phận người phụ nữ, ông đưa về cho ở nhờ miễn phí. Cứ như thế, suốt nhiều năm qua, khu trọ này đã đón bao nhiêu mảnh đời khó khăn đến và đi.
Khách trọ nhà ông toàn là người nghèo, sinh viên khó khăn. Bởi vậy, tiền thuê trọ rất thấp, thậm chí đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, ông còn cho ở miễn phí.
Như năm 1990, ông Đề nghe tin vợ chồng ông Nguyễn Thuận và 5 con bán vé số phải ngủ ở gầm cầu thang chung cư Ngô Gia Tự, Quận 10. Ông Đề đã cho nhà ông Thuận ở miễn phí trong suốt 22 năm.
Tấm chân tình của chủ nhà
Không chỉ miễn, giảm tiền thuê trọ, ông Đề còn hết sức giúp đỡ các khách trọ, khuyến học cho sinh viên. Ông tự bỏ tiền túi ra tài trợ cho nhiều sinh viên, học sinh nghèo; em nào học khá, ngoài cho ở miễn phí, ông con tặng thêm quà. Ví như 5 đứa con nheo nhóc của gia đình ông Nguyễn Thuận kể trên được ông Đề hỗ trợ để đến trường. Ngoài ra, ông còn dạy tiếng Anh miễn phí cho các sinh viên.
Em Phương Anh (sinh viên) chia sẻ với Báo Đất việt: “Ông Đề là một người rất tốt bụng, tiền thuê phòng ông đã giảm rất nhiều nhưng hàng tháng cứ đến ngày thu tiền, ông lại đố mỗi người một câu tiếng Anh, ai trả lời được ông sẽ giảm thêm nữa”.
Ông Đề vui vẻ kể, nhiều em từng thuê trọ nhà ông, sau này ra trường lâu lâu lại quay về, dúi vào tay ông 5, 7 triệu bảo phụ ông lo cho các em sinh viên nghèo.
Tại dãy nhà trọ ấm áp tình người, ông còn lập ra một quỹ gọi là “Quỹ cứu kẹt”, với xuất phát điểm là khách trọ toàn người nghèo khó, ai “kẹt” tiền có thể đến lấy, sau này trả lại cho ông. Nếu “kẹt” quá không trả được thì… ông cho luôn.
Chẳng hạn như đợt dịch Covid-19 năm ngoái, ông đã miễn phí 2 tháng tiền nhà cho những gia đình khó khăn, sinh viên về quê không có tiền ông lại “cứu kẹt”.
Ngôi nhà trọ của ông Đề từng được trả giá 12 tỷ đồng nhưng ông không bán. Ý định của ông là chia ngôi nhà thành các phòng trọ nhỏ, giá thuê chỉ rẻ bằng 1/3 nơi khác, thậm chí miễn phí để giúp đỡ phần nào gánh nặng mưu sinh cho những người nghèo khó.
Ông tâm sự: “Lúc trước có người hỏi mua căn nhà này của ông giá 12 tỷ nhưng ông không bán, ông để lại cho người nghèo, làm quỹ khuyến học để khen thưởng các cháu có thành tích cao. Cưu mang những người nghèo là ước mơ của ông từ rất lâu rồi, bao nhiêu người nghèo đến với mình, mình không thể bỏ đi được…”
Tờ di chúc đặc biệt
Cũng chính vì niềm trăn trở với những người kém may mắn, ông đã làm ra bản di chúc đặc biệt để giữ mãi “di sản phòng trọ cho người nghèo”. Ông Đề chia sẻ mình đã phải cân nhắc rất nhiều khi lập di chúc, sao cho trọn trách nhiệm với gia đình và vẫn có thể san sẻ gánh nặng với những người khó khăn.
Ông Đề tâm sự với PV Vietnamnet, để hoàn tất bản di chúc này, ông mất gần 20 năm thuyết phục bà xã. Ông kể, ban đầu trong nhà ông một số người không đồng ý, bao gồm cả vợ ông cũng muốn dành gia sản lại cho con cháu mình. Vợ ông Đề đồng ý rằng, làm từ thiện là tốt nhưng không đồng tình việc ông để lại cả căn nhà cho người nghèo ở trọ.
Ông lại thuyết phục bà rằng “Các con cả trai lẫn gái đều có cửa nhà riêng. Giàu không biết bao nhiêu là đủ, quan trọng là mình biết đủ, mình làm phước để có đức”. Tuy nói vậy, nhưng vợ ông vẫn còn giận mà chưa đồng ý.
Cuối cùng, sau nhiều năm, dần dần ông đã chứng minh qua việc làm, tâm nguyện của ông, mọi người cũng dần chuyển từ không đồng ý sang đồng ý và thậm chí là ủng hộ. “Tờ di chúc này ra đời, giờ thì ông có thể an lòng nhắm mắt được rồi”, ông bộc bạch.
Cụ thể, trong tờ di chúc quy định, khi ông Đề qua đời, sẽ dành toàn bộ các phòng trọ trong nhà cho người nghèo, sinh viên nghèo và người già neo đơn ở miễn phí. Riêng nhà hương hỏa sẽ do con gái và con trai ông Đề cho thuê để lấy tiền lo các việc hương hỏa và trích ra một phần làm quỹ khuyến học.
Ông Đề tâm sự: “Có nhiều người thường bảo ông sao già rồi không nghỉ ngơi đi, lại đi lo chuyện bao đồng. Ông chỉ biết cười cho qua, bởi họ không hiểu, giúp được người khác là bản thân ông vui và hạnh phúc lắm, ở cái tuổi này, ông còn trông mong gì hơn”.