Phong toả khẩn cấp đường sắt Bắc Nam vì bom sát đường tàu; Sáng 5/6 thêm 77 ca mới, Bắc Ninh phong tỏa thêm gần 11.000 người; Bệnh nhân Covid-19 Ấn Độ về nhà sau 18 ngày chôn cất; Tư lệnh không quân Hàn Quốc mất chức vì 1 quân nhân nữ bị quấy rối và tự sát…là những tin nổi bật của bản tin ngày 5/6/2021.
Dưới đây là thông tin chi tiết:
Tóm tắt nội dung
Phong toả khẩn cấp đường sắt Bắc Nam vì bom sát đường tàu
Theo Báo giao thông, hôm qua ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết đang phong tỏa tuyến đường sắt Bắc – Nam ở khu vực tỉnh Quảng Bình. Nguyên nhân là vào đầu giờ chiều ngày 4/6, đơn vị thi công đường sắt thuộc dự án vốn trung hạn 7.000 tỉ đã phát hiện có bom nằm sâu dưới đất tại vị trí cách đường sắt khoảng 1 mét. Việc thi công lập tức được dừng lại.
Sự cố này gây ách tắc tuyến đường sắt Bắc – Nam. Hiện đang có 2 đoàn tàu khách Thống nhất SE7, SE8 dừng chờ thông đường tại các ga Kim Lũ, Đồng Lê. Bên cạnh đó, còn nhiều đoàn tàu hàng cũng phải dừng chờ ở các ga dọc đường.
Ông Quốc Anh cho biết: “Chúng tôi thuê xe ô tô khách vào các ga này. Trong trường hợp chưa thể xử lý bom, thông đường sắt được ngay sẽ thực hiện chuyển tải hành khách giữa 2 tàu SE7 và SE8 qua khu vực”.
Sáng 5/6 thêm 77 ca mới, Bắc Ninh phong tỏa thêm gần 11.000 người
Sáng 5/6 thêm 77 ca mới bao gồm 02 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh và 75 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (45), Bắc Ninh (19), TP. Hồ Chí Minh (10), Hà Nam (1).
Theo Vnexpress, vào ngày 4/6, do thành phố Bắc Ninh phát hiện thêm 29 ca nhiễm, huyện Quế Võ phát hiện người nhiễm mới trong khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định phong toả hơn 3.500 người của thành phố Bắc Ninh và hơn 7000 người của huyện Quế Võ.
Tính đến tối 4/6, Bắc Ninh ghi nhận 998 ca nhiễm trong tổng số 5.175 ca trong cộng đồng từ ngày 27/4. Tỉnh Bắc Ninh thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 TP Bắc Ninh, huyện Thuận Thành, Quế Võ và Yên Phong.
Phản ứng với quyết định của Đồng Nai cách ly người từ TP. HCM 21 ngày
Theo VTC News, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký văn bản theo đó từ 0h ngày 5/6 sẽ áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày đối với tất cả người từ TP.HCM về Đồng Nai (trừ các đối tượng phải áp dụng các biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của ngành y tế).
Thời gian cách ly tính từ ngày rời TP.HCM. Đồng thời yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 và 14. Phí cách ly tại cơ sở lưu trú và lấy mẫu xét nghiệm do đối tượng cách ly trả. Đồng thời tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách từ Đồng Nai đi TP.HCM và ngược lại.
Quyết định này gây xôn xao dư luận. Ngay lập tức Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM đã có công văn hỏa tốc gửi UBND TP. HCM về việc 6.000 lao động sẽ gặp khó trong di chuyển, đến làm việc tại thành phố và đề nghị UBND TP. HCM can thiệp.
Bệnh nhân Covid-19 Ấn Độ về nhà sau 18 ngày chôn cất
Theo NDTV, vào ngày 12/5, bà Muthyala Girjamma, 70 tuổi, được đưa tới bệnh viện đa khoa Vijayawada ở bang Andhra Pradesh để điều trị Covid-19. Chồng bà, ông Muthyala Gaddayya đã đến thăm vợ tại bệnh viện. Đến ngày 15/5, ông Gaddayya không tìm thấy vợ mình ở phòng đó. Ông hỏi thì các y tá tại bệnh viện nói có lẽ đã tử vong.
Bệnh viện đã trao cho ông Gaddayya thi thể của một phụ nữ lớn tuổi bọc trong túi xác. Ông cũng không mở ra, đưa thi thể về quê và chôn cất ngay trong ngày. Ngày 2/6, bà Girijamma trở về nhà trong sự bất ngờ của gia đình. Bà cho biết bệnh viện đã cho bà một khoản tiền để bà có kinh phí đi về khi bà khỏi bệnh mà không có người nhà đến đón.
Câu chuyện của bà Girijamma cho thấy tình trạng đáng bạo động của hệ thống y tế ở Ấn Độ. Có lẽ vì quá tải nên bệnh viện không làm hồ sơ theo dõi bệnh nhân.
Ngày 4/6, Campuchia có 886 ca nhiễm COVID-19 mới
The Khmer Times, vào 4/6, Campuchia thông báo có thêm 886 ca bệnh COVID-19 mới. Theo số liệu từ Đại học John Hopkins, trung bình Campuchia ghi nhận 650 ca bệnh mới mỗi ngày trong vòng 7 ngày gần nhất. Chính quyền Phnom Penh thông báo tạm ngừng các hoạt động kinh doanh có nguy cơ lây lan COVID-19 trong 2 tuần, tới ngày 16/6.
Trước đó, ngày 21/5, tất cả chợ, nhà hàng, quán ăn, quán nước và các cơ sở kinh doanh thực phẩm đã hoạt động lại bình thường sau một thời gian đóng cửa. Tuy nhiên giờ lại tiếp tục đóng cửa đến 16/6.
Tư lệnh không quân Hàn Quốc mất chức vì 1 quân nhân nữ bị quấy rối và tự sát
Theo Reuters, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã chấp thuận đơn xin từ chức trong sáng 4/6 của Tướng Lee Seong Yong, người đứng đầu lực lượng Không quân Hàn Quốc. Ông Lee đã viết đơn xin từ chức, xin lỗi, nhận trách nhiệm trong vụ một nữ trung sĩ tự tử vì bị đồng nghiệp nam cùng cấp quấy rối.
Vào ngày 1/6, một nữ trung sĩ Hàn Quốc tự sát do đã báo cáo về vụ vụ bị quấy rối bởi 1 nam quân nhân hồi tháng 3 năm nay mà không được bảo vệ. Cô bị điều chuyển đến 1 căn cứ khác vào tháng 5 và tự tử tại đây. Ngay khi cô tự tử, gia đình cô đã gửi đơn kiến nghị lên Văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm 1/6 và yêu cầu điều tra kỹ lưỡng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 326.000 người ký vào lá đơn này.
Ngày 3/6, nam trung sĩ không quân đã bị bắt với cáo buộc quấy rối và làm bị thương nữ trung sĩ đã chết. Ngày 4/6, các công tố viên quân sự đã khám xét văn phòng Bộ Tư lệnh không quân và nơi làm việc của tướng Lee. Tướng Lee đã phải từ chức vào ngày 4/6. Vụ việc làm rúng động Hàn Quốc.
Xem thêm: Mời quý vị xem video bản tin ngày 5/6