Thời gian gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ, khen ngợi bức thư của một người mẹ viết an ủi con trai thi trượt vào lớp 10. Cậu học sinh này thật may mắn vì nhận được sự cảm thông của người thân. Nhưng ngoài kia, còn bao nhiêu cô cậu học trò vẫn đang hàng ngày gánh trên vai áp lực thi cử đỗ đạt. Trong tôi lại trăn trở câu hỏi: Học để làm gì? Thi cử đỗ đạt có nên là mục đích chân chính của học tập hay không?
Áp lực học tập từ thi cử
Ngay từ khi vào cấp một, các em nhỏ đã phải đối mặt với việc thi. Sau đó các kỳ thi tăng dần độ phức tạp, cộng thêm vấn đề trường điểm, trường chuyên, tỷ lệ chọi… vô hình chung đã cuốn chúng vào vòng xoáy của tranh đua, thi đấu. Các em nỗ lực vì điều gì? Đó là niềm tin mơ hồ vào việc học ở trường này, lớp này sẽ có “tương lai tươi sáng”.
Nếu không có mục đích chân chính khi học tập thì việc học sẽ chỉ là gánh nặng trên vai của con (ảnh minh họa: pixabay). |
Nhiều bậc phụ huynh quá quan tâm đến kết quả học tập mà không chú ý phương pháp học và sự tiến bộ thực chất của con. Họ thưởng mỗi khi con đạt thành tích và phạt khi con bị điểm kém, thi trượt. Hơn thế nữa, có cha mẹ phát biểu rằng: “Nếu con không đỗ đại học thì ba mẹ không còn mặt mũi nào nhìn dòng họ”.
Phụ huynh nghĩ rằng mình đang làm tất cả vì con, nhưng biểu hiện bên ngoài cho thấy cha mẹ đang vì “danh tiếng” của bản thân. Nhiều đứa trẻ “ngoan”, muốn cha mẹ vui lòng nên đã tạo áp lực cho chính mình, học vì thành tích.
Hệ quả của điều này là gì? Việc không vượt qua kỳ thi, điểm kém hoặc bị phê bình trở thành đáng sợ. Quen nghĩ rằng học giỏi, điểm cao và những lời khen tụng mới là tốt, nhiều em không chấp nhận nổi việc mình thất bại. Khi không đỗ đạt các em sẽ bị suy sụp, trầm cảm, thậm chí có em tự tử. Vậy thi cử đỗ đạt có phải mục đích chân chính của việc học?
Để đạt thành tích cao, có những em không ngại gian lận, lừa dối trong thi cử. Từ học sinh, bố mẹ, thầy cô cho đến các vị quan trong ngành giáo dục cũng tiếp tay vào “vòng xoáy thành tích” ấy, quên mất rằng cái giá phải trả cho việc lừa dối là gì và ý nghĩa của học tập là gì?
Mục đích của việc học
Người xưa có câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” nghĩa là con người chỉ lo được việc chuẩn bị và thực hiện, còn kết quả ra sao do Thần an bài. Đây cũng là phương châm và triết lý sống của nhiều bậc minh trí thời xưa, trong đó có Tăng Quốc Phiên – một nhà nho lỗi lạc của triều nhà Thanh.
Ông từng gửi thư về nhà khuyên bảo các em nhỏ trước tiên phải coi trọng đạo đức, tu sửa hành vi thường ngày, sau đó chịu khó học tập và rèn luyện. Đối với công danh, phú quý trong đời, Tăng Quốc Phiên đối đãi bằng thái độ “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, “Người tính không bằng Trời tính”, cho nên mọi việc ông tận sức làm, nhưng không truy cầu kết quả, hiểu rằng thành bại do Trời định đoạt.
Em của Tăng Quốc Phiên là Tăng Quốc Hoa, có tài thiên phú sáng tác văn thơ. Tuy nhiên, trong các kỳ khoa cử Tăng Quốc Hoa luôn gặp bất lợi và không đỗ đạt như ý nguyện. Liên tục thất bại khiến Tăng Quốc Hoa suy sụp, không ngừng oán thán cuộc đời, cho rằng quan chủ khảo không thấy được tài năng, thậm chí oán trách cả người vợ của mình.
Thấy vậy, Tăng Quốc Phiên đã viết thư cho em trai, viết rằng: “Họa phúc do Trời định đoạt, thiện ác do người nắm giữ. Những điều ông Trời định đoạt thì con người chúng ta không thể thay đổi được mà chỉ có thể thuận theo mà thôi. Còn những điều con người nắm giữ thì chỉ có thể làm được phần nào hay phần nấy, chỉ có thể kiên trì làm ngày này qua ngày khác.”
Đạo lý mà Tăng Quốc Phiên muốn nói là gì? Chúng ta làm chủ việc lựa chọn cách sống, cũng giống như việc học của học sinh, ta có thể nắm chắc được thái độ học và rèn luyện, sự chăm chỉ và cố gắng, còn việc thi đỗ, thi trượt lại do ông Trời quyết định.
Đó là tâm thái “tùy kỳ tự nhiên”, không nên quá coi trọng thành tích, danh tiếng. Nếu một học sinh không chú trọng học thế nào mà chỉ đêm ngày lo nghĩ kết quả, mong mỏi đạt điểm cao, có đỗ cấp ba không, có đỗ đại học không, thì mang áp lực ấy mà thi cũng không chắc có kết quả tốt. Đó cũng là học mà không hiểu ý nghĩa của việc học.
Ngược lại, nếu có thể bình thản, không truy cầu thành tích, chỉ chuyên tâm, cần cù, không ngừng khắc phục những yếu điểm của bản thân thì tự nhiên cũng sẽ đạt được những gì chúng ta xứng đáng được nhận.
Khi không chú trọng kết quả, ta mới có thể trả lời được thực chất cho câu hỏi tại sao ta làm việc này? Học để làm gì? Tại sao cần học tốt? Học tập tự nó là một quá trình tu dưỡng để hoàn thiện con người.
Khi không đặt nặng danh tiếng, ta sẽ không ủ dột, thất vọng trước những thất bại tạm thời. Tâm trí sẽ bình ổn để suy xét lựa chọn một bước ngoặt hoặc tìm cách khắc phục đúng đắn.
Do vậy, thi cử đỗ đạt chỉ là kết quả nhất thời mà không phải mục đích chân chính của học tập. Cha mẹ, thầy cô hãy giúp học sinh hiểu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Việc học tập quan trọng ở quá trình con đã cố gắng ra sao, vượt qua khó khăn như thế nào, cũng là từng bước tu tâm dưỡng tính để trở thành một người lương thiện, tự tin và sống có ý nghĩa.