Trung Quốc rất coi trọng tình bạn của họ với Taliban. Mối quan hệ này có thể giúp Bắc Kinh sớm thiết lập một “chỗ đứng vững chắc” ở Vịnh Ba Tư. Đó là nhận định của Thủ tướng chính phủ lưu vong Đông Turkistan, Salih Hudayar trên tờ Breitbart News.
Ông Hudayar nói: “Số phận một lần nữa đã mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Đó là một thảm họa đang xảy ra cho toàn thế giới. Với tốc độ này, Trung Quốc sẽ sớm có chỗ đứng vững chắc ở Vịnh Ba Tư.”
Tóm tắt nội dung
Trung Quốc hợp tác với Taliban với tham vọng thống trị toàn cầu
Thủ tướng Hudayar nói với Breitbart News rằng, sự nồng nhiệt của Trung Quốc đối với Taliban tại Afghanistan là nhằm tạo ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên toàn cầu.
Ông Hudayar nói: “Không thể đánh giá thấp vai trò của Afghanistan liên quan đến chiến lược của Trung Quốc. Bắc Kinh rất coi trọng việc hợp tác với Taliban vì mối quan hệ thúc đẩy sự an toàn và tiếp tục của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc”.
Trung Quốc đang tích cực sử dụng BRI để thâm nhập ảnh hưởng vào các khu vực châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Afghanistan đặc biệt quan trọng đối với kế hoạch này vì nó nằm ngay giữa Trung Quốc với Trung Đông và châu Âu.
Ông Hudayar nhận định: “Trung Quốc mong muốn có các cảng ở Địa Trung Hải, sự thúc đẩy mạnh mẽ của họ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; và chủ nghĩa thực dân mới của họ ở châu Phi là những vấn đề quan trọng đang thoát khỏi sự chú ý của cộng đồng quốc tế”.
Thủ tướng Hudayar cho biết: “Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ hải quân ở cảng Gwadar của Pakistan ở Baluchistan; với ý định sở hữu cổ phần ở Vịnh Ba Tư. Họ cũng đang xây dựng một sân bay hiện đại ở Tashkurgan (bên trong Đông Turkistan).
Taliban trỗi dậy dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc là mối đe dọa cho toàn thế giới
Sau khi chiếm Afghanistan, Taliban cần nguồn tài trợ lớn và “quốc gia duy nhất” có thể cung cấp là Trung Quốc.
Ông Hudayar lưu ý rằng, Taliban có lịch sử hợp tác lâu dài với Trung Quốc trước khi tiếp quản Kabul. Bắt nguồn từ việc Taliban chứa chấp các chiến binh thánh chiến Duy Ngô Nhĩ dưới chiêu bài của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). Bắc Kinh tuyên bố ETIM là mối nguy hiểm cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ Hoa Kỳ đã loại bỏ ETIM khỏi danh sách các tổ chức khủng bố do không có bằng chứng.
“Taliban sẽ không sử dụng danh tính Hồi giáo của họ để gây áp lực với Trung Quốc vì họ đã bán đứng người Duy Ngô Nhĩ cho Trung Quốc và hành động theo yêu cầu của Bắc Kinh nhiều lần trong quá khứ,” Hudayar lập luận.
“Sự tồn tại của các chiến binh thánh chiến người Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan dưới thời Taliban là do lệnh của Trung Quốc. Bởi vì Bắc Kinh cần các chiến binh thánh chiến người Duy Ngô Nhĩ nhằm cáo buộc họ là ‘những kẻ khủng bố’. Trung Quốc cần lý do để biện minh cho nạn diệt chủng đang diễn ra ở Đông Turkistan”, ông Hudayar nói.
Ông tiếp tục: “Những chiến binh thánh chiến này sẽ tồn tại miễn là Trung Quốc cần chúng và chúng sẽ bị tước vũ khí trong đêm nếu Trung Quốc muốn”.
Ông Hudayar cảnh báo, sự trỗi dậy của Taliban là một lợi ích cho ĐCSTQ và do đó không chỉ là mối đe dọa đối với người dân Đông Turkistan mà còn đối với thế giới.
Trung Quốc bị cáo buộc tội ác diệt chủng người Hồi giáo
Kể từ năm 2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc ước tính đã thành lập khoảng 1.200 trại tập trung; để giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, Kyrgyzstan và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác. Những người sống sót trong các trại này cáo buộc ĐCSTQ giết người hàng loạt; tra tấn cực đoan, hãm hiếp tập thể, nô lệ và mổ cướp nội tạng sống. Ngoài ra, ĐCSTQ thực hiện một chiến dịch triệt sản hàng loạt; để loại bỏ những người dân bản địa ở Tân Cương, và thay thế bằng những người Hán.
Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức công bố các hành động của Trung Quốc ở Đông Turkistan là tội diệt chủng. Tuy nhiên, Taliban đã công khai từ chối thừa nhận tội ác diệt chủng của Bắc Kinh. Thay vào đó, Taliban thúc giục Trung Quốc đầu tư vào Afghanistan và thề sẽ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ dưới chiêu bài “chiến đấu khủng bố”.
Ngày 15/8, sau khi Taliban chiếm Afghanistan, Trung Quốc đã không chính thức công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp. Tuy nhiên, Bắc Kinh gọi cuộc chiếm đóng của Taliban là biểu hiện của “ý chí và sự lựa chọn của người dân Afghanistan”.
Ông Hudayar cho rằng, Trung Quốc hiện đang tham gia vào một cuộc diệt chủng chống lại các dân tộc Hồi giáo. Như vậy, giữa Bắc Kinh và Taliban sẽ không dẫn đến bất kỳ căng thẳng nào.
“Taliban sẽ không bao giờ cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh mặc cho cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ đang diễn ra của Trung Quốc. Taliban sẽ hành động theo yêu cầu của Trung Quốc như họ đã làm rất nhiều lần”.