Tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công một tàu Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, video được công bố vào ngày 31/7/2015 và hãng tin AP đăng trên Youtube ngày 3/8/2015 (ảnh chụp màn hình). |
Giới quan sát nhận định các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm triển khai cùng lúc các mục đích khác nhau của Bắc Kinh.
Tóm tắt nội dung
“Sự đã rồi” ở Biển Đông
Thứ nhất, Bắc Kinh muốn răn đe các nước và thúc đẩy “sự đã rồi” ở Biển Đông. Khi Hoa Kỳ và các nước ven Biển Đông đang bận rộn ứng phó với dịch COVID-19, Trung Quốc xúc tiến các hành vi gây hấn ở Biển Đông để hình thành “sự đã rồi”, nhằm khiến các yêu sách của Bắc Kinh trở thành “hiện trạng bình thường” trong khu vực.
Trung Quốc đã khá thành công với chiến lược này trong những năm trước, với việc âm thầm xây đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong khi chính quyền Barack Obama không cho phép hải quân Mỹ tuần tra Biển Đông suốt từ năm 2012-2015.
“Khi họ bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo, đó là lúc phải ngăn chặn họ”, nhưng chính quyền Obama đã không ngăn chặn Trung Quốc, theo nhận định của Giáo sư Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc trường SOAS của Đại học London, Anh Quốc trong cuộc phỏng vấn với Express hồi tháng 6/2020.
Áp lực bồi thường từ COVID-19
Hơn nữa, thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông còn để thể hiện rằng Bắc Kinh không phải là đối thủ “dễ chơi”, khi nhiều nước bày tỏ ý định sẽ buộc Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại từ dịch COVID-19. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ rõ, dịch bệnh này bắt nguồn từ Vũ Hán và lây lan khắp thế giới do sự bưng bít và lừa dối của Trung Quốc.
Đáp lại các động thái gia tăng quyền lực của Trung Quốc ở Biển Đông, chính quyền Trump cũng tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, đơn cử là việc hải quân Hoa Kỳ triển khai 3 nhóm tàu sân bay cùng lúc ở quanh Biển Đông kể từ tháng 6 năm nay. Đây được cho là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Trung Quốc, theo nhận định của Japan Times.
Đánh lạc hướng dân Trung Quốc
Một nguyên nhân khác lý giải cho các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở nước ngoài trong thời gian gần đây là việc Bắc Kinh muốn đánh lạc hướng nỗi bất bất bình của người dân trong nước.
Về mặt đối nội, giới quan sát nhận định thái độ bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông là một phần trong chiến lược tuyên truyền “đánh lạc hướng” của Trung Quốc khi làn sóng bất bình của người dân đang dâng cao. Nỗi bất bình của hơn 1 tỷ dân đặt ra uy hiếp trực tiếp đối với vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tình trạng phẫn uất đặc biệt gia tăng do dịch COVID-19, các trận lũ lụt nghiêm trọng, chưa kể hàng loạt vấn nạn khác không có dấu hiệu được giải quyết, như tham nhũng, cửa quyền, ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo…
Các chuyên gia cho rằng, với việc khuấy động tình hình Biển Đông, chính quyền Trung Quốc lợi dụng tinh thần dân tộc của người dân, khiến họ tạm gác những bất bình trong nước để tập trung vào việc chống lại “các thế lực thù địch nước ngoài đang xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc” ở Biển Đông.
Việt Nam là nạn nhân số 1 của Trung Quốc
Trong bối cảnh áp lực tứ bề, chính quyền Trung Quốc rất có thể sẽ gây ra một cuộc chiến với nước ngoài và Việt Nam là đối tượng đầu tiên mà Bắc Kinh nhắm tới, theo nhận định của Asia Times.
Tờ báo này cho biết trích dẫn nhận định của nhà phân tích Dennis Blasko, cho rằng Trung Quốc muốn một cuộc chiến mà họ có thể chiến thắng, trong khi “Việt Nam cơ bản không có khả năng duy trì các hoạt động ngang tầm với Trung Quốc, vì thiếu hụt năng lực, đào tạo và nhân lực”.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng Trung Quốc ít có mong muốn xung đột với các nước láng giềng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan, vì những nước này đều có thỏa thuận hỗ trợ quân sự từ Hoa Kỳ.
Asia Times cho biết các nhà phân tích nhận định rằng Việt Nam chỉ có thể phòng thủ trong trường hợp xung đột với Trung Quốc, và sức mạnh lớn nhất là có được đảm bảo chiến lược hơn nữa từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.