Hơn 40% dân số Trung Quốc có mức sống chỉ 5 USD mỗi ngày. Người dân Trung Quốc vẫn mòn mỏi chờ đợi “giấc mơ thịnh vượng” mà ông Tập Cận Bình đã hứa hẹn, theo SCMP.
Kể từ khi mở cửa nền kinh tế trong 4 thập niên qua, mức sống ở Trung Quốc đã cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo nước này ngày càng lớn. Điều này cản trở Bắc Kinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Vấn đề bất bình đẳng đã trở nên quá lớn, đến mức không thể làm ngơ”, theo chuyên gia kinh tế Larry Hu (Ngân hàng đầu tư Macquarie Capital).
Hệ số Gini (bất bình đẳng thu nhập) của Trung Quốc đạt đỉnh ở mức 0,481 vào năm 2008. Năm 2019 giảm xuống 0,465. Tuy nhiên, chỉ số này tăng lên 0,468 vào năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Hệ số Gini dao động từ 0 đến 1. Chỉ số này càng cao thì mức độ bất bình đẳng càng lớn. Mức 0,4 được coi là “lằn ranh đỏ” về bất bình đẳng.
Hiện Trung Quốc có khoảng 600 triệu người sống với thu nhập hàng tháng < 157 USD. Con số này cho thấy, hơn 40% người dân Trung Quốc sống với mức dưới 5 USD/ ngày.
Đại dịch Covid-19 làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Người lao động thu nhập thấp phải “hứng chịu” hậu quả khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sụp đổ. Trong khi đó, doanh số năm 2020 của các các trung tâm thương mại cao cấp tăng 25 – 35% so với năm 2019. Do giới nhà giàu Trung Quốc vẫn có nguồn thu nhập tốt và ổn định hơn.
“Một nửa trong 400 triệu công nhân thành thị của Trung Quốc là lao động nhập cư. Phần lớn họ không được hưởng dịch vụ công và hệ thống an sinh xã hội đô thị. Dưới 30% trong số họ có lương hưu. Họ không có nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống khi về già. Họ phải trở về quê nhà ở quê. Thật không công bằng”, theo Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia ở Bắc Kinh, Vương Tiểu Lỗ.
“Đầu tư tài sản cố định của chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước chiếm 25% GDP. Nếu cắt giảm các dự án không cần thiết và đầu tư 10% vào cải thiện hệ thống an sinh xã hội thì những người có thu nhập thấp sẽ có cuộc sống tốt hơn”, ông Vương nhận định.
Ông Vương cho rằng, để đạt được mục tiêu “thịnh vượng chung”; chính phủ cần cải thiện các dịch vụ công và hệ thống an sinh xã hội nhằm cung cấp cho tất cả người dân một nền tảng đảm bảo ổn định cuộc sống cơ bản.