Nguồn cung magiê ở Trung Quốc bị gián đoạn, khiến các nhà sản xuất tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp, tránh lệ thuộc vào Bắc Kinh. Nếu tình trạng này tiếp diễn, Trung Quốc có thể mất thế độc tôn trong lĩnh vực cung cấp magiê.
Theo Nikkei Asia, các nhà sản xuất toàn cầu đang phải đối mặt với một cơn đau đầu khác trong chuỗi cung ứng của họ sau khi giá magiê tăng đột biến. Sự việc này cho thấy khả năng dễ bị tổn thương của các nhà sản xuất trước những cú sốc chính sách ở Trung Quốc, nơi nắm giữ 80% sản lượng magiê của thế giới.
Magiê là nguyên liệu thô cần thiết cho hợp kim nhôm, được sử dụng trong các bộ phận của ô tô như hộp số, cột lái và nắp bình xăng. Nó cũng được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất thép nhằm giúp loại bỏ lưu huỳnh.
Nhưng hoạt động sản xuất magiê tiêu tốn nhiều năng lượng. Vì vậy, cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đang làm gián đoạn nguồn cung magiê cho các nhà sản xuất toàn cầu.
Chính quyền Trung Quốc đã cắt giảm điện, khiến một số hoạt động sản xuất magiê bị đình chỉ ở tỉnh Thiểm Tây, nơi sản xuất ra 60% sản lượng magiê của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, giá than và ferrosilicon, một hợp kim chứa sắt và các chất khác cũng được sử dụng trong sản xuất magiê, đồng thời tăng vọt. Kết quả là giá magiê tăng lên mức kỷ lục 10.000 USD / tấn.
Trước đó, giá magiê cũng tăng cao vào năm 2008, khi Bắc Kinh áp đặt các mệnh lệnh hạn chế sản xuất nhằm giữ không khí trong lành cho Thế vận hội Olympic.
“Cú sốc giá (magiê) khiến các nhà sản xuất và kinh doanh nhốn nháo”, theo Nikkei.
Đại diện của Hanwa Co., một công ty kinh doanh kim loại có trụ sở tại Tokyo, cho biết các “khách hàng giờ đã nhận thức được rủi ro từ Trung Quốc lớn hơn bao giờ hết”.
Các nước khác cung cấp magiê toàn cầu là Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Mỹ và Brazil. Hiện các bên thu mua đang phải cạnh tranh nhau để mua được magiê từ các nước này.
Vào ngày 22/10, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, Nhôm châu Âu, Eurofer và 9 nhóm công nghiệp châu Âu khác đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về “nguy cơ sắp xảy ra của việc ngừng sản xuất trên toàn châu Âu do sự thiếu hụt nghiêm trọng” nguồn cung magiê từ Trung Quốc .
Đại diện của European Aluminium nói với Nikkei Asia: “Sự bất ổn về giá và do đó, sự không chắc chắn về giá là một yếu tố rủi ro bổ sung cho nền kinh tế sau đại dịch của châu Âu”.
Magiê và ferrosilicon chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các hợp kim mà chúng được sử dụng. Tuy nhiên, khi giá của chúng tăng mạnh, các nhà sản xuất buộc phải tăng giá sản phẩm.
Yuji Matsumoto, một nhà phân tích cấp cao tại Nomura Securities, ước tính rằng nếu giá magiê tăng 1.000 USD / tấn, nó sẽ có làm tăng chi phí hàng năm từ 500 triệu đến 1 tỷ Yên đối với UACJ (công ty sản xuất nhôm).
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc khiến các nhà sản xuất tìm cách tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Yoshikazu Watanabe, chủ tịch của Tsukushi Shigen Consul, một công ty tư vấn chuyên về tài nguyên, nói rằng Nhật Bản cần phải suy nghĩ lại chiến lược của mình để đảm bảo nguồn cung magiê.