Trung Quốc được cho là đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho Pakistan ở Kashmir – khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Diễn biến này có thể gia tăng căng thẳng khu vực, trong bối cảnh Ấn Độ và Pakistan đã gây chiến nhiều lần.
Tóm tắt nội dung
Trung Quốc giúp Pakistan phát triển cơ sở hạ tầng
Chính phủ Ấn Độ nói rằng họ biết về sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng tranh chấp Kashmir do Pakistan chiếm đóng. Đó có thể là quân nhân Trung Quốc đang thực hiện các cuộc khảo sát, hoặc có thể là nhà thầu cho các dự án cơ sở hạ tầng của Pakistan, theo một nguồn tin trong chính phủ Ấn Độ xác nhận với The Epoch Times (ET). Tuy nhiên, nguồn tin từ chối tiết lộ chi tiết.
Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin quân đội Trung Quốc đang khảo sát các làng mạc và đồn bốt quân sự ở Kashmir với ý định củng cố bộ máy quân sự cho Pakistan.
Hãng tin News Service Indo-Asian (IANS) trích dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, có khoảng 40 binh sĩ Trung Quốc chia thành các các nhóm gồm 5-6 người. Họ khảo sát các ngôi làng, các đồn bốt quân sự Pakistan và “các tuyến đường xâm nhập được bọn khủng bố sử dụng để tiếp cận Thung lũng Kashmir”.
Bà Aparna Pande – Giám đốc Sáng kiến về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á, thuộc Viện Hudson ở Washington (Mỹ), nói với ET rằng: “Ấn Độ từ lâu đã lo ngại về thách thức hai mặt: Trung Quốc và Pakistan cùng hợp tác và tạo ra các vấn đề lớn hơn, và đây là một ví dụ”.
Các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin quân đội Trung Quốc cùng với các sĩ quan của quân đội và Cơ quan Tình báo Liên quân của Pakistan đã đến thăm các khu vực Kel, Jura và Lapa của Kashmir. Tất cả các khu vực đó đều nằm dọc theo đường Ranh giới kiểm soát — biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, nơi thường xảy ra các cuộc pháo kích xuyên biên giới từ hai bên.
Bắc Kinh tìm ra “con bài” chống lại New Delhi
Bà Pande cho hay bà “không hề ngạc nhiên trước thông tin Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng dù dưới hình thức dân sự hay quân sự, dọc theo biên giới hoặc trên các vùng đất theo cách thức của Trung Quốc, đó là: xây dựng và tuyên bố chủ quyền”.
Chuyên gia Abhishek Darbey thuộc Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi nhận định, chuyến thăm của Trung Quốc tới Kashmir cho thấy nước này đang phát triển các ngôi làng kiểu mẫu có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Darbey cho rằng Bắc Kinh “đã tìm ra một khu vực hay con bài chống lại New Delhi để gây áp lực lên chính phủ và quân đội Ấn Độ” bằng cách giúp Pakistan phát triển cơ sở hạ tầng dọc theo biên giới tranh chấp với Ấn Độ.
Trung Quốc và Pakistan đang trong quá trình hoàn thành Dự án Hành lang Trung Quốc – Pakistan (CPEC) trị giá hàng tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến vành đai và Con đường (BRI).
Theo chuyên gia Darbey, “CPEC là một phần quan trọng của BRI, đây là mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc để đảm bảo an ninh tại Kashmir. Nó cũng kết nối Trung Quốc với một số nơi trên thế giới thông qua đường biển và đường bộ”.
Ông Darbey cho rằng nhiều khả năng ĐCSTQ sẽ triển khai thêm binh sĩ sau khi CPEC hoàn thiện để đảm bảo lợi ích kinh tế của họ. Ông bình luận rằng: “Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Ấn Độ khi xây dựng các cơ sở hạ tầng chính ở Kashmir, trong đó có Xa lộ Karakoram nối Pakistan với Tân Cương”.
Ấn Độ có thể gặp bất lợi
Chuyên gia Priyanka Singh của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar, đánh giá sự hiện diện của Trung Quốc tại Kashmir có thể gây bất lợi cho Ấn Độ “trong trường hợp có chiến tranh và trường hợp khác”.
Trong vài năm qua, chính quyền Trung Quốc đã cung cấp vũ khí, cơ sở hạ tầng và ngân sách cho quân đội Pakistan. ĐCSTQ cũng đang giúp Pakistan thiết lập các tên lửa đất đối không tại Kashmir, theo một báo cáo của India Today hồi tháng 10.
Theo nhận định của bà Singh, việc Trung Quốc sẵn sàng đề nghị hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở Kashmir và cho binh sĩ đóng quân ở đó cho thấy chính sách hai mặt của Bắc Kinh.
Bà Aparna Pande cho rằng Trung Quốc không màng đến cuộc chiến, mà nó quan quâm đến chiến lược cắt lát salami và tăng rủi ro ở biên giới Ấn Độ, khiến nước này phải chi nhiều tiền và nguồn lực hơn cho biên giới đất liền, ít hơn cho mặt trận hàng hải cũng như kinh tế và xã hội.
Chuyên gia này kết luận rằng Trung Quốc và Pakistan sẽ tiếp tục những gì họ đang làm vì “Chính sách của Pakistan là sử dụng thánh chiến và chủ nghĩa cực đoan để chống lại Ấn Độ”