Sáng ngày 24/1, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Quốc Anh (nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
- Lợi dụng người dân về quê ăn Tết, “đinh tặc” tái xuất
- Bình Dương ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron
- Gần chục tấn ngó sen ngâm hoá chất sắp tuồn ra thị trường
Tuổi Trẻ đưa tin, cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền (cựu phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) lãnh 3 năm 6 tháng tù, Phạm Đức Tuấn (cựu chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty công nghệ y tế BMS) lãnh 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
5 bị cáo còn lại là cựu cán bộ thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và đơn vị thẩm định giá bị phạt từ 24 tháng tù cho hưởng án treo đến 24 tháng tù giam.
Trong vụ án, ông Anh là người có vai trò chính là người có thẩm quyền cao nhất quyết định thống nhất giá thiết bị với Công ty BMS ký kết các thủ tục liên danh liên kết, tạo điều kiện cho bị cáo Tuấn nâng giá thiết bị, hưởng lợi gây thiệt hại cho 637 bệnh nhân.
Tờ VnExpress dẫn cáo trạng, năm 2012, Bệnh viện Bạch Mai triển khai đề án sử dụng các trang thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa. Biết điều này, tháng 5/2016, Tuấn gặp ông Anh, đề nghị bán 2 robot Rosa và Mako, hỗ trợ phẫu thuật do công ty BMS nhập khẩu, giá 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.
Ông Anh từ chối mua, song cho hay Tuấn có thể làm đề án liên kết đặt máy tại bệnh viện. Việc này do bệnh viện tự quyết định, chỉ cần có Chứng thư thẩm định giá, còn giá thiết bị và đơn vị thẩm định sẽ do Tuấn quyết định.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sau đó không bàn bạc công khai, tự ý chủ trì cuộc họp, thông qua đề án liên kết song không công bố giá máy và đơn vị cung cấp, bản án nêu.
Cuối năm 2016, theo chỉ đạo của ông Anh, ba thuộc cấp tại Bệnh viện Bạch Mai liên hệ với Tuấn và thẩm định viên về giá robot đã được Tuấn sắp xếp trước để làm khống Chứng thư thẩm định.
Dù không có hồ sơ, tài liệu làm căn cứ xác định giá và 2 hệ thống robot chưa được nhập về, thẩm định viên vẫn cấp chứng thư nêu giá của 2 robot là 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng, theo yêu cầu của Tuấn và gửi Bệnh viện Bạch Mai.Bản án xác định, robot Rosa trị giá 7,4 tỷ đồng được Tuấn khống giá gấp 5, thành 39 tỷ đồng.
Cuối tháng 2/2017, ông Anh ký văn bản giá dịch vụ robot Rosa là 36 triệu đồng/ca, trong đó, Công ty BMS được hưởng tổng 27 triệu đồng các khoản chi phí không đúng quy định. Giá này đồng nghĩa,mỗi bệnh nhân phải trả thêm hơn 16 triệu đồng so với thực tế cho mỗi ca phẫu thuật sử dụng robot.
Hậu quả vụ án là tổng số tiền 637 người bệnh tại Bạch Mai trả tiền sử dụng robot Rosa từ khi lắp đặt đến tháng 5/2020, tương đương hơn 10 tỷ đồng.