Nga và Trung Quốc trong những ngày gần đây đã xuất hiện các diễn biến bất ngờ. Đầu tiên là Nga bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi biên giới Ukraine; sau đó là việc họ đã công nhận 2 vùng ly khai ở Ukraine là quốc gia độc lập. Phương Tây lập tức đồng loạt tuyên bố trừng phạt Nga. Điều này khiến Trung Quốc lúng túng trong quan hệ giữa Mỹ, Nga, Ukraine và EU.
Nước cờ của Nga và phương Tây đáp trả
Xung đột giữa Ukraine và Nga chính thức leo thang vào 21/2, với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ công nhận Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine là hai quốc gia độc lập ,mà ông còn cử quân đội tiến vào vùng đất này với cái gọi là “gìn giữ hòa bình”.
Về hai khu vực nói tiếng Nga này, vào mùa xuân năm 2014, khi quân đội Nga chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea, thì lực lượng ly khai cũng đã tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk với sự hỗ trợ của Nga. Tức là, 2 khu vực này đã độc lập trước đó. Và việc thừa nhận của ông Putin lần này chỉ mang tính biểu tượng hơn là ý nghĩa thực chất. Tuy nhiên, điều này vẫn làm trầm trọng thêm tình hình quốc tế căng thẳng và khiến thế giới bên ngoài lo ngại về việc liệu có tiếp tục leo thang xung đột ở Ukraine hay không.
Ngay sau hành động của ông Putin, thì Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đã lên án các hành động này, và công bố các biện pháp trừng phạt phối hợp chống lại Nga.
Về phía Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden mô tả những gì đang xảy ra ở Ukraine là “sự khởi đầu của một cuộc xâm lược của Nga.” Ông cũng liệt kê các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, bao gồm các lệnh trừng phạt đối với hai tổ chức tài chính lớn, các khoản nợ có chủ quyền của Nga và giới tinh hoa Nga cùng gia đình của họ. Ông nói rằng việc này sẽ “cắt đứt mối quan hệ của chính phủ Nga với tài chính phương Tây một cách hiệu quả.”
Tổng thống Biden cũng tuyên bố rằng ông sẽ gửi thêm quân và thiết bị để “tăng cường sức mạnh” cho các đồng minh của Mỹ ở các nước Baltic ở sườn phía đông của NATO, nhưng nói rõ rằng quân Mỹ sẽ không “chiến đấu với Nga” ở đó.
Về phía châu Âu, Đức đã đình chỉ quá trình cấp giấy chứng nhận cho đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trước đó vào 22/2. Và các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, bao gồm đưa nhiều chính trị gia, nhà lập pháp và quan chức Nga vào danh sách đen, cấm các nhà đầu tư EU giao dịch trái phiếu chính phủ Nga và các lệnh trừng phạt liên quan đến thương mại đối với hai khu vực ly khai của Ukraine.
Đây là làn sóng trừng phạt đầu tiên, với nhiều biện pháp trừng phạt hơn đang được cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ tìm kiếm.
Về lý do mà ông Putin đưa ra quyết định này, giới quan sát cho rằng, ông Putin nhìn thấy điểm yếu của chính quyền Mỹ hiện tại. Còn EU lại phụ thuộc rất chặt chẽ vào khí đốt của Nga, mùa đông ở Châu Âu là thời điểm tốt nhất mà Nga có thể thể hiện quyền lực để gây sức ép lên EU.
Mặt khác, ông Putin cần tối đa hoá lợi ích của Nga. Việc kích hoạt cuộc khủng hoảng Ukraine vào thời điểm này cũng liên quan tới bầu cử Nga. Vào năm 2021, GDP của Nga sẽ chỉ bằng 7% của Hoa Kỳ. Điều này cho thấy Nga thực sự đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn. Ông Putin muốn chuyển hướng sự bất mãn về chính trị và xã hội trong nước do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bằng cách gia tăng mâu thuẫn với Ukraine và thông qua một cuộc chiến như vậy.
Hơn thế nữa, ông Putin đã nắm bắt rất rõ sự thay đổi lớn của tình hình quốc tế. Tổng thống Nga nhận ra rằng sự chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện do ông Tập Cận Bình lãnh đạo như một chiến binh sói. Giới quan sát cho rằng ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị giải quyết vấn đề Đài Loan bằng vũ lực sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20. Đây là một bước quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược bành trướng toàn cầu của Trung Quốc.
Trung Quốc lúng túng trong quan hệ giữa Mỹ, Nga, Ukraine và EU
Vào ngày 4 tháng 2, ông Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã gặp nhau vào ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, và sau đó đưa ra “tuyên bố chung” nêu rõ rằng cả hai bên đều phản đối việc NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông Và ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine. Đây cũng là lần đầu tiên ĐCSTQ công khai đứng về phe đối lập với NATO, điều này cũng khiến thế giới cảnh giác.
Tuy nhiên, ĐCSTQ cũng đang thận trọng xử lý các mối quan hệ của mình với Ukraine, và có vẻ như họ không muốn làm xấu đi mối quan hệ của mình với Liên minh châu Âu.
Hôm thứ Ba (22/2) theo giờ Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã “kêu gọi tất cả các bên kiềm chế” trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken, với hy vọng “làm dịu tình hình và giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và thương lượng.” Nhưng ông Vương Nghị cũng nhắc lại rằng “các mối quan tâm an ninh chính đáng của bất kỳ quốc gia nào cũng cần được tôn trọng”.
Bình luận về động thái của Trung Quốc, tờ Washington Post cũng cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, thậm chí là lúng túng.
Đối với Trung Quốc mà nói, các nhà ngoại giao và các cố vấn chính phủ Trung Quốc nói rằng việc Trung Quốc xoay trục về Ukraine cũng phản ánh mong muốn của Bắc Kinh trong việc tránh làm cho quan hệ Trung-Mỹ trở nên đối đầu hơn. Nếu đối đầu Trung-Mỹ gia tăng, nó có thể dẫn đến việc Trung Quốc bị phương Tây cô lập và làm suy yếu sự phát triển lâu dài của Trung Quốc. Còn nếu mất lòng Nga, thì Trung Quốc sẽ không có điểm tựa cho mình trong cuộc chiến xâm lược Đài Loan.