Quý 1/2022, Việt Nam thiếu hơn một triệu tấn than để chạy nhiệt điện, hiện cần sớm nhập khoảng 5 triệu tấn từ Australia.
Đề xuất mua than của Australia, Nam Phi
Tại cuộc làm việc với Đại sứ Australia tại Việt Nam – ông Robyn Mudie vào ngày 1/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị phía Australia điều chỉnh sản lượng than trong nước để có thể xuất khẩu than sang Việt Nam. Ông Diên mong muốn hai bên ký kết hợp đồng mua bán, nhập khẩu than vào Việt Nam ngay trong tháng 4 này
Phía Việt Nam cũng đề nghị Australia cung cấp khối lượng than ổn định, đạt chất lượng, đồng thời xem xét để đưa ra mức giá bán hợp lý.
Đại sứ Robyn Mudie khẳng định phía Australia đáp ứng được năng lực sản xuất, khai thác, chế biến… để cung ứng đủ khối lượng than như Việt Nam đề nghị.
Theo thông tin trên báo Tiền Phong, ngoài Australia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng có buổi làm việc với ông Mpetjane Kgaogelo Lekgoro, Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam đề xuất mua than về Việt Nam ngay trong tháng 4, tháng 5 tới để cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện trong bối cảnh nguồn cung trong nước không đáp ứng được.
Ông Diên đề nghị Đại sứ Nam Phi hỗ trợ giới thiệu, kết nối các đối tác tiềm năng của Nam Phi trong lĩnh vực than, khoáng sản với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc… để đi đến ký kết hợp đồng, đưa các chuyến hàng than về Việt Nam ngay trong tháng 4, tháng 5 tới. Các loại than do Nam Phi sản xuất là than có chất lượng tốt, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với công nghệ của các nhà máy nhiệt điện than và các ngành sản xuất của Việt Nam.
Thiếu 3.000 MW điện do hết than
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo về tình trạng thiếu than dẫn đến hụt sản lượng nhiệt điện thời gian qua.
EVN cho biết, quý I/2022, tổng khối lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, tương ứng tỷ lệ 76,76%. Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.
Lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát.
Các NMNĐ Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60-70% công suất. Trong khi đó, NMNĐ Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy.
Trong khi đó, báo Điện tử Chính phủ dẫn thông tin từ các đơn vị cung cấp than cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.