Fan Xiao, nhà địa chất học tại Cục Địa chất và Khoảng sản Tứ Xuyên, cho biết nhiều thập kỷ cải tạo đất và xây đập trên những con sông thuộc lưu vực sông Trường Giang đã làm giảm diện tích và thể tích hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc ở Giang Tây.
Khoảng 1.300km đất được khai hoang tại đó từ năm 1954 tới 1998, khiến diện tích bề mặt hồ thu nhỏ từ 5.160km2 xuống 3.860km2, theo nghiên cứu của David Shankman, nhà địa lý học tại Đại học Alabama, Mỹ.
Xe cộ bị lũ nhấn chìm ở huyện Tòng Giang, tỉnh Quý Châu, hồi đầu tháng 6. Ảnh: SCMP
Zhang Wenbin, một nhà bảo vệ môi trường, cho biết ông từng điều tra hoạt động cải tạo đất trái phép ở Thác Lâm, một hồ nước ngọt khác trong tỉnh Giang Tây. Ông cho hay một số dự án quanh hồ vẫn được tiến hành năm ngoái, dù thanh tra môi trường chính phủ đã yêu cầu chấm dứt.
“Có rất nhiều vụ tương tự”, Zhang nói, cho hay hồ Thác Lâm đã bị thu hẹp kích thước, làm giảm dung tích chứa nước.
Trung Quốc đang trải qua đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong mấy chục năm qua. 27 địa phương với hơn 37 triệu người bị ảnh hưởng, ít nhất 140 người chết hoặc mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính 12,3 tỷ USD.
Ở một số khu vực chịu thiệt hại nặng nhất như Giang Tây, đê vỡ, nhà cửa bị phá hủy, khiến người dân địa phương nhớ về trận lũ năm 1998 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và 15 triệu người mất nhà cửa.
“Chúng tôi ở vùng đất cao hơn nên không ngờ lũ nghiêm trọng như thế, nước ào ào xộc tới, tôi phải lái xe tới cửa hàng đóng gói hàng hóa”, Ping Ping, chủ một cửa hàng gốm sứ tại Cảnh Đức Trấn, thành phố có lịch sử chế tác gốm sứ hơn 1.700 năm ở tỉnh Giang Tây, nói.
“Từ trước, tôi chỉ nhìn thấy lũ trên tivi. Đêm đó, nước lũ ban đầu dâng cao tới đầu gối tôi, sau đó lại tiếp tục dâng lên”, cô nói.
“Chính quyền Cảnh Đức Trấn phải suy nghĩ về điều này. Năm nào chúng tôi cũng nghe cảnh báo lũ, vì vậy chủ cửa hàng thường có kinh nghiệm nên chuẩn bị những gì vào lúc nào”, cô nói, đặt nghi vấn tại sao các chủ cửa hàng lại không kịp chuẩn bị mùa hè này.