Hơn 30 năm trước, Kimura Akinori – một lão nông người Nhật Bản đã trồng được những trái táo nổi tiếng khắp thế giới: mẫu mã đẹp, thơm ngon, không sâu, thời gian tươi rất lâu. Không công nghệ biến đổi gen, không không thuốc bảo vệ thực vật, cũng không làm cỏ vườn. Vườn táo của ông sinh trưởng hoàn toàn thuận theo tự nhiên.
Tóm tắt nội dung
Lão nông chân chất, tâm huyết và ấm áp
Ông Kimura sinh năm 1949 tại thị trấn Iwaki (tỉnh Aomori) trong một gia đình làm nông của Nhật Bản với nghề chính là trồng táo. Dù có năng khiếu và đam mê kỹ thuật, nhưng do hoàn cảnh gia đình và khi lấy vợ vào năm 22 tuổi, ông Kimura phải chọn con đường làm nông nghiệp.
Vào thời đó, trồng táo ở Iwaki là một nghề đem lại thu nhập khá giả cho nông dân trong vùng.Theo truyền thống, để trồng được những trái táo đủ điều kiện thu hoạch, trong một năm người ta phải phun các loại thuốc bảo vệ thực vật 13 lần vào các thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, vợ của ông Kimura bị mẫn cảm với thuốc bảo vệ thực vật. Sau những ngày đi phun thuốc sâu về, bà phải nằm liệt giường đến cả tuần. Xuất phát từ lòng thương vợ, suy nghĩ muốn người tiêu dùng được yên tâm dùng loại táo hoàn toàn vô hại, ông đã hạ quyết tâm trồng được loại táo mà không dùng đến phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật.
Hành trình 10 năm để tạo ra trái táo diệu kỳ
Năm đầu – mất trắng công sức
Năm 1978, ông Kimura bắt tay vào thực hiện ước mơ trên chính mảnh vườn của gia đình mình. Khi vừa dừng phun thuốc bảo vệ thực vật ở vườn táo thì cây táo nhà ông đồng loạt bị sâu hại tấn công. Chúng làm tổ ở cành cây nhiều tới mức làm cành cây bị cong, rủ xuống.
Gia đình 4 người nhà ông Kimura dù bắt sâu từ sáng tới tối, mỗi cây bắt được 3 túi nilon nhưng sâu hại vẫn cứ tiếp tục sinh sôi mạnh thêm, những chiếc lá vàng héo rũ từng chiếc từng chiếc rụng xuống.
Ông dùng đủ mọi thứ có tác dụng diệt sâu bệnh thay cho thuốc bảo vệ thực vật như dấm, tỏi, rượu trắng… nhưng đều không đem lại kết quả như mong muốn. Các vườn táo của hàng xóm đều tươi tốt, chỉ riêng vườn táo nhà ông là tiêu điều, không có sức sống.
Kết cục, những lá táo tươi xanh mọc vào mùa xuân bị lũ sâu chén sạch hoặc bị bệnh làm rụng cho bằng hết. Không có lá thì cũng không đủ điều kiện ra hoa. Năm đầu tiên gia đình ông mất trắng.
4 năm tiếp theo – Tán gia bại sản
Nhưng rồi 3 năm qua đi, vườn táo nhà ông Kimura cũng không cho ra một quả táo. Kinh tế gia đình cạn kiệt, ông phải bán cả xe tải và xe riêng của nhà đi. Con gái của ông phải đi giày rách tới trường, phải dùng các dụng cụ học tập cũ. Hàng xóm dè bỉu, khắp nơi trong thôn đồn đoán nói ông là kẻ ngốc, gàn dở.
Năm thứ 4 qua đi rồi đến năm thứ 5, vườn táo nhà ông vẫn trong tình trạng tồi tệ như thế.
Lúc này những người bạn của ông ra sức khuyên ngăn: “Làm sao có thể không sử dụng thuốc trừ sâu được chứ. Ông làm ơn sáng mắt ra đi”. Nhưng ông vẫn tiếp tục bảo vệ việc làm của mình, việc này làm cho bạn bè ông tức giận, quay lưng lại với ông.
Ông Kimura trốn tránh để không phải gặp phải người quen trên đường. Ông ra vườn táo vào lúc trời mờ sáng và về nhà lúc tối muộn. Ông than thở: “Bố bỏ cuộc liệu chắc sẽ tốt hơn nhỉ”. Cô con gái lớn nghe vậy đã động viên: “Ba ơi, nhất định phải kiên trì, nếu không những gì chúng ta đã làm chẳng phải phí công hay sao?”
Năm thứ 6 – Đối mặt với tử thần, phát hiện ra bí mật của đất
Đã sáu năm kể từ khi ông Kimura thực hành trồng táo không thuốc trừ sâu, vườn táo vẫn thảm hại. Những cây táo yếu đến mức chỉ cần ấn vào thân cây thì cây sẽ bị rung lắc đung đưa. Ông bất lực cúi đầu trước từng cây táo: “Tao xin lỗi đã bắt mày phải làm cái việc không tưởng như thế. Không cho hoa cũng được, không cho quả cũng được chỉ xin mày đừng chết”.
Tháng 7 năm đó, vườn táo bế tắc, gia đình điêu đứng, niềm tin và ý chí đã lụi tàn. Vào một đêm trăng sáng, ông Kimura cầm theo sợi dây thừng lên núi Iwaki để tự kết liễu cuộc đời. Nhưng khi quăng sợi dây lên để buộc vào cành, sợi dây trượt văng ra xa.
Trong lúc tìm sợi dây, ông Kimura chợt sửng sốt khi nhìn thấy một cây táo xanh tốt dưới anh trăng. Giữa rừng thế này mà lại có một cây táo mọc xanh tốt. Chắc là nó không dùng thuốc trừ sâu và phân bón. Ông đến gần, hóa ra không phải cây táo. Nó là một cây dẻ, tự thân nó phát triển mặc dù xung quanh có rất nhiều côn trùng, sâu bệnh, nấm gây hại…
Kích động, ông đào đất lên, cảm nhận được đất tơi xốp trong lòng bàn tay, ngoài ra ông còn ngửi thấy mùi hương đặc trưng của đất trên núi. Không nghĩ ngợi nhiều, ông bỏ cả đất vào trong miệng, khi vị thơm của đất lan tỏa trong miệng. Như một tiếng sét vang lên giữa trời xanh, ông Kimura đã khám phá ra bí mật để trồng táo không hóa chất.
Bước đột phá mới – Giữ hiện trạng tự nhiên của đất
Từ đó, ông hiểu ra việc mình nên làm không phải là cố gắng diệt sâu bệnh cho cây mà là phải cải tạo lại đất, trả lại sự nguyên trạng cho tự nhiên.
Cỏ dại thỏa sức mọc trong vườn táo nhà ông. Đến các loại chuột, thỏ hoang dã cũng thoải mái nhảy tung tăng khắp vườn. Ông trồng thêm cây đậu để cải tạo sự tơi xốp của đất. Cứ như vậy, vườn táo của ông như được bừng tỉnh, tràn đầy sức sống, tuy sâu bệnh rất nhiều nhưng cây táo đã khỏe lên trông thấy.
Bắt đầu ngưng dùng thuốc bảo vệ thực vật, 800 cây táo nhà ông bị chết dần chỉ còn lại khoảng 400 cây. Đến năm thứ 8, ông Kimura mới được nhìn thấy cây táo nhà mình nở hoa. Tuy nhiên trong 400 cây đó chỉ duy nhất có 1 cây nở 7 bông hoa. 7 bông hoa đó chỉ đậu được 2 quả.
Sau khi thắp hương, ông đã chia cho cả nhà cùng ăn. Và hết sức kinh ngạc, dù họ sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống trồng táo đã ăn không biết bao nhiêu quả táo nhưng lần đầu tiên được ăn loại táo ngon đến như vậy.
Năm thứ 9, hoa táo nở trắng vườn. Và mùa thu hoạch năm đó, gia đình ông Kimura đã khiến cả dân làng trầm trồ, thán phục. Họ có cả núi táo, hoàn toàn tự nhiên.
10 năm vất vả – Thành quả viên mãn
Dù còn thêm một vài năm khó khăn nữa nhưng đoạn kết của câu chuyện này thì quá tuyệt vời. Táo của ông Kimura đã nổi tiếng khắp thế giới nhưng muốn được mua cũng không dễ dàng.
Đơn dặt hàng đến nhà ông liên tục và không đủ sản lượng cung cấp. Thậm chí một nhà hàng ở Tokyo chỉ bán một món duy nhất là “súp táo Kimura”. Nếu muốn thưởng thức, người ta phải đặt trước tới nửa năm.
Những trái táo Kimura “thần kỳ” không những không bị thâm mà để 4 năm không thối. Nó chỉ bị héo dần do được trồng hoàn toàn không sử dụng phân bón và hóa chất trừ sâu bệnh.
Thậm chí kể cả khi được cắt thành hai nửa và để trong không khí 2 năm thì những trái táo đặc biệt này vẫn không hề bị hỏng hay bị thối; mà chỉ trở thành quả khô héo một cách tự nhiên. Như những người tu luyện lúc chết phần xác của họ tự teo lại, không gặp tình trạng thối rửa.
Câu chuyện trồng táo của ông Kimura đã truyền cảm hứng không chỉ cho những người đam mê nông nghiệp tự nhiên; mà còn để lại trong lòng mỗi người niềm hy vọng mới vào cuộc sống. Hy vọng vào một lối đi mới: thuận theo tự nhiên.
Bài học quý báu: Thuận theo tự nhiên ắt có phúc báo
Các nhà khoa học cho rằng, con người thời tiền sử sống chủ yếu bằng nghề sắn bắt và hái lượm. Các loài thực vật cũng là dạng sống tự nhiên vì con người thời đó còn chưa biết đến trồng trọt. Nếu quả thực là như vậy, thì phải chăng cây ăn trái xưa kia không bị côn trùng phá hoại?
Lão Tử giảng: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Để hiểu được câu nói uyên thâm này, có lẽ chúng ta phải đặt nó vào một ngữ cảnh thích hợp; và câu chuyện của ông Kimura là một minh chứng.
Một cây táo tự xung quanh nó là môi trường sinh sôi phù hợp. Có cây ăn trái thì cũng có cỏ dại, có côn trùng lấy mật hoa đồng thời giữ vai trò thụ phấn. Có động vật cộng sinh, phân của chúng làm đất phì nhiêu, giun dế đóng vai trò như những chiếc máy cày xới tự động làm đất tơi xốp. Vốn trong tự nhiên đã tự có sự phân công hài hoà.
“Trời không phụ người có đạo, đất không phụ người có nhân, người không phụ người có nghĩa”
Đằng sau câu chuyện trồng táo còn là một câu chuyện cảm động về người chồng vì thương vợ quá mẫn cảm với thuốc trừ sâu mà nỗ lực tìm phương pháp trồng trọt không gây hại. Ở đời nếu một người biết suy nghĩ cho người khác thì họ chính là người sống coi trọng đạo nghĩa. Một người sống đạo đức thì trời đất sẽ không phụ.
Biết là nên sống thuận theo tự nhiên, nhưng mấy ai kiên trì trong 10 năm, tiêu tốn tài sản cả đời gây dựng, nhằm tìm một phương pháp trồng trọt không thuốc bảo vệ thực vật? Ông lão bị cả cộng đồng đồn thổi là người “không bình thường”. Tuy nhiên, 10 năm ấy đã không lãng phí, ông Kimura đã tự tạo nên 1 thương hiệu cho riêng mình và xứng đáng là người trồng táo thành công bậc nhất.
Khi ông Kimura quyết định trồng táo không thuốc trừ sâu, đáng buồn là láng giềng và bạn bè hầu như không có ai ủng hộ. Một việc tưởng chừng rất đỗi bình thường, là quan tâm đến sức khoẻ của người tiêu dùng, nhưng lại không nhận được sự khuyến khích. Nếu chẳng phải ông quá “gan lỳ” với lý tưởng thì có lẽ thế giới không có cơ hội được ăn một trái táo tự nhiên.
Những trái táo thần kỳ ấy là quả ngọt mà ông Kimura xứng đáng được hưởng.
Thực trạng con người ngày nay đề cao chủ nghĩa kim tiền: coi nhẹ tố chất con người
Những câu chuyện như của ông Kimura thì không nhiều, nhưng chuyện người kinh doanh vì đồng tiền mà đương tâm dùng chất hoá học vượt quá mức cho phép thì rất nhiều. Nào là nông sản xuất khẩu bị trả về vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phát hiện 300 tấn hoa quả Trung Quốc nhiễm độc tuồn sang Việt Nam, những video làm trứng gà giả, cá khô giả chân thực đến khó tin…
Phật gia giảng rằng tham-sân-si là 3 thứ độc con người phải tu bỏ. Tuy nhiên vì tham đắm đồng tiền mà nhân loại bất chấp tính mạng, sẵn sàng bán rẻ lương tâm, dù biết bản thân cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ.
Trên toàn thế giới, tiêu chí để đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia là thu nhập bình quân đầu người hay còn gọi là tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GDP), mức độ công nghiệp hóa, mức sống chung và số lượng cơ sở hạ tầng công nghệ.
Đất nước duy nhất dùng chỉ tiêu hạnh phúc thay thế GDP là vương quốc Buhtan. Ở quốc gia này, họ theo dõi mức độ hài lòng với cuộc sống của người dân để đánh giá mức độ thành công của quản lý nhà nước. Chính phủ của họ luôn ý thức được mức độ quan trọng trong việc mang lại những điều tốt đẹp và vui vẻ cho công dân.
Điều tốt đẹp như vậy nhưng chỉ là 1 quốc gia thi hành. Một con số quá ít khiến con người ta không khỏi quan ngại về sự vô tâm đến đáng sợ của của xã hội.