Liên minh châu Âu đang chi 8 triệu euro để xây dựng một boongke an toàn ở Brussels (Bỉ), nơi các nhà lãnh đạo EU có thể gặp nhau để đàm phán bí mật. Căn phòng sẽ được cách nhiệt để chống lại sự can thiệp của các thiết bị điện tử để ngăn“những gián điệp người Nga hoặc cả những người khác”.
Boongke bao bọc trong lồng cách nhiệt
Theo EUobserver, boogke này có thể chứa khoảng 100 người, bao gồm 34 nhà lãnh đạo và 34 nhân viên trợ lý của họ, cùng các nhân viên khác.
EU hiện có 27 thành viên, nhưng có thể mở rộng trong tương lai. Vì vậy phòng an toàn này cũng sẽ được sử dụng cho các cuộc họp cấp thấp hơn của các đại sứ và quan chức cấp cao của EU.
Boongke sẽ cách biệt hoàn toàn với các thiết bị điện tử. Dù vậy nó vẫn được trang bị công nghệ màn hình lớn nội bộ, và micrô được nối với cabin an toàn cho 30 phiên dịch viên.
Phòng họp và các ca bin được bao bọc trong một lồng cách nhiệt. Mọi chất lượng kỹ thuật của boongke đều do NATO giám sát, để ngăn sóng điện từ và sóng vô tuyến từ bên trong được thu ra bên ngoài.
Mục đích của nó để tránh những thông tin có thể “gây tổn hại nghiêm trọng” đến lợi ích của EU bị rò rỉ ngoài. Điều này có thể “làm gia tăng căng thẳng quốc tế” hoặc “đe dọa cuộc sống” hoặc “trật tự công cộng” ở châu Âu.
Bất kỳ ai muốn vào boongke, kể cả những người dọn dẹp, sẽ phải được thông qua an ninh “SECRET EU” – mức phân loại cao thứ hai của khối.
Dự kiến boongke sẽ được xây dựng vào năm 2024, và được đặt ở một địa điểm chưa được xác định trong khu phức hợp của Hội đồng Châu Âu tại thủ đô Brussels (Bỉ).
Đề phòng người Nga nghe lén hay cả đồng minh của EU?
Boongke sẽ được quét “trước và sau các cuộc họp để phát hiện, xác định vị trí và vô hiệu hóa bất kỳ thiết bị nghe lén nào”.
Các nhà lãnh đạo và nhân viên EU khi vào boongke này sẽ phải để điện thoại, máy tính xách tay, đồng hồ thông minh, khóa điện tử và thậm chí cả thiết bị trợ thính trong một tủ đựng đồ cách âm đặt ở bên ngoài phòng họp.
Việc xây dựng boongke này ra đời trong bối cảnh sau khi Nga tấn công Ukraine, và EU có kế hoạch thành lập một lực lượng vũ trang chung cùng với NATO.
Từ lâu, EU đã cáo buộc Nga hoạt động gián điệp. Việc Bỉ trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga vì bị cáo buộc làm gián điệp vào tháng 4 vừa qua là một ví dụ.
Hai nhà ngoại giao này bị EU cáo buộc là chuyên gia tín hiệu đã bị trục xuất, trong số 39 điệp viên khác đóng giả là nhà ngoại giao tại đại sứ quán và lãnh sự quán Bỉ.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Israel cũng bị EU cáo buộc liên quan tới các vụ bê bối nghe lén ở Brussels trong những năm qua.
Không chỉ các đối thủ của EU nghe lén, việc theo dõi nghe lén, thu thập thông tin tình báo vẫn diễn ra giữa các đồng minh của nhau. Bê bối nhất là vụ chính quyền Mỹ đã theo dõi 122 nguyên thủ quốc gia, bị phát giác vào năm 2014.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã tiến hành giám sát trên diện rộng đối với các quan chức cấp cao ở cả Pháp và Đức, theo tài liệu do WikiLeaks phát hành.
Có thể bạn quan tâm:
Trung Quốc thực hiện âm mưu gián điệp Mỹ từ hàng thập kỷ qua