Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc gần đây đã kêu gọi phá hủy hệ thống vệ tinh Starlink của Elon Musk. Đây được cho là mối đe dọa chưa từng có từ chính quyền một nước đối với một doanh nghiệp tư nhân nước ngoài.
Tóm tắt nội dung
Trung Quốc khiếu nại Elon Musk lên LHQ
Theo BBC, vào tháng 12/2021, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Liên Hợp Quốc, tuyên bố rằng hai trong số các vệ tinh Starlink của Elon Musk đã suýt va chạm với mô-đun Thiên Hà của Trạm Vũ trụ Thiên Cung vào tháng 4 và tháng 10 năm 2021. Theo phía Trung Quốc, sự cố này khiến các phi hành gia của họ buộc phải điều chuyển mô-đun của trạm Vũ trụ để tránh va chạm.
Starlink là dự án cực kỳ tốn kém tiền của thuộc công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Nó là một dự án chòm sao vệ tinh, trong đó có hàng ngàn vệ tinh cỡ nhỏ được phóng lên quỹ đạo thấp (LEO)của Trái đất, nằm cách mặt đất 550km.
Tín hiệu Internet sẽ được bắn từ các vệ tinh thẳng xuống các thiết bị thu nhận trên mặt đất, sau đó những thiết bị này sẽ phát tín hiệu thông qua hệ thống cục bộ hoặc trực tiếp qua dây nối với router Starlink của bạn.
Starlink không giống như một tín hiệu điện thoại hay 5G. Nó cho phép bất cứ ai, thậm chí ở bất cứ khu vực hẻo lánh nào trên Trái đất cũng có thể kết nối Internet thông qua vệ tinh.
Tỷ phú Elon Musk có kế hoạch phủ sóng Internet từ các vệ tinh trên toàn thế giới, với mục tiêu phóng gần 12.000 vệ tinh Starlink vào quỹ đạo thấp của Trái đất.
Tuy nhiên cuộc chiến Không gian đang trở nên đông đúc, chật hẹp hơn và nguy cơ va chạm – dù với vệ tinh hay mảnh vỡ không gian – không phải là điều mới mẻ.
Trớ trêu là dù “phàn nàn” hệ thống vệ tinh của tỷ phú Elon Musk gây nguy hiểm, nhưng Trung Quốc lại là một trong những quốc gia đầu tiên tạo ra nhiều mảnh vỡ trong vũ trụ.
Vào tháng 1/2007, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa chống vệ tinh (ASAT) đầu tiên của mình, phá hủy một trong những vệ tinh thời tiết không hoạt động của chính họ, và tạo ra một trong sự cố về “rác” vũ trụ lớn nhất thế giới.
Các mảnh vỡ nguy hiểm đó vẫn trôi nổi trong không gian, và gây ra rủi ro va chạm với các vệ tinh mỗi ngày.
Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng, các vệ tinh Starlink đã gây nguy hiểm cho trạm vũ trụ của Trung Quốc.
Mỹ tuyên bố rằng, nếu có “xác suất va chạm đáng kể” với trạm vũ trụ của Trung Quốc, Mỹ sẽ thông báo trước cho Trung Quốc. “Bởi vì các hoạt động không đáp ứng được ngưỡng của tiêu chí va chạm khẩn cấp đã thiết lập, thông báo khẩn cấp không được bảo đảm trong cả hai trường hợp.”
Không “nói” được thì đe dọa phá hủy
Tuy nhiên không chỉ dừng ở động thái gửi sự ‘bất bình’ lên tổ chức quốc tế, Trung Quốc hiện đang tiến một bước xa hơn: Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đang đe dọa rằng sẽ phá hủy vệ tinh Starlink của tỷ phú Musk.
Có điều, vấn đề không phải chỗ Trung Quốc sợ các vệ tinh này va chạm, mà ĐCSTQ tin rằng hệ thống Starlink có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, và do đó đe dọa đến thứ mà Trung Quốc gọi là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho an ninh quốc gia của họ.
Theo SCMP, năm nhà khoa học cấp cao trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, dẫn đầu bởi Ren Yuanzhen, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Theo dõi và Viễn thông Bắc Kinh gần đây cho rằng, “sự kết hợp giữa giết mềm và cứng là nên áp dụng các phương pháp để làm cho một số vệ tinh Starlink mất chức năng và phá hủy hệ điều hành của chòm sao”.
Phương pháp tiêu diệt mềm là nhắm mục tiêu vào phần mềm và hệ điều hành của vệ tinh, trong khi phương pháp tiêu diệt cứng là tiêu diệt vệ tinh một cách vật lý, chẳng hạn như sử dụng vũ khí ASAT.
ASAT được cho là vũ khí không gian có tính hủy diệt để “làm mù” các vệ tinh của Mỹ.
Trong bản báo cáo đánh giá thường niên được công bố vào ngày 14/4/2021, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) Mỹ cho biết: “Trung Quốc đã triển khai các tên lửa (vũ khí chống vệ tinh) trên mặt đất nhằm tiêu diệt các vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo tầm thấp (LEO) và hệ thống laser ASAT có thể làm mù hoặc làm hỏng các cảm biến quang học nhạy cảm trong không gian được tích hợp trên vệ tinh LEO”.
Theo các nhà khoa học này, Trung Quốc nên “phát triển mạnh mẽ các biện pháp đối phó” chống lại Starlink, vì những khả năng đó là cần thiết để Trung Quốc “duy trì và có được lợi thế về không gian trong cuộc chơi không gian khốc liệt.”
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đã ăn cắp ý tưởng từ SpaceX của Elon Musk nhằm đạt được tham vọng không gian của riêng mình.
Ví dụ như tên lửa Long March 2C của Trung Quốc có các bộ phận “gần như giống hệt” với tên lửa được sử dụng để điều khiển Tên lửa SpaceX Falcon 9.
CNN cho biết: “Vào mùa hè năm 2019, một tên lửa nhỏ của Trung Quốc được phóng từ một sân bay vũ trụ nội địa ở miền nam đất nước.
Các bức ảnh cận cảnh, được đăng tải sau đó trên các tài khoản mạng xã hội của Trung Quốc, lần đầu tiên cho thấy các vây lưới nhỏ được dán ở phần trên của tên lửa Long March 2C này.
Chúng gần như giống hệt nhau về thiết kế với lưới vây mà SpaceX sử dụng để điều khiển tên lửa Falcon 9 xuyên qua bầu khí quyển, để hạ cánh trên các tàu bay không người lái hoạt động trên đại dương.
Một năm sau cuộc thử nghiệm này, nhà thầu vũ trụ chính của Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch phát triển khả năng tái sử dụng bộ tăng lực… Các quan chức Trung Quốc cho biết, đến năm 2025, tên lửa này sẽ có khả năng hạ cánh trên một bệ phóng trên biển giống như tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX.”
Không chỉ vậy, năng lượng cung cấp cho tên lửa Long March 2C cũng cùng loại năng lượng cung cấp nhiên liệu cho tên lửa SpaceX.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất thể hiện sự quan tâm đến việc can thiệp vào các vệ tinh Starlink của Elon Musk.
Nga – Trung đều ‘ngán’ Starlink của Elon Musk
Starlink cũng là một vấn đề ‘nhức đầu’ đối với Nga vì các vệ tinh của tỷ phú Elon Musk đã cho phép Ukraine duy trì kết nối internet để giao tiếp với phần còn lại của thế giới, trong bối cảnh cuộc xung đột nổ ra tại nước này.
Hai ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine, ngày 26/2, phó thủ tướng Ukraine kiêm bộ trưởng kỹ thuật số, ông Mykhailo Fedorov đã cầu khẩn Elon Musk gửi thiết bị Starlink cho nước ông.
Hai ngày sau, tỷ phú Elon Musk đã gửi các thiết bị đầu cuối của hệ thống Starlink đến Ukraine và chuyến hàng đầu tiên đã lộ diện.
Nga cũng đã tìm cách gây nhiễu dịch vụ Internet của Starlink ở Ukraine và không thành công. Hồi tháng 5, tỷ phú Elon Musk tweet như sau:
“Starlink đã chống lại các nỗ lực gây nhiễu và tấn công mạng của Nga cho đến nay, nhưng họ đang tăng cường nỗ lực của mình”.
Đáng chú ý là, tờ Politico cho biết: “Chỉ một giờ trước khi quân đội Nga tiến hành cuộc tấn công tổng lực vào rạng sáng ngày 24/2, Điện Kremlin đã tấn công thành công Viasat, một nhà cung cấp vệ tinh của Mỹ cung cấp mạng (Internet) được quân đội Ukraine sử dụng để liên lạc với quân đội tiền tuyến, theo báo cáo của tình báo Hoa Kỳ, EU và Vương quốc Anh”.
Tờ này cũng cho biết, một tướng Mỹ nói rằng hệ thống Starlink ở Ukraine đã phá hỏng nỗ lực cô lập nước này của Tổng thống Putin và phát huy hiệu quả như sau:
“Hệ thống Starlink của Musk – dựa trên một cụm vệ tinh độ cao 130 dặm trên Ukraine đã trở thành một cứu cánh bất ngờ cho đất nước, cả trên chiến trường và trong cuộc chiến tranh giành dư luận.
Máy bay không người lái của Ukraine đã dựa vào Starlink để thả bom vào các vị trí tiền phương của Nga. Người dân ở các thành phố bị bao vây gần biên giới Nga đã giữ liên lạc với những người thân yêu thông qua vệ tinh được mã hóa. Tổng thống Zelensky đã thường xuyên cập nhật hàng triệu người theo dõi mạng xã hội của mình trên mạng xã hội của Musk, cũng như tổ chức các cuộc gọi Zoom với các chính trị gia toàn cầu từ Tổng thống Mỹ Joe Biden đến nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron.”
Rõ ràng hiệu quả cực kỳ lợi hại của Starlink không chỉ làm cường quốc quân sự thứ hai thế giới là Nga phải đau đầu đối phó, mà ngay cả chính quyền Bắc Kinh cũng đứng ngồi không yên.
Những lời đe dọa của Trung Quốc đối với hệ thống Starlink của tỷ phú Musk là bằng chứng rõ ràng hơn, rằng nước này không sẵn sàng để bất cứ ai cản đường trong “trò chơi không gian khốc liệt” của mình.
Tham vọng quân sự trá hình dưới vỏ bọc khoa học
Tướng David Thompson, chỉ huy cấp cao của Lực lượng Không gian Mỹ từng cảnh báo, Trung Quốc đang phát triển các năng lực không gian vũ trụ với tốc độ nhanh gấp đôi so với Mỹ.
Tuy nhiên tướng Thompson có thể đang cố gắng hạ thấp mối đe dọa của ĐCSTQ đối với phương Tây khi mô tả đây chỉ là một “cuộc chiến trong bóng tối”.
Vào tháng 11/2021, tướng Thompson cho biết, trong cuộc chiến không gian này, Trung Quốc và Nga (ở một mức độ thấp hơn) đang tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các vệ tinh của Mỹ bằng laser, thiết bị gây nhiễu tần số vô tuyến và tấn công mạng mỗi ngày.
Mặc dù các cuộc tấn công hiện nay là “có thể đảo ngược”, có nghĩa là thiệt hại cho các vệ tinh bị tấn công là không vĩnh viễn, nhưng chúng cho thấy ý đồ thâm độc của Trung Quốc.
Ngoài “trò chơi không gian khốc liệt” của mình, Trung Quốc đang tiến lên phía trước với một số dự án sẽ tăng tốc đáng kể khả năng không gian của nước này.
Theo South China Morning Post và News.sky, Trung Quốc được cho là đã đẩy nhanh chương trình khởi động một nhà máy điện Mặt trời trong không gian. Mục đích của nhà máy là truyền tải điện xuống Trái đất, bằng cách chuyển đổi năng lượng Mặt trời sang vi sóng hoặc tia laser và hướng năng lượng này đến Trái đất.
Dự án được cho là sẽ tiến hành vào năm 2028 và sẽ là dự án đầu tiên trên thế giới trong không gian. Có khả năng Trung Quốc đã ăn cắp ý tưởng từ Mỹ khi NASA được cho là đã đề xuất một kế hoạch tương tự cách đây hơn hai thập kỷ, nhưng đã không triển khai tiếp tục.
Hôm 24/7 vừa qua, Trung Quốc cũng đã phóng thành công mô-đun thứ 2 trong tổng số 3 mô-đun tạo thành trạm vũ trụ Thiên Cung. Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ vào tháng 4/2021 và việc phóng mô-đun Thiên Hà, khu vực cư trú chính của Thiên Cung, và là nhiệm vụ đầu tiên trong số 11 sứ mệnh nhằm tạo lập trạm vũ trụ này.
Trạm vũ trụ này cũng sẽ giúp Trung Quốc triển khai và vận hành kính viễn vọng không gian mới của họ có tên là Xuntian.
Theo Technologyreview, Bắc Kinh tuyên bố vào năm 2023 sẽ phóng kính viễn vọng không gian Xuntian. Có nghĩa là kính viễn vọng Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với Kính viễn vọng Không gian Hubble già cỗi của NASA, với có góc nhìn lớn hơn 350 lần kính Hubble của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Trung Quốc tuyên bố, kính thiên văn “hàng đầu thế giới” này sẽ cung cấp những hiểu biết mới về các thiên hà xa xôi, vật chất tối bí ẩn, năng lượng tối và quá trình tiến hóa thiên hà và phát hiện các hành tinh lân cận khác.
Theo chinadaily, mục tiêu rõ ràng của Trung Quốc là trở thành cường quốc không gian hàng đầu thế giới vào năm 2045.
Cần lưu ý là chương trình không gian của Trung Quốc, thoạt nhìn thì tưởng là vô hại, chỉ thuần túy phục vụ cho mục đích khoa học, thăm dò không gian. Tuy nhiên nó đều được ‘quân sự hóa’ dưới vỏ bọc của các tổ chức dân sự, nghiên cứu khoa học có liên quan đến Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Ví dụ, Viện Theo dõi và Viễn thông Bắc Kinh bề ngoài tưởng là một viện nghiên cứu khoa học thuần túy. Thực tế nó trực thuộc Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc của Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc (CMSA), đều trực thuộc Cục Phát triển Thiết bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Tương tự, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đều điều hành trực tiếp các bãi phóng thử nghiệm không gian, trung tâm điều khiển và nhiều vệ tinh của Trung Quốc.
Xem thêm: