Gần 2 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đang len lỏi khắp thế giới; từ các trường đại học, các tập đoàn lớn và các lãnh sự quán của các nước.
IPAC, Liên minh Nghị viện đa quốc gia nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc, đã công bố thông tin này trên Twitter; và được các hãng thông tấn như Daily Mail, Sky News, The Epoch Times đưa tin.
IPAC cho biết, họ đã nhận được cơ sở dữ liệu các đảng viên từ một “nguồn phi chính phủ”. Sau đó, Liên minh đã cử chuyên gia kiểm tra danh sách trong dữ liệu.
Nguồn tin của IPAC đã cung cấp một danh sách 1,95 triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang làm việc các lãnh sự quán của các nước trên thế giới, các trường đại học và các tập đoàn lớn như Boeing, HSBC…
Tóm tắt nội dung
Gần 2 triệu đảng viên ĐCSTQ len lỏi khắp thế giới
Liên minh IPAC cho biết cơ sở dữ liệu bao gồm tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, chức vụ trong Đảng, số căn cước của các đảng viên. Một số bảng còn ghi rõ địa chỉ và số điện thoại của họ.
Danh sách còn có một số đảng viên từng là nhân viên của tập đoàn hàng không vũ trụ Boeing và hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ. Theo Daily Mail, các tập đoàn hàng không vũ trụ như Airbus, Rolls-Royce, Boeing đã tuyển dụng hàng trăm đảng viên Trung Quốc. Trong khi đó, hãng dược Pfizer của Mỹ và AstraZeneca của Anh đã tuyển dụng 123 đảng viên ĐCSTQ.
Còn có hơn 600 đảng viên làm việc tại 19 chi nhánh của ngân hàng HSBC và Standard Chartered của Anh. Ngoài ra, nhà sản xuất ô tô của Anh, Jaguar Land Rover cũng tuyển dụng các đảng viên ĐCSTQ.
Các đảng viên Trung Quốc cũng len lỏi vào làm việc tại các trường đại học Anh Quốc. Tại đó, những người này tham gia vào các cuộc nghiên cứu nhạy cảm, như kỹ thuật hàng không và hóa học, theo Daily Mail.
Một số đảng viên ĐCSTQ thậm chí còn làm việc trong các lãnh sự quán Anh. Tại lãnh sự quán Anh ở Thượng Hải, có đảng viên còn là quan chức cấp cao phụ trách thu xếp các chuyến thăm của giới chức Anh tới Trung Quốc. Một đảng viên khác có vỏ bọc “ngoại giao” còn làm việc thân cận với một nhóm của MI6, cơ quan tình báo Anh.
Liên minh nghị viện sẽ hành động
Các nghị sỹ trong Liên minh IPAC cho biết họ sẽ hành động để yêu cầu các chính phủ ngăn chặn sự xâm nhập của ĐCSTQ.
Tuyên bố từ Liên minh cho biết: “IPAC sẽ thúc đẩy các chính phủ và các công ty phải hành động, đưa ra biện pháp để bảo vệ các giá trị của mình trước sự xâm nhập” của ĐCSTQ.
Theo tờ Daily Mail, “hiện chưa có bằng chứng cho thấy những người trong danh sách đảng viên này đã làm gián điệp cho Trung Quốc”. Tuy nhiên, khoảng 30 nghị sỹ ở Anh cho biết họ sẽ đưa vụ việc ra điều trần tại Hạ viện.
Nghị sĩ Anh Duncan Smith nói với Daily Mail: “Chính phủ Anh cần trục xuất và loại bỏ bất kỳ đảng viên cộng sản Trung Quốc nào ra khỏi các lãnh sự của chúng ta trên khắp Trung Quốc. Họ chỉ có thể phục vụ Vương quốc Anh hoặc ĐCSTQ. Họ không thể làm việc cho cả hai”.
Giới chức Mỹ: Không nên tin Đảng Cộng sản Trung Quốc
Một nhà phân tích tình báo của Nhà Trắng, cựu điệp viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho rằng không nên tin ĐCSTQ.
Quan chức này nói với Daily Mail: “Đảng Cộng sản Trung Quốc là như thế đó. Các bạn không thể tin tưởng họ. Họ luôn tìm kiếm những cơ hội mà họ có thể lợi dụng; dù đó là các mối quan hệ, tình bạn, hay bất cứ điều gì; tất cả là nhằm thúc đẩy lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Các đảng viên ĐCSTQ đều phải cam kết trung thành với chế độ. Để trở thành một đảng viên, trước hết họ phải giơ nắm tay lên thề, chẳng hạn: “tuân thủ các nghị quyết của đảng, chấp hành nghiêm kỷ luật đảng… trung thành với đảng… và không bao giờ phản bội đảng”.
Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, cho biết ĐCSTQ có hơn 91 triệu đảng viên tính đến cuối năm 2019. ĐCSTQ còn có các tổ chức liên đới, như Đội Thiếu niên Tiền phong và Đoàn Thanh niên Cộng sản. Nếu tính cả các thành viên trong các tổ chức liên đới, thì số người tham gia vào lực lượng của ĐCSTQ lên tới hàng trăm triệu người.
Chính quyền Trump chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc
Thông tin do IPAC tiết lộ đã nhấn sâu thêm mối lo ngại từ các nước về sự xâm nhập của ĐCSTQ.
Hồi đầu tháng này, hãng Fox News đã công bố video cho thấy một học giả Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh đã cài cắm người vào các vị trí quyền lực trung tâm ở Mỹ.
Học giả Di Dongsheng của Trung Quốc nói rằng “những người bạn” của Bắc Kinh ở Mỹ đã tìm cách giúp Trung Quốc tránh khỏi các chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, những người này đã không thể thay đổi ông Trump. Vì vậy, họ đã giúp Bắc Kinh tìm cách ngăn cản Tổng thống Trump tái đắc cử.
ĐCSTQ coi Tổng thống Trump là mối đe dọa đối với sự tồn vong của chế độ, theo ông Solomon Yue, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Đảng Cộng hòa ở nước ngoài.
Tổng thống Trump đã đảo ngược nhiều chính sách mềm yếu từ những người tiền nhiệm đối với Trung Quốc; từ thương mại đến Biển Đông.
Mới đây, chính quyền Trump đã công bố các hạn chế thị thực mới đối với các đảng viên ĐCSTQ và thân nhân của họ.