Nghiên cứu sinh, học viên của hơn 20 trường đại học đã sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô làm điều kiện tuyển sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, trong đó có nhiều người đang theo học tại các trường thuộc top đầu cả nước.
- Video ngày đầu xét xử đa cấp Liên Kết Việt – vụ án hơn 6.000 bị hại được triệu tập
- Tiêm vắc xin giả bằng ‘nước cất’, lĩnh án 4 năm tù
- Phát hiện nữ hành khách định mang súng bút lắp sẵn đạn lên máy bay
Theo báo Người Lao Động, danh sách các trường sử dụng bằng giả của trường ĐH Đông Đô gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội có 5 trường hợp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 8 trường hợp, Học viện Báo chí – Tuyên truyền có 4 trường hợp, ĐH Huế có 4 trường hợp.
Ngoài ra, 2 giảng viên của Trường ĐH Luật (thuộc ĐH Huế) đã trúng tuyển năm 2018 vào lớp Ngôn ngữ Anh văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô, 1 giảng viên của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng trúng tuyển vào lớp Ngôn ngữ Anh văn bằng 2 này.
Tại TP. HCM cũng có 1 trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô nộp hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ tại một trường ĐH công lập đóng tại TPHCM.
Theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô.
Hiện trong số 193 bằng giả đã được trường cấp mà không qua đào tạo, Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an mới thu giữ 67 bằng gốc, còn 126 bằng chưa thu hồi để xử lý.
Đối với 60 trường hợp sử dụng bằng giả hiện mới xác định được 25 người (22 người rút hồ sơ dừng chương trình học, 3 trường hợp xin thôi học thạc sĩ, rút kết quả thi nâng ngạch thanh tra viên).
35 trường hợp còn lại, VKS yêu cầu xác định rõ đã sử dụng bằng giả như thế nào; đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo Thanh Niên, trước đó, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã có thông báo về việc đề nghị các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô.
Kết luận điều tra xác định, dù không được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng từ năm 2017, Trường ĐH Đông Đô đã gửi thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh tới các cơ sở, cá nhân, đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo. Qua đó, đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho trường số tiền hơn 24 tỷ đồng. Tuy nhiên nhiều khoản chi trong số tiền này không thể hiện rõ trên hóa đơn chứng từ.