Đình chỉ chức Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia; Cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức đổ lỗi cho cấp dưới… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 15/6/2023.
Tóm tắt nội dung
Đình chỉ chức Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), bị đình chỉ chức vụ từ 14/6 để phục vụ thanh tra việc cung ứng điện. Quyết định này được Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân ký và có hiệu lực từ 14/6.
Chia sẻ với báo VnExpress, một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói việc tạm đình chỉ ông Nguyễn Đức Ninh không phải vì vi phạm hay kỷ luật, mà để phục vụ cho công tác thanh tra về quản lý, điều hành cung cấp điện.
Trong thời gian này, ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia được giao giữ quyền điều hành A0.
Cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức đổ lỗi cho cấp dưới
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Minh Quân (cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) và 7 đồng phạm về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó đáng chú ý, ngoài tình tiết lợi dụng chức vụ quyền hạn, ông Nguyễn Minh Quân, cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, còn phạm tội với động cơ vụ lợi.
Kết quả điều tra xác định đối với khoản lợi nhuận từ việc trúng 27 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế vào Bệnh viện TP. Thủ Đức, số tiền này sau khi trừ đi chi phí trả lương cho nhân viên, chi phí phục vụ hoạt động của nhóm các công ty thì đều chuyển về cho ông Nguyễn Minh Quân và vợ là Nguyễn Trần Ngọc Diễm.
Tổng số tiền hưởng lợi của vợ chồng Nguyễn Minh Quân đối với 27 gói thầu là 103,6 tỷ đồng, được xác định là tiền thu lợi bất chính cần phải thu hồi.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, bị can Nguyễn Minh Quân chưa thành khẩn khai báo, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới nên cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung (đọc toàn bản tin trên báo Tuổi Trẻ Online).
Ngân hàng rao bán thủy điện, tài sản nghìn tỷ để thu hồi nợ
Nửa đầu tháng 6, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có cả chục thông báo bán nợ, đấu giá tài sản. Nhiều tài sản được rao bán nhiều lần vì chưa có người mua.
Mới nhất, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm. Mức khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 3-2023 là 582 tỷ đồng.
Nhà băng này cũng vừa rao nợ của Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến tháng 5-2023 là 1.016 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc là 633 tỷ đồng.
Tài sản đấu giá bao gồm Nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW; Nhà máy Sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản là nhà và đất tại Gia Lai và Kon Tum…
Hồi tháng 5, BIDV đấu giá Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty CP năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, với khởi điểm 325 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo bán hàng loạt khoản nợ xấu giá trị vài trăm đến nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp.
Tại một số ngân hàng như VietBank, ABBank, VIB…, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng vượt 3% (đọc toàn bản tin trên báo Tuổi Trẻ Online).
Công bố nguyên nhân vụ rơi gối cầu metro số 1
Ngày 15/6, ông Nguyễn Quốc Hiển – Phó trưởng Ban phụ trách Ban quản lý đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) chia sẻ nguyên nhân vụ rơi gối cầu metro số 1 (xảy ra ngày 30/10/2020 khi phát hiện 1 gối cầu bị rơi tại phía Tây trụ P14-10) tại họp báo thông tin về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị ở TP. HCM.
Thứ nhất là do khe hở giữa gối cầu và đá kê gối. Khi xuất hiện khe hở thì cũng giảm và tăng ứng suất cục bộ tại điểm tiếp xúc.
Thứ hai là tác động ray do sự thay đổi của nhiệt độ trong quá trình thi công. Theo đó, sự biến thiên nhiệt độ đáng kể tại khu vực thi công sẽ tác động dẫn đến cả ray và dầm cùng giãn nở hoặc co ngót (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).
Có thể bạn quan tâm: