Trung Quốc nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông, một vị trí chiến lược quan trọng của hàng hải quốc tế. Các cường quốc quân sự phương Tây đã gia tăng sự hiện diện quân sự của mình nhằm kìm hãm Bắc Kinh. 

Ấn Độ sẽ điều 4 bốn tàu chiến vào Biển Đông

Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm 2 tháng 8 thông báo rằng Ấn Độ sẽ cử một lực lượng đặc nhiệm bao gồm bốn tàu chiến vào Biển Đông trong một đợt triển khai kéo dài hai tháng. Lực lượng này sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự chung với các đối tác như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc.

Lực lượng đặc nhiệm của Ấn Độ bao gồm một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, một khinh hạm tên lửa dẫn đường, một khinh hạm chống ngầm và một khinh hạm tên lửa dẫn đường hạng nhẹ. Bộ Quốc phòng tuyên bố các tàu chiến sẽ rời Ấn Độ vào đầu tháng 8, nhưng không cho biết ngày khởi hành cụ thể.

Cuộc triển khai kéo dài 2 tháng sẽ bao gồm các cuộc tập trận hải quân chung với các nước như Malaysia, Việt Nam, Philippines, Singapore, Indonesia và Australia. 

Ngoài ra, họ sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự Malabar 2021 với Mỹ, Nhật Bản và các lực lượng của Úc ở Tây Thái Bình Dương.

Trong tuyên bố của mình, phía Ấn Độ cho biết: “Dựa trên lợi ích hàng hải chung và cam kết tự do hàng hải trên biển, các sáng kiến ​​hàng hải này đã tăng cường sức mạnh tổng hợp và sự phối hợp giữa Hải quân Ấn Độ và các đồng minh.”

Thông điệp của Ấn Độ tới Trung Quốc

Giới truyền thông nhận định rằng chuyến đi của tàu chiến Ấn Độ tới Biển Đông là một tín hiệu quan trọng gửi đến Trung Quốc.

CNN đưa tin ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề hải quân tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói: “Sự hiện diện đơn thuần của các tàu ở Biển Đông, ngay cả khi nằm ngoài giới hạn 12 (hải lý) của mỗi địa điểm do Trung Quốc chiếm đóng, cũng đã đủ để đáp ứng các mục tiêu chiến lược của New Delhi là báo hiệu ý định tiếp tục tham gia ở Tây Thái Bình Dương”.

Tuyên bố của Ấn Độ cho biết: “Bên cạnh các chuyến ghé cảng thường xuyên, nhóm đặc nhiệm sẽ hoạt động kết hợp với các lực lượng hải quân hữu nghị, để xây dựng quan hệ quân sự và phát triển khả năng tương tác trong việc tiến hành các hoạt động hàng hải”.

Động thái của Ấn Độ diễn ra trong khi mối quan hệ giữa New Dehli và Bắc Kinh đang căng thẳng vì tranh chấp biên giới.

Vào tháng 6 năm 2020, đã xảy ra một cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng vũ trang Ấn Độ và Trung Quốc tại Galwan, vùng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ. Phía Trung Quốc không tiết lộ con số thương vong.

Kể từ khi vụ việc xảy ra, Ấn Độ luôn hy vọng sẽ tăng cường “đối thoại an ninh bộ tứ”. Đây là mối quan hệ an ninh không chính thức giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Giới quan sát nhận định nhóm Tứ giác Kim cương này là một liên minh nhằm chống lại sức mạnh của Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích Bộ Tứ là một “nguy cơ an ninh” nhằm kiềm chế Trung Quốc và đây là phiên bản kiểu như NATO tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Các cường quốc quân sự tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Trong những tuần gần đây, Biển Đông đã trở thành một điểm nóng cho các hoạt động hải quân của nhiều quốc gia khác nhau. Tàu chiến Đức hôm 2/8 đã khởi hành tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Con tàu dự kiến sẽ tới Biển Đông vào tháng 12 năm nay.

Tuần trước, Tạp chí Quốc phòng Anh đưa tin HMS Queen Elizabeth, một tàu sân bay của Anh và Nhóm tấn công tàu sân bay của nó đã tiến vào Biển Đông.

Truyền thông Trung Quốc đã cáo buộc phía Anh đang cố gắng hồi sinh “thời kỳ rực rỡ của Đế quốc Anh”.

Các nhà quan sát nhận định Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông. Bắc Kinh thường đổ lỗi cho các tàu chiến nước ngoài làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Ba cho biết các quốc gia riêng lẻ đang xúi giục nhằm rạn nứt giữa Trung Quốc và các nước ASEAN; cử một số lượng lớn tàu chiến và máy bay tiên tiến Biển Đông nhằm phá vỡ hòa bình và ổn định trong khu vực.

Từ Khóa: