Cuộc bầu cử tổng thống Philippines sắp tới sẽ quyết định ai là người đưa ra quyết sách quan trọng của Manila trong 6 năm tới. Dù ai chiến thắng, thì Biển Đông dự kiến vẫn sẽ là thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại của tân tổng thống Philippines.

Chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày bầu cử tổng thống Philippines (9/5). Khoảng 67 triệu cử tri sẽ bỏ phiếu bầu ra nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước trong 6 năm tới.

Các cuộc thăm dò cho thấy 2 ứng viên tổng thống nổi bật nhất là ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. và bà Leni Robredo, hiện là Phó Tổng thống Philippines.

Marcos, ứng viên tổng thống Philippines hòa hảo với Trung Quốc

Theo Nikkei Asia, ông Marcos là người ủng hộ việc kết giao với Trung Quốc. Hơn nữa, ông này không thể đến Mỹ, đồng minh hàng thập niên của Philippines.

Cha ông Macros là “cựu nhà độc tài” – cố tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Sr. Ông Macros (cha) từng ban hành thiết quân luật năm 1972, khiến nhiều người Philippines bị giết hại. Sau đó, ông ta tới sống lưu vong ở Hawaii (Mỹ) và qua đời tại hòn đảo này vào năm 1989.

Năm 1995, một tòa án của Mỹ ra phán quyết yêu cầu gia đình ông Macros bồi thường cho các nạn nhân bị đàn áp. Số tiền mà họ phải bồi thường là 353 triệu USD (khoảng 8.110 tỷ đồng Việt Nam), tính đến năm 2011.

Gia đình ông Marcos đã phớt lờ phán quyết này. Vì vậy, nếu ông Marcos (con) đến Mỹ, ông ta có nguy cơ bị bắt giữ.

Người đồng hành tranh cử với ông Marcos là bà Sara Duterte, con gái của đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte. Chức vụ tổng thống và phó tổng thống Philippines được bầu riêng, nhưng việc ông Marcos và bà Duterte hợp tác với nhau sẽ giúp hai bên tận dụng được sự ủng hộ của người dân đối với hai gia tộc.

Ông Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr., ứng viên tham dự bầu cử tổng thống Philippines và bà Sara Duterte, con gái Tổng thống Rodrigo Duterte (ảnh: The Post).
Ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr., ứng viên tham dự bầu cử tổng thống Philippines và bà Sara Duterte, con gái Tổng thống Rodrigo Duterte (ảnh: The Post).

Ông Duterte nổi tiếng với lập trường mềm mỏng với Trung Quốc. Vì vậy, nếu ông Marcos và con gái ông Duterte lên nắm quyền, thì khả năng Philippines sẽ tiếp tục chính sách nhượng bộ Trung Quốc ở Biển Đông.

Nữ ứng viên tổng thống Leni Robredo ủng hộ liên minh với Mỹ

Trong khi đó, Phó Tổng thống Leni Robredo, có kế hoạch “tăng cường sự kết giao của [Manila] với các đồng minh và các quốc gia cùng chí hướng”.

Bà Robredo cũng thể hiện lập trường mạnh mẽ chống lại các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông (Manila gọi là Biển Tây Philippines).

Bà Robredo hiện đứng thứ 2 sau ông Marcos trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử.

Phó Tổng thống Leni Robredo bắt tay Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (ảnh: Picryl).
Phó Tổng thống Leni Robredo bắt tay Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (ảnh: Picryl).

Nếu bà Robredo giành chiến thắng, khả năng Philippines sẽ trở lại quỹ đạo hàng thập niên, đó là liên minh chặt chẽ với Mỹ và phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cuộc bầu cử tổng thống Philippines sắp tới sẽ quyết định chính sách về Biển Đông

Lucio Pitlo, nhà nghiên cứu của Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á – Thái Bình Dương tại Manila, cho biết: “Không có gì phải bàn cãi rằng hàng hải sẽ tiếp tục thách thức quan hệ Philippines-Trung Quốc”.

“Manila nên tiếp tục phản đối và đẩy lùi các cuộc xâm nhập của Trung Quốc và các hoạt động làm thay đổi hiện trạng ở Biển Tây Philippines, đồng thời quản lý các sự cố trên biển để không ảnh hưởng đến quan hệ song phương rộng lớn hơn”, ông Pitlo nói.

“Nhưng đồng thời, Philippines nên tận dụng các liên minh và quan hệ đối tác và phán quyết trọng tài năm 2016 để nâng cao vị thế đàm phán của mình.”

Liên minh giữa Mỹ và Philippines đã trải qua nhiều sóng gió dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte, nhà lãnh đạo công khai “chia tay Mỹ để bắt tay với Trung Quốc”. Ông Duterte coi Phán quyết Biển Đông 2016 chỉ là một “mẩu giấy”; mặc dù đây một chiến thắng quan trọng ủng hộ đơn kiện của Philippines.

Chính sách thân thiện với Trung Quốc của ông Duterte vẫn được duy trì đến những ngày cuối cùng trước khi ông rời nhiệm sở.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị APEC ở Việt Nam vào tháng 11 năm 2017 (ảnh: Văn phòng Tổng thống Philippines).
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị APEC ở Việt Nam vào tháng 11 năm 2017 (ảnh: Văn phòng Tổng thống Philippines).

Chỉ hai ngày trước khi Philippines và Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 8/4, Manila đã ra lệnh cho một công ty dầu khí trong nước đình chỉ hoạt động thăm dò tại một khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Manuel Pangilinan, chủ tịch PXP Energy, công ty mẹ của chủ sở hữu hợp đồng dịch vụ tại khu vực này, cho biết: “Chúng tôi đã được yêu cầu dừng mọi hoạt động vì Tổng thống sẽ nói chuyện với Tập Cận Bình”.

Chính phủ Philippines vẫn chưa thông báo cho PXP được hoạt động trở lại.

Tình huống này cho thấy Biển Đông là chủ đề nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh. Tranh chấp Biển Đông sẽ là vấn đề chính sách đối ngoại cấp bách nhất đối với người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines sắp tới, theo Nikkei.