Tháng 9/2019, một video của Bệnh viện Quân đội 301 Bắc Kinh được đăng trên WeChat, quảng bá về dự án sức khỏe nhằm kéo dài tuổi thọ các nhà lãnh đạo ĐCSTQ lên đến 150 tuổi.

Ngày 27/3, dự luật “Đạo luật chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2023” (HR1154) do dân biểu Chris Smith soạn thảo đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua với tỷ lệ áp đảo.

Dự luật hiện được chuyển đến Thượng viện Hoa Kỳ để xem xét thêm. Đây là biện pháp lập pháp nhằm buộc các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự ở các mức độ khác nhau nếu họ tham gia vào tội ác mổ cướp nội tạng sống.

Vào ngày dự luật được thông qua, ông Smith đã công bố một thông cáo báo chí. Theo đó, ông cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đánh cắp nội tạng của những người trẻ tuổi một cách tàn bạo, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ và những người Trung Á khác.

Vị dân biểu cho hay “Những tội ác chống lại loài người này là không thể tưởng tượng nổi”, đồng thời nói rằng “ĐCSTQ đã tuyên bố họ là một ‘tà giáo'” vì hành động giết người này.

Dân biểu Chris Smith (ảnh: Wikipedia).

Ngoài ra ông còn tiết lộ một bí mật: Tại Bệnh viện 301 của Quân đội Trung Quốc, các quan chức cấp cao cao tuổi ở nước này đã được ghép nội tạng của những người bị đàn áp.

Kể từ ngày 20/7/1999, ĐCSTQ đã thao túng toàn bộ bộ máy nhà nước để bức hại hàng trăm triệu học viên Pháp Luân Công trong hơn 20 năm qua.

Môn tu luyện Pháp Luân Công tuân theo tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” kết hợp với năm bài công pháp nhẹ nhàng, có thể mang lại lợi ích về thể chất và tinh thần cho con người. Môn tập trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc từ khi bắt đầu xuất hiện năm 1992. Trước khi bị chính quyền bức hại, ước tính có khoảng 70-100 triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Thông báo của WOIPFG (Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công) cho biết, trong cuộc bức hại, ĐCSTQ một mặt tẩy não và cưỡng bức những người tu tập Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình. Mặc khác, họ thực hiện nhiều hình thức tra tấn, đặc biệt là thu hoạch sống nội tạng các học viên để kiếm lợi nhuận khổng lồ.

Dự án kéo dài tuổi thọ quan chức cấp cao đến 150 tuổi

Tháng 9/2019, một video quảng cáo của Bệnh viện Quân đội 301 Bắc Kinh được đăng trên WeChat ở Trung Quốc. Đoạn clip tuyên truyền về dự án sức khỏe với mục tiêu kéo dài tuổi thọ của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ lên đến 150 tuổi.

Video tuyên bố sau hơn 60 năm “thăm dò và thực hành”, công tác chăm sóc y tế với quan chức cấp cao của đảng đã đạt được “tiến bộ đáng kể” và hình thành một hệ thống y tế toàn diện, tích hợp để phòng ngừa ung thư, chống lão hóa, tái tạo chức năng các cơ quan nội tạng v.v. Quảng cáo cho biết hệ thống hoạt động “rất tốt” trong thực tế.

Theo đoạn quảng cáo, tuổi thọ trung bình các nhà lãnh đạo ĐCSTQ cao hơn nhiều so với lãnh đạo của các nước phát triển trong cùng thời kỳ. Theo thống kê năm 2008, tuổi thọ trung bình của các lãnh đạo nước này lên tới 88 tuổi. Cuối video đề cập đến việc Bắc Kinh khởi động “Công trình y tế của Lãnh đạo Trung Quốc 981” vào năm 2005, mục tiêu kéo dài tuổi thọ của họ lên tới 150 tuổi.

Công trình 981 là một “dự án lớn” nhằm vào giới thượng lưu của ĐCSTQ, cam kết cung cấp cho các quan chức hàng đầu của Đảng này biện pháp phòng ngừa, chữa bệnh, chăm sóc và quản lý sức khỏe suốt đời. Đoạn video này sau đó đã nhanh chóng bị xóa.

Thông tin trên Internet cho biết “Công trình sức khỏe 981” bao gồm 3 dự án khác nhau là “Dự án tăng cường sức khỏe”, “Dự án tái hiện Thanh xuân” và “Dự án trường thọ 150 tuổi”.

Quan chức cấp cao của ĐCSTQ từng thay nhiều nội tạng

Tháng 12/2022, ông Cao Chiêm Tường, cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc qua đời vì bệnh tại Bắc Kinh. Bài điếu văn cho ông Cao Chiêm Tường đã vô tình tiết lộ rằng, các quan chức cấp cao ở Trung Quốc dựa vào nguồn nội tạng thu hoạch để kéo dài mạng sống của mình.

Ông Chu Vĩnh Tân, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương của Hiệp hội Thúc đẩy Dân chủ Trung Quốc, đã viết ở cuối bài điếu văn dành cho ông Cao: “Những năm qua, ông Cao Chiêm Tường đã kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Ông đã thay đổi nhiều nội tạng, và còn nói đùa rằng nhiều bộ phận đều không phải của mình. Tuy nhiên, trước đợt dịch, ông ấy vẫn khỏe mạnh và nhiệt tình, minh mẫn… không giống bệnh nhân chút nào. Không ngờ rằng ông ấy rời bỏ chúng tôi sớm như vậy.”

Bài điếu văn của ông Chu vô tình tiết lộ vị Thứ trưởng không chỉ thay nội tạng mà còn “thay đổi nhiều lần”.

Trước đó năm 2021, cựu Bộ trưởng Tài chính Kim Nhân Khánh qua đời tại nhà riêng ở Bắc Kinh.

Một người bạn đã đăng bài điếu văn lên mạng, nói rằng ông Kim từng được phẫu thuật thay tim của một chàng trai 28 tuổi. Sau khi từ chức, ông Kim tiếp tục được hưởng đãi ngộ cấp bộ và còn được cấp cho ôtô cùng tài xế riêng. Ông Kim nhiều lần nói rằng ĐCSTQ đối xử tốt với ông ấy.

Có một lượng lớn “người hiến tặng” còn sống ở Trung Quốc

Sau hơn 10 năm điều tra, Tổ chức quốc tế điều tra cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) tiết lộ rằng ĐCSTQ có một lượng lớn “người hiến tạng” còn sống.

Trong báo cáo điều tra của mình, WOIPFG tuyên bố rằng, sau khi Bắc Kinh bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ngành ghép tạng của nước này trải qua sự phát triển bùng nổ. Chỉ không đầy 4 năm Trung Quốc đã trở thành cường quốc thứ hai trong lĩnh vực cấy ghép cơ quan tạng.

Ngoài ra, thời gian chờ đợi để ghép tạng ở đại lục ngắn một cách bất thường (thậm chí chỉ trong 1 tuần bệnh nhân có thể tìm được nội tạng phù hợp), trong khi ở các quốc gia khác là hàng năm trời.

Ông Geoffrey Nice QC, thẩm phán Tòa án Xét xử Trung Quốc (China Tribunal) đọc phán quyết ngày 17/6/2019 về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc (ảnh: China Tribunal).
Ông Geoffrey Nice QC, thẩm phán Tòa án Xét xử Trung Quốc (China Tribunal) đọc phán quyết ngày 17/6/2019 về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc (ảnh: China Tribunal).

Năm 1998, Trung Quốc báo cáo gần 3.600 ca ghép thận. Đến năm 2005, con số đó đã tăng lên xấp xỉ 10.000. Số lượng cơ sở thực hiện ghép thận tăng từ 106 lên gấp ba (368) trong giai đoạn 2001 – 2005.

Đến nay ĐCSTQ luôn mơ hồ về nguồn nội tạng, cách thức hoạt động của bộ phận thu hoạch và cấy ghép nội tạng ở nước này.

Trước sức ép của dư luận quốc tế, từ ngày 1/1/2015, ĐCSTQ tuyên bố rằng những người hiến tạng là nguồn tạng duy nhất [dùng cho cấy ghép tại quốc gia này]. Tuy nhiên, với giả thuyết mỗi năm Trung Quốc thực hiện từ 60.000 đến 90.000 ca cấy ghép và số người hiến tạng chính thức vào năm 2017 chỉ hơn 5.000 người, thì có thể kết luận rằng, phải có một nguồn cung cấp nội tạng bí ẩn, bù đắp vào số nội tạng còn thiếu.

Chuyên gia: Dự luật của Mỹ đánh thẳng vào chỗ đau của ĐCSTQ

Ngày 30/3, nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, dự luật mới do Hạ viện thông qua trực tiếp đề cập đến Pháp Luân Công, chạm đến chỗ đau mà ĐCSTQ sợ nhất.

Ông Đường cho hay, sau khi ĐCSTQ phát động đàn áp Pháp Luân Công năm 1999, họ đã sử dụng gần như mọi nguồn lực để bịt miệng và dập tắt các nỗ lực phản đối bức hại trên toàn thế giới. Trong nhiều năm, Pháp Luân Công hiếm khi được các nước châu Âu và Mỹ đề cập trực tiếp ở cấp chính phủ.

“Không chính phủ nào trong số này muốn làm mất lòng ĐCSTQ.” Ông nói, “Nhưng giờ đây, quan hệ Trung-Mỹ đang trải qua sự thay đổi đảo ngược”.

Theo vị chuyên gia, đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ sử dụng hình thức luật pháp với tội ác này của ĐCSTQ. Điều này tương đương tuyên bố với thế giới rằng, việc chính quyền Trung Quốc mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công không phải là một âm mưu mà là sự thật.

“Hành động của Hoa Kỳ sẽ làm gương và sẽ tạo động lực to lớn cho các quốc gia trên thế giới ngăn chặn ĐCSTQ mổ cướp nội tạng sống.”, ông cho hay.

Theo Aboluowang