Nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng việc thức khuya thường xuyên có thể gây tổn thương não và gây ra các triệu chứng như chứng mất trí nhớ.
Vậy làm thế nào để giảm tác dụng phụ của việc thức khuya? Thực hành việc ăn uống và xoa bóp thích hợp có thể giúp bạn giảm bớt những khó chịu do không được nghỉ ngơi đầy đủ.
Tóm tắt nội dung
Thức khuya tác động tiêu cực lên não
1. Thiếu ngủ
Giấc ngủ là thời gian cho cơ thể sửa chữa, phục hồi và rất quan trọng đối với não bộ. Nếu thường xuyên thức khuya, lịch trình giấc ngủ của bạn có thể bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng thiếu ngủ. Thiếu ngủ mãn tính có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ, học tập và sự tập trung.
2. Giảm neuron thần kinh
Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy việc thiếu ngủ mãn tính và thức khuya có thể dẫn đến giảm các neuron thần kinh trong não. Neuron thần kinh là những đơn vị cơ bản trong não giúp xử lý và truyền tín hiệu thần kinh. Số lượng neuron giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ và chức năng nhận thức.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Melbourne tại Australia đã tiến hành một cuộc khảo sát trong 7 năm với hơn 200 người trẻ tuổi tham gia. Ngoài việc trả lời các bảng câu hỏi nhiều lần trong 7 năm đó, những người tham gia còn trải qua hai lần chụp não để kiểm tra tình trạng phát triển não của họ.
Từ kết quả chụp não, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa việc thức khuya và chất trắng trong não – người trẻ “cú đêm” có ít chất trắng trong não hơn so với người dậy sớm vào buổi sáng. Các nhà nghiên cứu cũng báo cáo rằng thanh thiếu niên bắt đầu thức khuya vào khoảng 12 hoặc 13 tuổi có nhiều khả năng phát sinh các vấn đề về hành vi hơn, bao gồm gia tăng tính hung hăng, khuynh hướng phá vỡ các quy tắc và hành vi chống đối xã hội.
Một nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy nếu bạn thức trắng đêm chỉ một lần thì qua đêm đó não của bạn sẽ bị già đi đến một hoặc hai năm.
3. Ảnh hưởng đến cảm xúc
Thiếu ngủ và thức khuya có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, làm tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu và làm giảm sức khỏe tinh thần lẫn sức khỏe tổng thể.
4. Căng thẳng gia tăng
Thiếu ngủ và thức khuya có thể gây căng thẳng quá mức cho cơ thể, điều này lần lượt ảnh hưởng đến chức năng của não. Từ đó dẫn đến mệt mỏi mãn tính, lo âu, mất ngủ, cũng như các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần khác.
Tóm lại, việc thường xuyên thức khuya có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe bộ não. Nếu cần thức khuya, bạn nên tránh thức khuya liên tục và bảo đảm phải bổ sung lại thời gian ngủ càng sớm càng tốt sau đó.
Theo lý thuyết Trung y, mọi thứ trong vũ trụ đều có tồn tại âm dương. Âm dương đối lập nhưng phụ thuộc lẫn nhau. Âm có thể thành dương và dương cũng có thể thành âm.
Ví dụ, ngày là dương và đêm là âm. Việc cân bằng năng lượng âm dương trong cơ thể là chìa khóa để có sức khỏe tốt. Thức khuya sẽ phá vỡ sự cân bằng trong cơ thể và gây thêm gánh nặng cho tỳ (lá lách), dạ dày, tim, gan và các cơ quan khác.
Một số cách giảm hậu quả tiêu cực của việc thức khuya theo Trung y
Đối với những khó chịu về thể chất do thức khuya gây ra, những điều sau đây rất hữu ích.
1. Điều hoà việc ăn uống
Khi cần thức khuya, bạn có thể tăng lượng dinh dưỡng bổ sung bằng nhiều cách. Hãy chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, có hàm lượng protein và vitamin cao như đậu phụ, cá, thịt nạc, rau quả.
Tránh ăn các thực phẩm cay, có dầu mỡ và kích thích như ớt, gừng, cà phê, v.v., để không gây thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Cũng nên tránh ăn quá nhiều và/hoặc uống quá nhiều rượu.
2. Tẩm bổ
Bạn có thể uống canh thuốc Bắc nấu từ các vị thuốc như hoàng tinh, câu kỷ tử, ngũ vị tử và long nhãn có thể cân bằng âm dương trong cơ thể, tăng cường miễn dịch và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Cũng có thể sử dụng các loại thuốc bổ thảo dược khác như nhân sâm, hoàng kỳ và bạch chỉ.
3. Xoa bóp
Xoa bóp trong Trung y có thể kích thích các huyệt liên kết với não, thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện nguồn cấp dinh dưỡng để nuôi dưỡng não. Các huyệt thường được mát xa là Phong Trì (GB20), Bách Hội (DU20), Ấn Đường (EX-HN3) và các huyệt khác.
4. Ngâm chân
Sau khi thức khuya, bạn có thể ngâm chân trong nước nóng để thúc đẩy lưu thông máu, giảm mệt mỏi và giúp ngủ ngon.
5. Tập thể dục vừa phải trước khi đi ngủ
Sau khi thức khuya, tập một số bài tập nhẹ, chẳng hạn như đi bộ hoặc yoga, có thể giúp bạn thư giãn và dễ ngủ hơn.
6. Các cách an thần
Nghe nhạc và/hoặc đọc sách giải trí có thể giúp duy trì tâm trạng ổn định. Thức khuya có thể gây thay đổi tâm trạng và ảnh hưởng đến sự cân bằng âm dương trong cơ thể. Nên duy trì thái độ tích cực, thư giãn tâm trí, nghỉ ngơi thích hợp để giảm mệt mỏi và căng thẳng tinh thần quá mức.
Thảo dược giúp phục hồi sức khoẻ
Nếu thức khuya dẫn đến mất trí nhớ, bạn có thể dùng thử những thảo dược sau:
1. Nhân sâm
Nhân sâm là một loại thuốc bổ rất phổ biến trong nhiều bài thuốc Trung y. Nhân sâm giúp ích khí, bổ sung tinh chất, bổ máu và làm cho tỳ (lá lách) khỏe mạnh hơn. Nhân sâm cũng có thể tăng cường khả năng miễn dịch, chống mệt mỏi và được cho là có hiệu quả tích cực đối với các triệu chứng mất trí nhớ.
Một nghiên cứu mù đôi (double-blind study – là nghiên cứu mà cả người thực hiện và người tham gia nghiên cứu không rõ ai đang nhận liệu pháp điều trị nào trong chương trình thử nghiệm) được công bố trên Psychopharmology cho thấy trí nhớ của người trung niên (cả trí nhớ làm việc và trí nhớ dài hạn) được cải thiện đáng kể sau khi uống các viên nang chứa chiết xuất nhân sâm.
2. Câu đằng
Cây câu đằng (thường gọi là cây vuốt mèo) là một vị thuốc Bắc có chức năng thanh nhiệt, giải độc, tăng lưu thông máu, loại bỏ huyết ứ, thư giãn gân cốt và kích hoạt các cơ quan nội tạng. Bằng cách này, câu đằng có thể cải thiện tuần hoàn máu và chức năng trao đổi chất của não và có tác dụng chữa trị nhất định đối với các bệnh về não.
3. Hương thảo
Hương thảo (Rosemary) là một gia vị phổ biến và cũng là một vị thuốc Bắc. Hương thảo có chức năng thư giãn gân cốt, hoạt kinh, thanh nhiệt, giải độc, tăng lưu thông máu và có thể cải thiện các triệu chứng của các bệnh về não.
Một nghiên cứu mù đôi ngẫu nhiên được công bố trên Tạp chí Thực phẩm Dược phẩm cho thấy việc sử dụng một lượng bột hương thảo thích hợp cho người cao tuổi có thể giúp cải thiện khả năng nhận thức. Tuy nhiên, nếu sử dụng bột hương thảo hơn 6g/ngày sẽ có tác động tiêu cực đến khả năng nhận thức.
4. Huyền hồ
Huyền hồ là một vị thuốc Bắc có chức năng làm tăng lưu thông máu và loại bỏ huyết ứ, giảm đau và ngứa, thư giãn gân cốt và kích hoạt các cơ quan nội tạng. Huyền hồ cũng giúp cải thiện lưu thông máu trong não, giảm thiếu máu não và thiếu oxy, đồng thời có tác dụng điều trị nhất định đối với các bệnh về não.
5. Nấm linh chi
Nấm linh chi là vị thuốc Bắc có chức năng làm tăng sinh khí, nuôi dưỡng máu, làm dịu thần kinh và làm cho tim khỏe mạnh. Nấm linh chi cũng có thể làm tăng khả năng miễn dịch, chống mệt mỏi và giúp cải thiện các triệu chứng mất trí nhớ.
Tóm lại, Trung y tin rằng đối với người thường xuyên thức khuya, chìa khóa để điều hòa cơ thể là duy trì cảm xúc ổn định, điều chỉnh ăn uống đúng cách, bổ sung dinh dưỡng và duy trì hoạt động thể chất. Đồng thời, cũng cần lưu ý nếu bạn cảm thấy không khỏe hoặc có các triệu chứng khác thì nên đi khám và điều trị.
Lưu ý: Vì mỗi người có cơ chế thể chất khác nhau nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia Trung y.
Có thể bạn quan tâm: