Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin dùng một từ chửi thề đối với hành vi xấu xí của Trung Quốc ở Biển Đông. Một số báo gọi đây là “bom F” đối với các tàu Trung Quốc hoạt động phi pháp trong khu vực.

Hôm 3/5 trên Twitter của mình, Ngoại trưởng Philippines, Teodoro Locsin “chửi thề”, gọi Trung Quốc là ‘kẻ xấu xí’. Ông yêu cầu tàu Bắc Kinh không đến gần bãi cạn Scarborough, theo SCMP.

Bắc Kinh có thể bỏ qua lời khẩu chiến, thay vào đó họ có thể dùng sức mạnh quân sự của mình để “uốn nắn” Manila, chuyên gia cảnh báo.

Khẩu chiến của ông Locsin xuất hiện sau khi Philippines phát hiện các tàu tuần duyên Trung Quốc đã quấy rối tàu Philippines trong khu vực lân cận bãi cạn mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Bãi cạn nằm cách đảo Luzon của Philippines 220 km về phía tây và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đảo này nằm trong đường chín đoạn (lưỡi bò) mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% Biển Đông.

Philippines ngày càng bực tức trước hành động hung hăng từ phía Trung Quốc

Dòng tweet bùng nổ của ông Locsin cho thấy sự leo thang mới nhất trong cuộc khẩu chiến bắt đầu tồi tệ kể từ tháng 3. Thời điểm đó hàng trăm tàu Trung Quốc tụ tập gần Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines và Trung Quốc cũng nhận chủ quyền đối với Đá Ba Đầu.

Ngày 3/5, Bộ Ngoại giao Manila tuyên bố: “Trung Quốc không có quyền thực thi pháp luật ở những khu vực này … sự hiện diện trái phép và kéo dài của các tàu này là sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Philippines”.

Bom F của ngoại trưởng Philippines

Khác với tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Locsin diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản hơn: “Trung Quốc, bạn của tôi, tôi có thể diễn đạt nó một cách lịch sự như thế nào đây?”.

Ngay sau đó ông Locsin viết dòng chửi thề bằng tiếng Anh: “GET the F**K OUT”. Một số tờ báo gọi từ chửi thề của ông Locsin là “bom F”.

“Các ông đang làm gì với tình bạn của chúng ta?…”, vị ngoại trưởng tiếp tục.

Ông Locsin ví Trung Quốc như “một cô gái xấu xí ép buộc sự chú ý vào một anh chàng đẹp trai” trong khi anh này chỉ muốn làm bạn; chứ không phải “làm cha của một tỉnh thuộc Trung Quốc”.

Khẩu chiến của ông Locsin phản ánh sự bực tức ngày càng tăng của Manila trước hành động hung hăng, bắt nạt từ phía Bắc Kinh.

Người phát ngôn của tổng thống Philippines, Harry Roque cho biết: “Chúng tôi sẽ không can thiệp vào quyền tự do ngôn luận của ông Locsin”.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Philippines, cho biết “rất khó để nói” liệu các quan chức Trung Quốc có xem xét các tweet của ông Locsin một cách nghiêm túc hay không.

Tuy nhiên, nhà phân tích quốc phòng, Chester Cabalza cho biết: “Tổng thống là người có tiếng nói quyền lực nhất, Trung Quốc sẽ chỉ lắng nghe những gì ông Duterte nói”.

Các nhà phê bình “tấn công” Tổng thống Duterte vì “thân” Trung Quốc

Trong khi ông Duterte đã “xúc phạm thô bạo” cả Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, ông chưa bao giờ công khai chỉ trích Bắc Kinh.

Ông Cabalza cho biết, Trung Quốc sẽ “không màng tham gia cuộc chiến ngôn từ với Manila; thay vào đó họ sẽ sử dụng linh hoạt sức mạnh quân sự của mình trong khu vực tranh chấp”.

Ngày 2/5, Bộ trưởng Quốc phòng, Delfin Lorenzana cho biết: “Mặc dù chúng tôi thừa nhận rằng khả năng quân sự của Trung Quốc tiên tiến hơn; nhưng điều này không ngăn cản chúng tôi bảo vệ lợi ích quốc gia và phẩm giá của chúng tôi với tư cách là một người dân, với tất cả những gì chúng tôi có”.

Dòng tweet của ông Locsin cho thấy, các nhà phê bình chính phủ tấn công Tổng thống Duterte vì “thân” Trung Quốc. Ông Duterte bảo vệ mối quan hệ cá nhân mình với Trung Quốc và không xúc phạm Bắc Kinh.

Cựu thẩm phán Philippines kêu gọi người dân hãy “đánh thức” Tổng thống Duterte

Năm 2016, ông Duterte tuyên bố đưa Philippines rời xa đồng minh truyền thống là Mỹ và xích lại gần Trung Quốc hơn.

Ông Duterte nói rằng ông không thể phản đối các hành động của Trung Quốc tại nơi mà Manila gọi là “Biển Tây Philippines”. Philippines gọi khu vực phía nam Biển Đông là Biển Tây Philippines. Ông cho rằng nếu ông phản đối, điều đó sẽ khiến Bắc Kinh tức giận và có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Ông Duterte nhiều lần nói rằng Trung Quốc đã chiếm hữu “Biển Tây Philippines”.

Trong một diễn đàn trực tuyến ngày 28/4, cựu thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio kêu gọi người dân Philippines : “Hãy hét thật to để Tổng thống Duterte thức giấc sau giấc ngủ say dưới màn chống muỗi; và thừa nhận với quốc dân sự thật rằng Trung Quốc không chiếm hữu Biển Tây Philippines”.

Ông Carpio nhắc lại, năm 2019 Tổng thống Duterte đã thực hiện một thỏa thuận đánh cá “bằng lời nói” với ông Tập Cận Bình. Nó cho phép ngư dân Trung Quốc tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Ngày 29/4,ông Duterte đã phản pháo lại, đồng thời cáo buộc ông Carpio và cựu ngoại trưởng Albert del Rosario đã “để mất” khu vực hàng hải trong chính quyền trước đó. “Nếu bạn rất sáng suốt, tại sao chúng ta lại đánh mất nó?”.